Bên thềm Mật Nghị bầu Giáo Hoàng 2025
Nguyễn Đình Diễn
(1) Số phiếu cần thiết tối thiểu để đắc cử Giáo Hoàng
Tông hiến “Universi Dominici gregis” ("Toàn thể đoàn chiên Chúa") của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (năm 1996), số 62, quy định rằng “Kể từ nay việc bầu chọn giáo hoàng chỉ còn theo thể thức bỏ phiếu mà thôi. Vì thế, tôi quy định rằng giáo hoàng Rôma được bầu chọn thành sự phải đạt hai phần ba số phiếu bầu, tính theo tổng số các hồng y bỏ phiếu. Nếu tổng số các hồng y hiện diện không thể chia chẵn cho ba, thì phải thêm một phiếu nữa để việc bầu chọn giáo hoàng được thành sự”.
Năm 2005 (khi ĐGH Bênêđíchtô XVI đắc cử) và năm 2013 (khi ĐGH Phanxicô đắc cử) đều có 115 hồng y bỏ phiếu. Con số 115 chia cho 3 không chẵn, ra số thành là 38,3. Vậy tân giáo hoàng cần đạt 38+38+1= 77 phiếu.
Năm nay 2025, sẽ có 133 hồng y bỏ phiếu. Con số này chia cho 3 cũng ra số lẻ 44,3. Vậy số phiếu cần thiết tối thiểu để đắc cử giáo hoàng sẽ là 44+44+1= 89 phiếu.
(2) Mỗi ngày có tối đa 4 lần bỏ phiếu
Tông hiến “Universi Dominici gregis” cũng quy định ở số 63: “Nếu việc bầu giáo hoàng bắt đầu vào buổi chiều ngày thứ nhất, thì chỉ được tổ chức một lần bỏ phiếu mà thôi. Những ngày tiếp theo, nếu vẫn chưa có ai đắc cử, thì có hai lần bỏ phiếu buổi sáng và hai lần bỏ phiếu buổi chiều”. Cả trong năm 2005 (khi ĐGH Bênêđíchtô XVI được bầu) và năm 2013 (khi ĐGH Phanxicô được bầu), chỉ đến cuối ngày thứ hai là Giáo Hội đã có tân giáo hoàng.
(3) Chữ trên phiếu bầu
Tông hiến “Universi Dominici gregis”, số 70, cho biết sau phần kiểm phiếu ở mỗi lần bầu, các lá phiếu được đốt đi để giữ bí mật. Tuy nhiên, có thể hình dung hình thức tờ phiếu như ảnh đính kèm nhờ lời mô tả ở số 65 trong Tông hiến: “Thứ nhất, phiếu phải là giấy hình chữ nhật, ở chính giữa nửa trên đã viết sẵn, hoặc nếu có thể được thì in, câu Eligo in Summum Pontificem (Tôi bầu chọn làm giáo hoàng); từ giữa nửa dưới chừa một khoảng trống để ghi tên người được bầu chọn; như thế, tờ phiếu phải được sửa soạn sao cho có thể gấp làm đôi. Thứ hai, mỗi hồng y cử tri phải điền tên người mình bầu chọn vào phiếu cách kín đáo bằng chữ viết dễ đọc nhưng cố hết sức để chữ viết của mình không bị người khác nhận ra, đồng thời lưu ý không viết thêm tên nào khác vì như thế là làm cho phiếu ra vô hiệu; sau đó gấp tờ phiếu, rồi gấp một lần nữa”. Số 64 của Tông hiến cho biết mỗi vị hồng y được phát hai hoặc ba tờ phiếu, có lẽ để phòng trường hợp có vị sau khi đã viết vào phiếu lại muốn đổi ý bầu chọn.
(4) Papabile, Papabili
Báo chí ưa dùng danh từ gọn gàng trong tiếng Ý: “papabile” (số nhiều: “papabili”), được diễn ra tiếng Việt rất dài, là “ứng viên sáng giá nhất của chức giáo hoàng”, ra tiếng Trung Hoa cũng lê thê: “khả đương tuyển vi giáo tông giả” (可 當 選 為 教 宗 者), và ra tiếng Anh cũng nhiều lời: “potential papal candidate” / “one who might become pope” / “he who has the makings of a pope” / “popeable person”. Thông thường, trong thời gian trước khi diễn ra mật nghị bầu giáo hoàng, giới truyền thông và dân chúng khắp thế giới xôn xao bàn tán và ước đoán ai sẽ trở thành tân giáo hoàng. Nhìn lại lịch sử, nhiều ứng viên có triển vọng nhất lại không được bầu chọn, vì thế phát sinh câu phương ngôn tiếng Ý: “Chi entra papa in conclave esce cardinale” nghĩa là “Vị nào bước vào mật nghị như giáo hoàng thì đi ra như hồng y”.
(5) Phòng nước mắt
Ngay sau khi đắc cử, vị tân giáo hoàng được đưa vào Phòng nước mắt. Nơi đây đã đặt sẵn ba bộ phẩm phục giáo hoàng màu trắng gồm cỡ nhỏ, cỡ vừa và cỡ lớn. Phòng được đặt tên là nước mắt vì người ta cho rằng sẽ có một sự xúc động nhất định khi vị tân giáo hoàng chuẩn bị khoác lên mình bộ phẩm phục dành cho chức vụ cao trọng nhất trong Giáo Hội. Sau khi mặc áo, tân giáo hoàng trở lại Điện Sistine nhận Nhẫn ngư phủ, và các hồng y tụ lại để thực hiện nghi thức tùng phục lần đầu tiên trước khi tin vui về vị tân giáo hoàng được công bố với dân chúng đang chờ đợi bên ngoài.
Cập nhật
Bản tin ngày 7-5-2025 của Vatican News đã đăng video cho chúng ta tham qua
"Phòng nước mắt":
https://youtu.be/Ib8lBpjYW1U
________
Pxc
6-5-2025
COMMENTS