Gương hiếu học - Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi
Một tinh thần hiếu học đáng noi theo. Ban Truyền thông kính mời chị em tham khảo.
Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, hiệu Tích Am, quê ở làng Long Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương).
Theo tài liệu của các nhà sử học Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, ông sinh năm 1272 trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Hàng ngày, hai mẹ con phải vào rừng đốn củi bán. Mẹ ông đã hy sinh tất cả để nuôi con ăn học. Bà chỉ mong con thoát cảnh nghèo, có thể thi cử đỗ đạt, giúp ích cho đời. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi không ngừng gắng sức học tập.
Theo sách Những tấm gương hiếu học xưa và nay, Mạc Đĩnh Chi đọc sách gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc kiếm củi. Ông thức dậy từ rất sớm, vào rừng lấy củi xong mới về học tiếp. Nhiều lần, Mạc Đĩnh Chi đến lớp muộn, thầy giáo hiểu được hoàn cảnh của học trò nên không trách phạt. Nhiều hôm, thầy còn bảo Mạc Đĩnh Chi ở lại làm thêm việc, cốt để ông được ăn bữa no.
Mạc Đĩnh Chi mượn sách của thầy và bạn để học. Không có tiền mua nến, ông đốt củi, lá cây để đọc sách. Trong kỳ thi năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi thi đỗ hội nguyên, sau đó thi Đình đỗ trạng nguyên khi mới chỉ 24 tuổi. Ông ra làm quan, trải qua ba triều vua, gồm Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông.
Tướng mạo xấu, nhưng trí tuệ “đẹp”
Mạc Đĩnh Chi người làng Lan Khê, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương ngày nay, sau dời sang làng Luỹ Động, huyện Chí Linh. Thuở nhỏ, ông rất linh lợi, thông minh, nhưng tướng mạo xấu xí. Thân hình ông lùn, da đen, miệng rộng, mũi tẹt, trán dô...
Bấy giờ, thời nhà Trần có Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, là người hay chữ, mở học đường, Mạc Đĩnh Chi xin vào học. Lúc đó cậu mới 4 – 5 tuổi, nhưng đã tỏ ra hết sức thông tuệ, được mệnh danh là thần đồng.
Đến năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi. Nhưng khi ra mắt, nhà vua thấy mặt mũi, thân hình ông xấu xí, không muốn cho đỗ trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), để nói lên phẩm giá thanh cao của mình, dâng lên vua. Anh Tông xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông, nên cảm phục và cho đỗ trạng nguyên. Sau đó, để tỏ lòng ưu ái người tài, nhà vua cho dẫn ông và hai người khác đỗ Tam Khôi là bảng nhãn Bùi Mộ và thám hoa Trương Phóng ra phía cửa Long Môn Phượng Thành dạo chơi trên đường phố ba ngày liền.
Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư)... Đặc biệt trong hai lần sang sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất cao đẹp của mình để làm rạng rỡ đất nước và khiến người nước ngoài phải khâm phục.
Trạng nguyên hai nước
Mạc Đĩnh Chi là trạng nguyên của nước ta, nhưng khi sang sứ Tàu, vua Nguyên phục ông đối đáp thông tuệ, học vấn uyên thâm, đã phong ông làm trạng nguyên Trung Quốc. Có lần, muốn thử tài năng và khí tiết của vị Chánh sứ nước ta, vua nguyên ra một vế đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau:
*“Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy cung trăng”.
Nghe xong, Mạc Đĩnh Chi biết vua Nguyên tỏ vẻ kiêu ngạo, xem mình là mặt trời và xem nước ta như mặt trăng, nên đã đối lại:
*“Trăng là cung, sao là đạn, tối đến bắn rơi mặt trời”.
Thoạt đầu, vua Nguyên nổi giận, nhưng qua vế đối biết tài năng, khí tiết của sứ thần nước ta không phải là vừa, nên đem lòng nể trọng, chuyển giận làm vui và sai lấy vàng lụa, rượu ngon thưởng cho trạng Việt Nam.
Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp người Hậu phi của vua Nguyên mất. Lúc làm tế lễ, người Nguyên đưa cho Chánh sứ nước ta bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có bốn chữ “Nhất” (là một). Ông chẳng hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc thành bài điếu văn rất hay, đầy cảm động như sau:
“Thanh thiên nhất đoá văn
Hồng lô nhất điểm tuyết
Ngọc uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”
Nghĩa là:
“Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!”.
Vậy là chỉ có bốn chữ “Nhất” mà trạng nước ta đã đọc thành một bài văn điếu tuyệt hay, khiến cho cả triều thần phương Bắc phải bái phục.
Nguồn: DKN News
COMMENTS