Người Công Giáo Có Mừng Lễ Vu Lan Không?
Tôi thường hay gặp câu hỏi này khi đối thoại với anh chị em Phật giáo. Với họ, hai dịp Lễ trọng đại nhất của đạo mình là Phật đản (tức ngày Đức Thích Ca đản sanh) và Vu lan. Vì lẽ đó, khi gặp những anh em thuộc tôn giáo khác, cụ thể là Công giáo, họ thường thắc mắc: “Liệu rằng người Công giáo có lễ Vu lan không? Hoặc ít là có dịp nào có ý nghĩa giống như lễ Vu lan không?”
Phải nói thế này, người Công giáo không có lễ Vu lan. Vì chưng, lễ Vu lan có nguồn gốc từ đạo Phật. Tôi nhớ không lầm, lễ Vu lan thường được người ta nhắc đến với hình ảnh Mục Kiền Liên Bồ Tát. Một vị đạt chứng quả Bồ Tát đã nài xin Đức Thích Ca cứu giúp thân mẫu của mình, vì bà cho quý tăng ăn bánh bao dồn thịt. Mà đối với những người theo Phật giáo, sát sanh là một trọng tội khi quy y phải thọ trì (Ngũ giới).
Ngoài ra, ta cũng nói thêm về chữ “Vu lan”. Vu lan, người ta thường nghĩ đó là hai chữ mang nghĩa trong tiếng Hán. Nhưng thật ra, đó lại là cách phiên âm từ tiếng Phạn. Từ nguyên của chữ Vu lan trong tiếng Phạn là “Ullambana”, trong tiếng Hán không có từ tương đương. Thành ra, người ta dùng chữ “Giải đảo huyền” để dịch nghĩa và lấy Vu-lan (dạng đầy đủ là Vu-lan-bồn) làm âm. “Giải đảo huyền” nghĩa là cứu những ai bị nạn treo ngược trong âm phủ, nói chung là thời điểm hồi hướng, thọ trì, siêu độ vong linh nơi địa ngục. Tuy nhiên, khi biến cố Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi nạn địa ngục, Vu lan vốn là dịp lễ để cầu nguyện siêu độ vong linh. Nay lại thêm ý nghĩa báo ân đáp hiếu chư vị sinh thành.
Nhưng trong bài viết này, tôi không muốn bàn về lịch sử phát triển, nguồn gốc sâu xa hay khía cạnh Phật học về Vu lan. Ở đây, tôi muốn nói đến ý nghĩa của lễ Vu lan dưới nhãn quan Ki-tô giáo và trả lời cho câu hỏi: “Liệu có dịp lễ nào có ý nghĩa giống như Vu lan không? Tức là cũng đền ơn báo hiếu cho các đấng bậc sinh thành không?”
Trước nhất, người Công giáo Việt Nam tuy không mừng lễ Vu lan cách trọng thể như anh chị em Phật giáo nhưng nhiều người cũng biết ít nhiều về dịp lễ Vu lan. Như vậy, nếu gạt đi màu sắc tôn giáo của Vu lan, ta vẫn nhìn thấy ở nó chất chứa giá trị truyền thống về đạo hiếu từ lâu vốn đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt, tín hữu Công giáo không là ngoại lệ. Người Công giáo nhìn nhận lễ Vu lan như một dịp nhắc nhớ về công ơn cha mẹ và phần nào thôi thúc người tín hữu đền ơn đáp nghĩa sinh thành.
Tôi rất yêu thích ý nghĩa của cánh hoa hồng và hoa trắng mà Phật tử thường đan cài trên ngực mình khi đến chùa chiềng vào dịp này. Có lần, tôi đọc thấy những dòng thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân viết với cảm hứng từ hình ảnh hoa hồng như sau:
“Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?”
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?”
(Mẹ)
Hoa hồng không còn là một biểu tượng đơn thuần của tình yêu nam nữ. Vu lan đã khoác lên cho nó một màu sắc rực rỡ hơn đó là tình yêu cha mẹ, lòng hiếu thuận của con cái đối với các đấng sinh thành. Người Phật giáo được mời gọi phụng thờ cha mẹ cả khi chư vị tại thế lẫn lúc đã qua đời. Trong quan niệm Phật giáo, cũng như có đề cập trong Nhân quả kinh, cha mẹ vốn là “Phật tại gia”, thờ cha kính mẹ là bổn phận quan trọng và chính yếu của người Phật tử.
Người Công giáo không mừng lễ Vu lan nhưng lại sống “tinh thần Vu lan”. Ở đây, ta hiểu "tinh thần Vu lan" tức là tinh thần hiếu thuận theo nghĩa rộng. Nếu lọc đi ý nghĩa tôn giáo mà giữ lại ý nghĩa đạo đức của Vu lan là dịp để báo hiếu và nhớ ơn các đấng sinh thành thì người Công giáo thật sự có “sống tinh thần Vu lan”. Người Công giáo không giới hạn “tinh thần Vu lan” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng là quanh năm suốt tháng.
Trong Thánh Lễ hằng ngày, vị chủ tế luôn đọc đi đọc lại lời nguyện tuyệt vời sau: “Xin Chúa cũng nhớ đến […]các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”(Kinh Nguyện Thánh Thể). Thánh Lễ là cao điểm của Phụng vụ, là nơi quy hướng và tập trung tất cả sự thánh thiêng của Giáo hội. Chính trong cử hành quan trọng như vậy, Giáo hội Việt Nam lại nhắc nhớ con cái mình về công ơn của các bậc tiên nhân.
Hoặc có thể kể đến những bài Thánh ca cầu cho cha mẹ được ngân vang trong Thánh đường sau mỗi lễ dành cho thiếu nhi chẳng hạn? Giáo hội Việt Nam thừa hưởng đạo hiếu của dân tộc nên từ sớm đã khuyến khích và gieo mầm hiếu thuận nơi con cái của mình:
“Xin Chúa í a chúc lành
Cho đời cha mẹ của con
Công ơn là như núi non
Dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn”
(Cầu cho cha mẹ - Nhạc sĩ Phanxicô)
Ngoài ra, để nói rõ hơn về việc Giáo hội Việt Nam nỗ lực duy trì truyền thống hiếu thuận của dân tộc, ta cũng nên đề cập đến Tam nhật Minh niên (Mùng Một, Mùng Hai và Mùng Ba) trong Phụng vụ. Giáo hội dành riêng từng ngày cho một ý chỉ riêng: Mùng Một cử hành Thánh lễ Tân Niên với ước muốn thánh hóa và phó thác năm mới vào tay Chúa; Mùng Hai dành riêng kính nhớ các vị tổ tiên, ông bà, cha mẹ; Mùng Ba dành để thánh hóa công ăn việc làm. Như vậy, ngay trong ngày thứ hai của năm mới, người Công giáo Việt Nam đã nhớ đến các vị tiền nhân của mình. Điều đó cũng rất hợp lẽ với truyền thống dân tộc, “Mùng Một tết Cha, Mùng Hai tết Mẹ, Mùng Ba tết Thầy.” Vì lẽ đó, nếu để ý, ta sẽ thấy vào ngày Mùng Hai hằng năm, gia đình Công giáo thường quy tụ trước bàn thờ ông bà thành kính dâng hương và cầu nguyện cho các vị.
Đến đây, ta cũng nói đến một nhầm lẫn thường có trong tâm trí những người không Công giáo. Vì người Việt mỗi khi đến giỗ của ông bà thường tổ chức rất long trọng, có những người tôi biết mời đến gần chục bàn hơn chỉ để tổ chức giỗ. Trong khi đó, khi người Công giáo không có thói quen mời giỗ long trọng như vậy, người ta thường cho rằng người Công giáo không trọng đạo hiếu. Đây là một nhầm lẫn sai lạc và cần được làm rõ. Sở dĩ, người Công giáo không cúng kiến hay bày cỗ vào lễ giỗ là do quan điểm về cuộc sống đời sau có khác biệt với tư tưởng dân tộc. Theo tín ngưỡng dân gian, người ta thường cho rằng người chết vẫn có thể về “hưởng dùng” cách thiêng liêng những của vật dâng cúng nên thường bày mâm cỗ rất thịnh soạn. Còn người Công giáo Việt Nam, với quan điểm của mình, người thân đã qua đời không “hưởng dùng” như vậy. Điều mà con cháu có thể làm cho các bậc tiên nhân chính là cầu nguyện, là xin Lễ với ý cầu cho các vị sớm hưởng nhan Chúa mà thôi. Chính vì lẽ đó, người Công giáo không tổ chức giỗ hoành tráng, bày mâm cỗ long trọng. Nhưng vào ngày các ngày giỗ, người Công giáo thường tập họp gia đình cùng nhau ăn bữa cơm, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau hướng lòng về người đã mất. Nhất là trong tháng mười một, tháng Giáo hội dành riêng cho các linh hồn tín hữu đã qua đời, người tín hữu được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị không còn sống nơi dương thế nữa.
Tóm lại, người Công giáo Việt Nam ý thức rất rõ về ý nghĩa của Vu lan. Nếu không dừng lại ở việc xem đó là một dịp lễ của tôn giáo bạn, nhưng nhìn sâu hơn nơi thông điệp về đạo hiếu thì lễ Vu lan rất hợp lẽ với những gì Giáo hội hằng răn dạy con cái mình. Đó là lòng hiếu thảo, thái độ biết ơn và nỗ lực sống tử tế để không phụ ơn các ngài. Tôi muốn mượn đôi câu thơ diễn ngâm từ nguyên tác “Mười điều ơn” của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, Đấng khai đạo Phật giáo Hòa Hảo để thay lời kết. Ước chi những dòng thơ này trở nên lời nhắc nhở mọi người, không Công giáo lẫn Công giáo, về thái độ đền ơn đáp nghĩa, bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, hiếu thuận với các ngài không chỉ trong dịp Vu lan nhưng là xuyên suốt cả cuộc đời:
“Nhơn sanh hiếu nghĩa phải đền xong, Mới đáng cháu con giống Lạc Hồng.
Ơn mẹ sanh thành so tợ núi,
Công cha dưỡng dục sánh dường sông.”
(Thiện Tâm)
Ngọn Nến Nhỏ
Ban Mục vụ Ơn gọi TGPSG
COMMENTS