"Chúa Jesus ở vườn Cây Dầu" của Paul Gauguin (1848-1903)
"Chúa Jesus ở vườn Cây Dầu" của Paul Gauguin (1848-1903)
Fb Nguhuart
“Chúa Jesus ở vườn Cây Dầu-Christ On the Mount of Olives" (72,4cm x 91,4cm) vẽ năm 1889 của Paul Gauguin, thực ra là một bức tranh tự họa. Ông không chỉ lấy mình làm mẫu để vẽ Chúa Jesus. Ông mượn chuyện Chúa Jesus trong vườn Cây Dầu để phơi bày tâm tư và bản ngã của mình...
Sinh ra tại Pháp năm 1848, đến với hội họa muộn và hoàn toàn tự học, nhưng Paul Gauguin là một nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến các phong trào hậu Ấn tượng như Tượng trưng, Biểu hiện-thậm chí là hầu hết các khuynh hướng chủ yếu của nghệ thuật hiện đại nói chung-trong nhiều năm sau khi ông qua đời.
Đương thời, với những bức tranh quay lưng lại với Chủ nghĩa Hàn Lâm, quay lưng lại với “cả thế giới văn minh công nghiệp và đô thị-giả tạo”, và say sưa với thế giới tự nhiên cùng các nền “văn minh hoang sơ” gắn liền với ngôn ngữ và hình thức nghệ thuật đầy tính chủ quan và ngẫu hứng-không giống ai-Paul Gauguin bị chối bỏ, bị chế giễu. Những bức tranh vẽ ở Tahiti “đầy tính cách mạng” của ông, khi mang về Paris, bị xem là “mọi rợ”, là “phá phách”...
Tuy vậy-cô đơn cùng cực-Gauguin vẫn tin rằng ông được chọn là vị cứu tinh của hội họa hiện đại. Và ông đã vẽ “Chúa Jesus ở vườn Cây Dầu” để gởi gắm tâm tư, và để an ủi mình...
Được vẽ ở Le Pouldu ở Brittany vào tháng 11 năm 1889, Gauguin thể hiện các cảm xúc đau khổ và đơn độc của mình trước cuộc triển lãm ra mắt bị chối bỏ của ông ở Paris. Trong một lá thư gửi cho Emil Schuffenecker, ông viết: “Tin tức mà tôi nhận được từ Paris làm tôi nản lòng đến mức tôi không đủ can đảm để vẽ và tôi lê thân hình già nua của mình, phơi mình dưới gió phương Bắc, dọc theo bờ biển ở Le Pouldu. Tự tôi, đang phải ngẫm nghĩ lại nhiều chuyện. Nhưng tâm hồn tôi đang bất an và buồn bã. Trước mắt, là cả vực thẳm tăm tối đang mở ra..." Trong tranh, Gauguin vẽ Chúa Jesus-là chính mình-đang cúi đầu với khuôn mặt đầy nỗi buồn và tuyệt vọng...
Đặt mình vào vị trí của Chúa Jesus, Gauguin ví sự đau khổ của mình với đau khổ của vị cứu tinh và thể hiện niềm tin chắc chắn mình cuối cùng sẽ trở thành sứ giả cho những người cùng thời, mặc dù bị họ từ chối. Khi được nhà phê bình Jules Huret hỏi về “Chúa Jesus trong vườn Cây Dầu”, vào năm 1891, vài năm sau khi tác phẩm hoàn thành, Gauguin nói rằng "Nó tượng trưng cho sự thất bại của một lý tưởng-sự đau khổ của cả thần thánh và con người. Chúa Jesus bị bỏ rơi bởi các môn đệ, khung cảnh xung quanh và cả tâm hồn Người đều u buồn...”
“Chúa Jesus ở vườn Cây Dầu”, được lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Norton ở Florida-Hoa Kỳ. Và được xem là “một bức tranh sơn dầu quyến rũ một cách kỳ lạ...!”
NGUYÊN HƯNG
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)
COMMENTS