Thiên Chúa thương xót và kiên nhẫn, nhưng ta phải trở về…
Thiên Chúa thương xót và kiên nhẫn, nhưng ta phải trở về…
[Một gợi ý tiếp cận Lời Chúa CN 3 MC/C]
Le Cong Duc Lm
Tiếng gọi dành cho Môsê gắn với một mặc khải tuyệt đẹp về tấm lòng thương cảm của Thiên Chúa trước những nỗi thống khổ của dân Ngài: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật" (x. Xh 3,1-8a.13-15)… Hãy để ý các động từ: Chúa đã THẤY, đã NGHE, đã BIẾT, đã XUỐNG để CỨU, và ĐƯA dân ra khỏi cảnh ấy!… Không còn nghi ngờ gì về tấm lòng quan tâm rất thực và rất cụ thể của Thiên Chúa, như lời Thánh vịnh Đáp ca: “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót” (x. Tv 102)…
Thế là dân Chúa được Môsê lãnh đạo vào cuộc Xuất hành, ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai cập, vượt Biển Đỏ, đi qua sa mạc 40 năm để tiến vào Đất Hứa. Chính trong cuộc hành trình lịch sử này, đoàn dân ấy đã bộc lộ tất cả những điểm yếu của mình, được Chúa uốn nắn, giúp họ nhận thức chính Chúa và về bản thân họ, trưởng thành hơn trong tương quan với Chúa và với nhau… Thông điệp căn bản cho họ: Thiên Chúa của họ rất thương xót và rất kiên nhẫn, nhưng họ không được ỷ lại, mà phải trở về với Ngài khi lỡ bội bạc…
Câu chuyện Phúc Âm cũng khắc hoạ đúng thông điệp ấy (x. Lc 13,1-9). Hai biến cố thời sự về những người Gali lê bị Philatô sát hại và về mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết được Chúa Giêsu giải thích là tiếng Chúa thúc giục mọi người ăn năn hối cải. Chúa thúc giục và Chúa kiên nhẫn đợi chờ, vì Chúa biết sức ì của ta, biết ta cần thời gian - đây là thông điệp từ dụ ngôn cây vả ba năm không sinh trái. Nhưng ta không thể bắt Chúa đợi chờ mãi mãi được!
Cuối cùng, đoạn Thư 1Cr 10,1-6.10-12 của Bài đọc II âm vọng vẫn một sứ điệp hoán cải ấy. Thánh Phaolô nhắc lại hành trình sa mạc của dân Chúa ngày xưa dưới sự lãnh đạo của Môsê, và lưu ý rằng các Kito hữu cần biết rút kinh nghiệm: “Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng”. Đặc biệt, thánh Tông Đồ cảnh báo: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã!”…
Như vậy, tiếng gọi sám hối và hoán cải của Mùa Chay tiếp tục vang vọng giục giã chúng ta. Thiên Chúa đầy lòng xót thương và kiên nhẫn, nhưng ta phải trở về!
COMMENTS