Nói chuyện Hồ Gươm | Thanh Phùng
Nói chuyện Hồ Gươm
Fb Thanh Phùng
(Một công dân trẻ có tâm và có tầm)
Thuở còn đi học, đối với thế hệ 8X như tôi: Hồ Gươm là một "chốn hẹn hò" thân thương và không khi nào hết yêu mến. Để rồi: "Lên hồ Gươm nhé!", "Gặp ở bờ Hồ nhé!", "Tới bờ Hồ nhỉ" là những câu nói cửa miệng của chúng tôi thuở ấy mỗi khi muốn tụ họp, cần một điểm gặp gỡ và thư thả cùng không gian xanh mướt chung quanh. Một: "Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh. Thân thương quá nụ cười người Hà Nội. Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi." Một: "Hà Nội ơi xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm" hay "mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, làm toả ngát hương thơm hoa thủ đô" đã in dấu đẹp đẽ trong thơ nhạc của bao thế hệ.
Khoảng 6 thế kỷ trước, nếu dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì phần lớn xung quanh Kinh Thành là nước. Hồ Gươm là một phân lưu của sông Hồng chảy qua vị trí của các phố hiện giờ như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Chuối, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, đổ ra nhánh chính của sông Hồng. Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Hồ Gươm có rất nhiều tên gọi khác nhau như: hồ Lục Thuỷ, Tả Vọng, Hữu Vọng, Thuỷ Quân... Riêng tên Hoàn Kiếm được gắn liền với truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Lê Lợi - lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, sau đó trả thanh gươm thần cho thần rùa tại hồ.
Đến với hồ Gươm ta không chỉ cảm thụ rõ nét về mùa qua sự chuyển đổi các sắc lá cây cành quanh hồ mà còn bao quát được các quần thể với lối kiến trúc và đặc trưng rất riêng. Tháp Rùa tại tâm hồ được xây dựng trong khoảng giữa năm 1884 đến năm 1886. Đền Ngọc Sơn ở phía Bắc hồ, nơi thờ thần Văn Xương - ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865, tên cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm". Tháp Bút trên bờ hướng Đông tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời. Đài Nghiên trên bờ hướng Đông Bắc phần không thể thiếu của Tháp Bút. Tháp Hoà Phong trên bờ hướng Đông, di vật còn sót lại của chùa Báo Ân. Đền thờ vua Lê, nơi có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm kiếm nhưng phóng thẳng xuống mặt hồ ở phía bờ Tây và Thuỷ Tạ - kiến trúc cổ đặc sắc Việt Nam. Ngoài ra là vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ - nơi tôn vinh và tưởng nhớ vị vua đặt nền móng xây dựng kinh thành Thăng Long.
Nằm giữa lòng của Thủ đô, giữa phố xá ồn ào náo nhiệt nhưng dường như hồ Gươm là một quần thể tách biệt hẳn. Với tổng thể cảnh quan hồ nước, cây xanh duyên dáng kết hợp các công trình kiến trúc nói trên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, trở thành địa chỉ đầy thơ mộng, ghi dấu biết bao câu chuyện tình đẹp như thơ của người Hà Nội và là một nơi chốn rất đỗi tự hào của con dân nước Việt khi giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Nhưng kể từ ngày 1-9-2016 khi phố đi bộ hồ Gươm được tổ chức thì đến nay... hồ Gươm đã không còn là hồ Gươm thuở nào. Sự bát nháo trong các hoạt động buôn bán biến hồ Gươm giống như một kiểu "chợ đêm" chụp giật và ô nhiễm... tiếng ồn!!! Khi mà hàng quán nào cũng phát loa thùng và đi một đoạn lại gặp những chiếc loa kẹo kéo to nhỏ mở đủ loại nhạc nhẽo. Hồ Gươm thực sự ồn ào, xô bồ và mất đi hoàn toàn ý nghĩa của phố đi bộ. Nhất là - có những thời điểm nó chẳng khác gì một cái "chợ trời" khi đủ loại gánh hàng rong, sạp quần áo, coi tử vi, nhậu tự phát nở rộ quanh khu vực hồ. Thêm nữa, quanh hồ Gươm có hàng loạt những chiếc xe điện trẻ con gầm rú kéo còi, đua nhau chạy loạn xạ khắp nơi, biến đường đi bộ trở thành đường đua xe và vui cười hả hê khi các xe đụng nhau chan chát. Trong khi đó, không gian di tích và các hoạt động văn hoá dân gian phải dùng tới loa thùng lớn để tập trung sự chú ý của người coi. Các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân phục vụ cho việc mua bán nhưng lâu dần những hoạt động mua bán này lại nhốn nháo, mất kiểm soát diễn ra ngay tại quanh hồ? Tôi không biết khi giới thiệu với bạn bè hay đối tác nước ngoài tới Hà Nội - mình sẽ nói gì về hồ Gươm? Khi mà bốn bề người chen lấy người, loa nhạc rầm rĩ khắp nơi, hàng quán giành giật nhau, đi bộ nhưng phải nơm nớp nhìn né các dòng xe điện nhao nhao đâm sầm tới, muốn yên tĩnh, muốn thư thái trong không gian quanh hồ mà không được???
Rồi những ngày qua khi đọc được thông tin "UBND quận Hoàn Kiếm cho biết theo phương án thiết kế cải tạo, nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ phải chặt hạ và dịch chuyển 25 cây xanh do các cây xanh này nằm trên đường dạo và trên hệ thống nhạc nước của dự án". Theo đó, công trình này được đề xuất đặt tại vị trí đài phun nước tại quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc và tăng cường hiệu ứng chiếu sáng cho khu vực quảng trường cũng như toàn bộ không gian Hồ Gươm. Vậy, câu hỏi lớn đặt ra là: Hà Nội có cần phải xây dựng tháp ánh sáng này hay không??? Và để dự án này diễn ra có cần thiết phải đốn hạ hay di dời 25 cây xanh vốn đã "yên vị" ở đó bao lâu nay???
Tôi vẫn nghĩ phố đi bộ Hồ Gươm cần phải quy hoạch lại một cách nghiêm túc, bài bản để trả lại không gian cảnh quan và giá trị văn hoá lịch sử vốn có, cũng như ý nghĩa của phố đi bộ. Đó phải là nơi người dân và du khách từ trẻ đến già đều được thoải mái, thư thái đi bộ, không phải né tránh, thấp thỏm e sợ những phương tiện từ đâu lao tới mình; được hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa của hồ Gươm, được tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hoá nghệ thuật đúng nghĩa và không còn bị làm phiền bởi bốn bề âm thanh inh ỏi bao quanh.
Các hoạt động văn hoá nghệ thuật cần có những tham vấn của các nhà chuyên môn, có giấy phép tổ chức của Sở VH và không được diễn ra bát nháo gây mất mỹ quan và phản cảm về nội dung. Bởi hồ Gươm không phải là một sân khấu tạp kỹ. Đó là "tâm thất trái" (trái tim) của Hà Nội, là chốn địa linh thiêng hàng nghìn năm lịch sử của Thăng Long xưa, là niềm tự hào không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, hồ Gươm không chỉ thuộc về quận Hoàn Kiếm, không phải của riêng Hà Nội, mà còn là tài sản quý của quốc gia. Ngay cả trước đây khi thực dân Pháp đến đô hộ và khai thác Việt Nam và muốn xây dựng Hà Nội trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương cũng phải rất dè chừng khi quy hoạch khu vực hồ Gươm (từng có chủ trương cấm xây dựng nhà 3 tầng quanh hồ, tăng cường cây xanh, lập vườn hoa trong khu vực hồ). Nhưng nay, nếu dự án nói trên được diễn ra - thử hỏi hồ Gươm sẽ biến thành cái gì??? Một khu vực biểu diễn nhạc nước được xây dựng phải tác động chặt bỏ cây xanh quanh đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới "linh khí" của hồ - vấn đề không thể đùa giỡn nếu muốn bị thần linh (cây, hồ) quở trách, nổi giận.
Hồ Gươm không cần tháp nhạc nước, không cần chặt bỏ cây xanh. Hồ Gươm chỉ cần được "yên ổn" là hồ Gươm của Hà Nội - Việt Nam - một chốn địa với mặt hồ xanh ngọc, những hàng Cơm Nguội vàng, cây Bàng lá đỏ, rặng liễu phủ hiền hoà, vốn đã là đặc trưng rất riêng nơi đây và của đất Hà Thành lâu nay. Xin đừng khoác lên hồ Gươm những thứ bóng bẩy của thời đại mà không cộng hoà với nơi đây.
Xin đừng biến không gian hồ Gươm trở thành một sân khấu tạp kỹ, nhập nhằng đèn đóm, uốn lượn mua vui. Điều chúng ta cần làm là giữ cho không gian tổ hợp của hồ Gươm được tươi tốt cây cối, hoa lá; không rác thải trên hồ và mặt đường đi bộ, người người được thong thả dạo bộ, ngồi chơi, thả mình vào khung cảnh của hồ; không bị quấy rầy bởi những thứ bát nháo (hàng rong, xe cộ, loa âm thanh.v.v...), nơi mà người già ngồi kể với con trẻ về lịch sử của ông cha, về cuộc đời mình đã trải qua bao mùa cây Bàng thay lá, về những giá trị xưa cũ của Hà Nội - một Thủ đô ngàn năm văn hiến, con người hào hoa, thanh lịch, tinh tế, bao dung... Nơi mà giới trẻ Gen Z cùng nhau thể hiện tài năng nghệ thuật, làm mới các giá trị văn hoá nghệ thuật của ông cha theo góc nhìn của thế hệ mới. Nơi mà du khách khắp thế giới phải đổ về, thong thả dạo bước, tò mò tìm hiểu, lắng nghe bao câu chuyện về Thăng Long nghìn năm, chẳng cần lời to tiếng lớn, không cần những tháp nhạc nước nghìn nghìn tỷ tốn kém, đôi khi chỉ cần dáng vẻ duyên dáng của những thiếu nữ đang e ấp trong tà áo dài dân tộc, chỉ cần những đôi lứa ngồi bên nhau nhỏ to chuyện trò ngắm hồ, những đứa trẻ say sưa vẽ tranh ký hoạ hồ Gươm lịch sử hay những nhiếp ảnh gia khắp nơi đổ về ghi lại những khoảnh khắc đẹp lạ của hồ Gươm mỗi mùa, mỗi sớm...
Đừng biến hồ Gươm trở thành nơi đến rồi sợ không muốn đến nữa.
Đừng để hồ Gươm tô son điểm phấn nặng nề mà mất đi sự nên thơ, hiền hoà, tươi xanh vốn có.
Đừng để nhận diện của du khách thay đổi khi hồ Gươm không còn là hồ Gươm.
Đừng làm phương hại tới tổng thể và sự tĩnh lặng, thơ mộng vốn có của nơi đây.
Đừng phân mảnh hồ Gươm ra, hãy lấy người dân làm trung tâm để tôn trọng cảm xúc và tầm nhìn bao quát của con người. Hồ Gươm phải là hồ Gươm, nơi chúng ta truyền đi thông điệp: Đó là trái tim của Hà Nội, là nhịp đập của Việt Nam. Đó là Hà Nội - một thành phố vì hoà bình!
Di sản linh thiêng, độc nhất vô nhị này hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, văn hoá, tôn giáo, kiến trúc và cũng là chứng nhân cho khát vọng yêu chuộng hoà bình cùng bản tính nhân văn của người Việt qua bao biến động lịch sử và thời gian. Bất kể một dự án, phương thức xây dựng nào mới cho hồ Gươm rất cần những tư duy minh triết, những tính toán kỹ lưỡng, những quyết sách kỷ cương nhằm bảo tồn và khẳng định vị thế vô song cho nơi đây.
Lại nhớ năm 2015 Thành phố Hải Phòng cũng đưa vào sử dụng hệ thống nhạc nước trên mặt hồ Tam Bạc với mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, nhưng lâu nay dự án này trở thành một điểm trừ rất lớn tại thành phố Cảng với nhiều khuyết điểm, vi phạm dẫn đến công trình bị dở dang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và tạo dư luận xấu. Bài học nhãn tiền của Hải Phòng vẫn còn đó, lẽ nào Hà Nội lại định bước tiếp?
Làm sao để "mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời"? Để mỗi con dân đất Việt khi đi xa còn nhớ về Hà Nội? Nhớ một vòng bờ hồ mà cất bước trở về, hít hà vào lồng ngực mình hơi thở của cây xanh, hoà mình vào mặt hồ nơi ấy - nơi trái tim của Thủ đô văn hiến? Có lẽ... chỉ cần: Hồ Gươm - được - là hồ Gươm, mà thôi.
Thanh Phùng
COMMENTS