Bình Định & Sáp nhập: cần một quyết định xứng đáng với lịch sử
Bình Định & Sáp nhập: cần một quyết định xứng đáng với lịch sử
Fb ĐỒNG HƯƠNG BÌNH ĐỊNH
Mấy ngày qua, dân tình xôn xao khi thấy xuất hiện cái bản đồ – danh sách sáp nhập các tỉnh thành, trong đó Bình Định và Gia Lai được đề xuất sáp nhập, và cái tên Bình Định biến mất, nhường chỗ cho cái tên Gia Lai. Không biết thực hư thế nào, nhưng nếu điều đó là sự thật thì liệu người dân Bình Định có cam lòng, không đau đớn… Không chỉ vì một cái tên biến mất, mà vì nó kéo theo cả một phần căn tính của vùng đất, của những con người đã gắn bó với cái tên ấy qua bao thế hệ.
Một địa danh không chỉ đơn thuần là một cái tên trên giấy tờ. Nó là ký ức, là cội nguồn, là sợi dây nối giữa quá khứ và hiện tại. Một cái tên mất đi không chỉ là sự thay đổi hành chính mà còn là một sự đứt gãy. Đứt gãy trong nhận thức lịch sử, trong niềm tự hào, trong cách thế hệ sau nhìn về vùng đất mà cha ông họ đã từng sinh sống và gây dựng.
Bình Định không chỉ là một tỉnh, mà là một vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử. Nơi đây từng là kinh đô Champa với thành Đồ Bàn, những tháp Chàm sừng sững qua bao thế kỷ. Đây cũng là quê hương của nhà Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ và những người áo vải làm nên những chiến công hiển hách. Là mảnh đất võ – văn hội tụ, nơi những bậc tao nhân mặc khách từng đặt bút nơi trường thi Thành Bình Định, nơi nghệ thuật hát bội và bài chòi vang vọng trong đời sống người dân. Và quan trọng hơn, Bình Định còn là một trong những nơi khai sinh và phát triển chữ Quốc ngữ, điều đã được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử của phương Tây, đặc biệt là người Pháp.
Lịch sử có thể thay đổi, nhưng có những thứ không thể phủ nhận. Một vùng đất đã từng đi qua những giai đoạn thịnh suy, từng chứng kiến bao cuộc giao thoa văn hóa, từng góp phần định hình ngôn ngữ của dân tộc, liệu có thể chỉ vì một quyết định hành chính mà xóa sạch? Liệu một ngày nào đó, khi nhắc về nơi này, người ta lại gọi Thành Đồ Bàn Gia Lai, Tháp Chàm Gia Lai, Anh hùng áo vải Gia Lai?
Nghe sao có gì đó chua xót, như một sự chệch choạc giữa quá khứ và hiện tại, như một bản hòa âm lạc điệu giữa lịch sử và quyết định hành chính.
Đành rằng việc cải tổ là cần thiết, việc sáp nhập Bình Định với Gia Lai cũng khá ổn về mặt vị trí địa lý và phát triển kinh tế. Trong xu thế sắp xếp lại bộ máy hành chính, mở rộng liên kết vùng để tăng cường tiềm năng phát triển, việc gộp hai tỉnh thành một có thể tạo ra những lợi ích nhất định. Nhưng cải tổ không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn dấu ấn lịch sử của một vùng đất. Khi chạm đến những địa danh đã trở thành một phần của lịch sử, cần một sự cân nhắc thấu đáo.
Bởi cái tên không chỉ là một danh xưng, mà còn là hồn cốt, là chứng tích cho những gì đã từng tồn tại. Nếu phải sáp nhập, tại sao không chọn một cái tên mới, một danh xưng có thể tôn vinh cả hai vùng đất, thay vì để một cái tên hoàn toàn biến mất? Thà gọi là Bình Gia, Định Gia, Bình Nguyên… để còn thấy một Bình Định trong đó. Nếu phải thay đổi, thì cũng phải thay đổi sao cho xứng đáng với những gì mà vùng đất này đã đóng góp cho lịch sử và văn hóa dân tộc.
Đành rằng sự thay đổi nào cũng chấp nhận mất mát, nhưng việc mất đi một cái tên gắn liền với hàng trăm năm lịch sử, là một mất mát không thể đo đếm. Những đổi thay cần được thực hiện nhưng phải tôn trọng những giá trị đã hình thành qua thời gian. Nếu không, thì chẳng phải chỉ có cái tên biến mất, mà cả một phần hồn cốt của mảnh đất này cũng có thể bị lãng quên.
Người viết chia sẻ những lời này, không phải để níu giữ một cái tên vì hoài niệm, mà vì tin rằng lịch sử và bản sắc của một vùng đất không thể bị lãng quên chỉ bằng một quyết định hành chính. Một cái tên có thể thay đổi, nhưng lịch sử thì không. Và nếu một địa danh từng đi cùng dân tộc hàng trăm năm sắp sửa biến mất, thì đó không chỉ là một sự đổi thay, mà còn là một tổn thất không thể đo đếm.
Hy vọng rằng những thông tin đang lan truyền trên mạng chỉ là tin đồn, không phải là quyết định cuối cùng, rằng sẽ không có một ngày nào đó, khi mở tấm bản đồ ra, ta phải chấp nhận rằng cái tên Bình Định chỉ còn trong ký ức.
Nguồn: Điêu khắc gia Lê Trọng Nghĩa
COMMENTS