"...Việc các Cha tu hành sao lại phụ thuộc vào ...giáo dân chúng con?"
![]() |
Đức hồng y Konrad, Chánh sở Từ thiện Giáo hoàng, đang phục vụ người nghèo ở Roma và nạn nhân chiến tranh ở Ucraina. |
Trả lời một bình luận: "...Việc các Cha tu hành sao lại phụ thuộc vào ...giáo dân chúng con?"
Fb Phêrô Nguyễn Văn Khải
Tôi viết: “Ơn gọi tu hành phong phú hay nghèo nàn, đồng thời các tu sĩ và linh mục có sống đúng theo ơn gọi và thi hành tốt sứ mạng của mình hay không, một phần rất lớn phụ thuộc vào sự trưởng thành và lối ứng xử của giáo dân”.
Thanh Phương Trần bình luận:
“Thưa cha, việc các cha tu hành sao lại phụ thuộc vào sự trưởng thành và lối ứng xử của người giáo dân chúng con? Cha có thể giải thich cho chúng con hiểu thêm được không ạ, con cám ơn cha.”
TRẢ LỜI
Tôi nói là MỘT PHẦN RẤT LỚN chứ tôi không nói phụ thuộc CHỦ YẾU hay HOÀN TOÀN.
Không ai tu thay được cho chúng tôi và cũng không ai cứu được linh hồn chúng tôi nếu chúng tôi không muốn mình được cứu độ!
Tuy nhiên, anh/chị cũng nên biết, các linh mục cũng từ giáo dân mà ra. Nếu không được giáo dân sinh ra, hướng dẫn, dạy bảo, che chở từ tấm bé thì làm sao chúng tôi có đức tin và có ơn gọi?
*Trở thành linh mục rồi mà nếu giáo dân không cộng tác, giúp đỡ, góp ý, sửa dạy cho phải đạo thì làm sao chúng tôi tu hành và phục vụ tốt được?
Thấy linh mục chúng tôi có lời nói, hành vi, lối ứng xử không phải mà giáo dân cứ im lặng, hoặc mù quáng dạ dạ vâng vâng, thậm chí còn tâng bốc thì làm sao chúng tôi biết mà sửa mình?
Suốt ngày hết người này đến người khác, mời mọc, lôi kéo và nài ép chúng tôi đi ăn uống và nếu chúng tôi thiếu tự chủ mà ăn uống không điều độ, say xỉn rồi sinh bệnh và làm bậy thì chúng tôi tốt làm sao được!
Khi chúng tôi sai hiển nhiên mà có người lại nguỵ biện rằng: “Cha làm cha chịu kệ cha, đúng sai để Chúa phán xét, mình nê im lặng!" Đây là một kiểu nguỵ biện và ứng xử vô trách nhiệm đang góp phần huỷ hoại Giáo Hội và làm rách mặt Chúa Kitô.
Nói “xã hội nào tôn giáo nấy”, có phần đúng; ngược lại nói “tôn giáo nào xã hội” nấy cũng có phần đúng. Nói “cha xứ nào giáo dân nấy” có phần đúng, và ngược lại nói “giáo dân nào cha xứ nấy” cũng có phần đúng.
Con người, ngay cả khi có đức tin tôn giáo, cũng vẫn là sinh vật xã hội và có ảnh hưởng lẫn nhau một cách tự nhiên. Kinh Thánh cũng các thánh đều coi sửa dạy nhau là một bổn phận bác ái. Vì vậy mỗi tín hữu cần phải tỉnh thức và cần phải can đảm sửa dạy nhau theo lời Chúa dạy chứ không ứng xử với nhau theo thói thế gian.
Cha chiều dân không phải lối, dân hư và ngược lại dân chiều cha không phải lối, cha hư! Không chỉ hư mà còn hỏng! Hỏng ngay từ cách ứng xử hàng ngày với nhau chứ đừng nói đến chuyện rỗi linh hồn!
Chúa muốn có hàng giáo dân và hàng giáo sĩ để hai phẩm trật bổ túc cho nhau, cậy dựa vào nhau, giúp nhau sống hạnh phúc và nên thánh, đồng thời cùng nhau làm chứng cho Chúa và rao giảng Tin Mừng cứu độ, chứ không phải để thống trị nhau, lợi dụng nhau và làm hại nhau.
Mỗi người có một linh hồn để giữ và mỗi người phải có bổn phận trước nhất với linh hồn mình và sau đó với linh hồn người khác. Không ai sống thay ai được!
Tuy nhiên, tôi kinh nghiệm ở đâu giáo dân ứng xử trưởng thành thì ở đó tôi sống đạo đức hơn và phục vụ tốt hơn. Tôi được thánh hoá nhờ các giáo dân hiểu biết và thánh thiện. Nếu vì lý do nào đó tôi không tự nhận ra cái sai của tôi và không tự sửa được mình thì ít nhất Chúa cũng dùng giáo dân để nhắc bảo và sửa dạy tôi.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
Hình ảnh: Đức hồng y Konrad, Chánh sở Từ thiện Giáo hoàng, đang phục vụ người nghèo ở Roma và nạn nhân chiến tranh ở Ucraina. Ai ở gần hoặc đi với ngài thì thấy ngài phục vụ như một tôi tớ cùng với các cộng tác viên hàng tuần, kể cả đánh rửa nhà vệ sinh, chứ không phải đến làm cảnh tý để chụp hình.
COMMENTS