Suy niệm Lời Chúa Ngày 22 tháng 2: Lập tông tòa thánh Phêrô, Tông đồ
Trên tảng đá này (Mt 16:13-19)
Suy niệm Lời Chúa Ngày 22 tháng 2: Lập tông tòa thánh Phêrô, Tông đồ Lm Thái Nguyên
Tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, người ta còn giữ được ngai toà (cathedra) của vị giáo hoàng tiên khởi. Theo truyền thống, thánh Phêrô đã sử dụng ngai tòa này. Nó là biểu trưng cho uy quyền của Đức Giáo Hoàng như là Thầy dạy, là Thượng tế và Mục tử của Hội Thánh toàn cầu. Ngoài ra, mộ phần của thánh Phêrô còn nằm ngay dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường. Điều này cho ta thấy Simon Phêrô theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo Hội.
Qua các Đức Giáo Hoàng kế nhiệm thánh Phêrô, tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn luôn được lắng nghe suốt các thế kỷ. Lễ lập tông tòa thánh Phêrô quả là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong việc hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Có ba bản văn Kinh Thánh xác định vai trò Phêrô:
- “Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh… Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời…” (Mt 16,13-19).
- “Con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,32).
- “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-19).
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”, Chúa Giêsu tuyên bố ông là người có phúc, vì đã được Cha trên trời cho biết điều đó. Đồng thời, Ngài xác định ông là Tảng Đá, và sẽ xây Giáo Hội trên đá này. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu Ước chỉ có Chúa là Đá Tảng:“Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 72,3), và sau này trong Tân Ước, Đức Giêsu Phục Sinh cũng chính là nền tảng (x.1Pr 2,4-5).
Nhưng Phêrô cũng được Đức Giêsu đặt làm đá tảng, nghĩa là được chia sẻ nhiệm vụ của Ngài. Simon là tên căn cước mà cha mẹ đã đặt, nhưng Chúa Giêsu đổi tên ông là Phêrô với một ý nghĩa hoàn toàn mới. Sau này biệt danh Phêrô luôn gắn liền với ông và đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kêpha - Phêrô - nghĩa là đá tảng, là tảng đá móng, tảng đá vững bền, trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Ngài (x.1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14).
Chúa Giêsu cũng trao cho Phêrô chìa khóa. Sách Khải huyền nhấn mạnh chỉ mình Đức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), chìa khóa là hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống về việc cai quản (x. Is 22,22). Phêrô được trao chìa khóa nước Trời, nghĩa là được tham dự vào quyền bính của Chúa Giêsu. Chính vì thế, Phêrô đại diện Chúa Kitô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Giáo Hội, nhằm mục đích phục vụ dân Chúa, chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Các Đức Giáo Hoàng sau này kế vị thánh Phêrô cũng mang cùng trọng trách như thế.
Phêrô đã khám phá ra được chân lý - nhờ sự mặc khải của Chúa Cha - nên đã được trao ban đặc ân và trách nhiệm lớn lao. Đó là khám phá mà mỗi người chúng ta phải thực hiện cho chính mình nhờ ơn thánh Chúa, để lãnh nhận đặc ân và trách nhiệm mà Chúa Giêsu luôn muốn dành cho mỗi người chúng ta. Nhờ đó mà ta biết luôn liên kết với các vị chủ chăn để xây dựng tòa nhà Hội Thánh Chúa.
Ngày lễ lập Tông Tòa Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta luôn cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng hiện giờ. Thời đại nào cũng vậy, con thuyền Giáo Hội vẫn luôn gặp những phong ba bão táp. Đức Thánh Cha luôn phải đối đầu với những khó khăn bên trong cũng như bên ngoài Hội Thánh. Ngài cần sự soi sáng và hướng dẫn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Chúa.
Lm. Thái Nguyên
COMMENTS