Đọc kinh phụng vụ cách hời hợt (Suy niệm của Thánh Alfonso viết cho các linh mục và tu sĩ) Lm John Phương, DCCT Nếu các linh mục và tu sĩ...
Đọc kinh phụng vụ cách hời hợt
(Suy niệm của Thánh Alfonso viết cho các linh mục và tu sĩ)
Lm John Phương, DCCT
Nếu các linh mục và tu sĩ sốt sắng đọc Kinh Phụng Vụ, biết bao tội nhân sẽ thoát khỏi xiềng xích của ma quỷ, và biết bao linh hồn sẽ yêu mến Thiên Chúa nồng nàn hơn! Chính họ cũng sẽ không còn mãi giẫm chân trong những thiếu sót cũ: nóng nảy, ham mê ăn uống, dính bén tiền bạc và phù hoa của thế gian! Nếu họ đọc Kinh Phụng Vụ cách không hời hợt, qua loa, mà với lòng đạo đức và sự tập trung, nếu họ biết kết hợp lời cầu nguyện với cả tâm hồn, họ sẽ không còn yếu đuối, nhưng sẽ được tràn đầy thần khí và sức mạnh để chống lại mọi cám dỗ, để sống một đời thánh thiện, xứng đáng với ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Làm sao Thiên Chúa có thể nhậm lời một người cầu nguyện mà chính họ không biết mình đang xin gì, thậm chí không thiết tha được nhậm lời? Thánh Cyprianô đã nói: “Làm sao con có thể mong Thiên Chúa lắng nghe con, khi chính con cũng không lắng nghe mình?” Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện chỉ phát ra từ môi miệng, mà không có sự chú tâm của trí khôn, thì không mang lại hiệu quả (x. 1 Cr 14,14).
Lời cầu nguyện sốt sắng và đầy yêu mến giống như hương thơm ngọt ngào dâng lên Chúa, lôi kéo muôn ơn lành của Người xuống trên chúng ta. Ngược lại, lời cầu nguyện hời hợt và xao lãng chẳng khác gì làn khói cay, có thể khiến Thiên Chúa phải chán ngán.
Có những linh mục hay tu sĩ trong ngày dành quá nhiều thời gian cho những câu chuyện vô bổ, nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, đọc Kinh Phụng Vụ, thì lại vội vàng, như thể đó chỉ là chuyện trả nợ quỷ thần. Họ đọc mà không tôn vinh Thiên Chúa, thậm chí còn xúc phạm đến Người! Nếu một thần dân khi trình bày lời thỉnh nguyện lên nhà vua mà lại chia trí, nghĩ đến chuyện khác, hoặc vừa trình bày vừa trò chuyện với những người xung quanh, thì chắc chắn sẽ làm mất lòng vị quân vương ấy. Cũng vậy, Thánh Tôma Aquinô dạy rằng bất cứ ai, khi cầu nguyện dù không bị buộc, mà cố ý để tâm hồn lo ra chia trí, thì không thể tránh khỏi lỗi phạm. Có biết bao linh mục mà Thiên Chúa có thể trách móc như Người đã quở trách dân Israel xưa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Mt 15,8).
Công đồng Trier đã lên án cách cầu nguyện hời hợt này: “Xướng Thánh vịnh bằng môi miệng, nhưng tâm trí thì lang thang trong các khu chợ và trên phố xá, chẳng phải là một sự lừa dối người đời và nhạo báng Thiên Chúa hay sao?” Khi chúng ta đọc Kinh Phụng Vụ mà miệng thì cầu nguyện nhưng tâm trí lại bị bận rộn bởi những chuyện khác, thì chúng ta thực sự đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
Tóm lại, như thánh Basiliô đã dạy, để được Thiên Chúa ban ơn, cần phải cầu nguyện với sự cầm lòng cầm trí và sốt sắng. Ai cầu nguyện mà lòng vẫn mải mê với các điều không liên quan, thì chẳng nhận được ơn nào, mà còn có thể làm mất lòng Thiên Chúa.
Thánh vịnh 108 cảnh báo số phận đáng sợ của những linh mục và tu sĩ đọc Kinh Phụng Vụ cách hời hợt: “Kẻ tố cáo (diabolus) sẽ đứng bên phải nó. Khi bị xét xử, nó sẽ phải mang án tội lỗi, lời khẩn nài của nó sẽ trở thành bản án kết tội nó” (Tv 108,6-7). Khi một linh mục hay tu sĩ đọc Kinh Phụng Vụ cách uể oải, chỉ lầm bầm trong miệng, cắt xén lời kinh, hoặc vừa đọc vừa trò chuyện, đùa cợt với người khác, trong khi tâm trí bị cuốn theo những toan tính và đam mê trần thế, thì bên cạnh ngài, quỷ dữ đang đứng đó để cáo tội. Đọc một giờ Kinh Phụng Vụ cách bất xứng chẳng những không đem lại công phúc, mà có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến án phạt đời đời, vì chính lời cầu nguyện của họ là một lỗi phạm.
Chính vì vậy, khi đọc Kinh Phụng Vụ, ma quỷ luôn tìm đủ cách để quấy rối tâm trí chúng ta, gieo vào lòng ta bao lo toan, ham muốn, và ý nghĩ thế gian, để khiến ta đánh mất hoa trái của lời cầu nguyện và làm tổn thương lòng tôn kính dành cho Thiên Chúa.
Do đó, chúng ta phải hết sức thận trọng và chuyên tâm khi cử hành những lời ca tụng Chúa, vì đó không chỉ là bổn phận, mà còn là một cách thế chúng ta biểu lộ lòng yêu mến đối với Người. (MUS, Phần II)
COMMENTS