“Lạy Chúa, Xin cho con biết Chúa và biết con.” (St. Augustine)
“Lạy Chúa, Xin cho con biết Chúa và biết con.” (St. Augustine)
Lm John Phuong DCCT
Lời mời gọi bước theo Chúa luôn là một khoảnh khắc của sự thật—đó là khi chúng ta đối diện với chính Đức Giêsu và đồng thời nhận ra con người thật của mình. Ngôn sứ Isaia, thánh Phaolô, và thánh Phêrô đều đã có những cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời họ. Câu chuyện của họ cũng là câu chuyện của chúng ta—giữa một bên là khao khát có Chúa trong đời, và bên kia là nỗi lo sợ phải buông bỏ mọi sự để quy phục Chúa và để Ngài dẫn dắt.
Ngôn sứ Isaia (6,1-2,3-8), khi thấy vinh quang của Thiên Chúa, liền sợ hãi thốt lên: “Khốn thân tôi! Tôi chết mất, vì tôi là người môi miệng ô uế.” Thánh Phaolô (1 Cr 15,1-11), khi nhớ lại quá khứ của mình, đã khiêm tốn thú nhận rằng: “Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.” Còn Thánh Phêrô (Luke 5,1-11), sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng, đã quỳ xuống trước mặt Chúa và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Cả ba đều nhận ra sự bất xứng của mình trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nhưng thay vì loại bỏ họ, Thiên Chúa lại kêu gọi họ. Người không nhìn vào những yếu đuối của con người, nhưng nhìn vào điều mà ơn sủng của Người có thể thực hiện nơi họ.
Thế nhưng, nếu đặt mình vào vị trí của Phêrô với lối suy nghĩ thực dụng ngày nay, có lẽ chúng
ta sẽ phản ứng khác: “Lạy Thầy, Thầy và học trò của Thầy không phải đi đâu cả! Cứ ở lại đây với chúng con, "cơm bưng nước rót," chỉ cần mỗi ngày Thầy nói cho con biết khi nào và chỗ nào thả lưới, thế là đủ! Chúng ta chia đôi lợi nhuận nhé? 50/50 được không?”
Nghe có vẻ khôi hài, nhưng quả thật, đây lại là cách nhiều người trong chúng ta đang suy nghĩ. Chúng ta muốn có Chúa bên cạnh, nhưng là theo cách của mình. Ta muốn có sự hướng dẫn, phúc lành, và sự trợ giúp của Chúa trong những khó khăn của đời sống, nhưng ta không muốn từ bỏ mọi sự để theo Ngài. Ta thích một mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” hơn là sự phó thác hoàn toàn. Thay vì nói như Isaia: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”, ta lại nói: “Lạy Chúa, này con đây, chúng ta hãy hợp tác với nhau nhé.”
Nhưng Đức Giêsu không đến để làm một chuyên gia tư vấn nghề chài lưới; Ngài đến để biến Phêrô thành ngư phủ lưới người. Và điều đó đòi hỏi không chỉ là một vài chỉ dẫn về thời gian và địa điểm thả lưới, mà là một sự phó thác hoàn toàn vào thánh ý Chúa. Nếu Phêrô cứ giữ lấy con thuyền của mình, tiếp tục dùng Chúa như một “chuyên gia đánh cá”, có lẽ ông sẽ có thêm nhiều mẻ cá lớn, nhưng ông sẽ đánh mất chính ơn gọi cao cả của mình. Phép lạ không chỉ là về cá đầy thuyền, mà là về một trái tim được biến đổi.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Đừng sợ, từ nay con sẽ là kẻ lưới người.” Đây không chỉ là một lời mời gọi, mà là một cuộc biến đổi trọn vẹn. Phêrô, người đã từng sợ hãi và xin Chúa tránh xa mình, giờ đây sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ngài. Ông không thương lượng, không do dự. Ông chỉ đơn giản theo Chúa, vì có Chúa là có tất cả!
Đây cũng là thách đố dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta muốn có Chúa chỉ để được hưởng phúc lành của Ngài, hay chúng ta thực sự muốn Ngài trở thành tất cả của mình? Ta có sẵn sàng để Ngài dẫn dắt mình theo kế hoạch của Ngài, hay ta vẫn muốn giữ lại quyền kiểm soát, giữ lại những gì mình cho là chắc chắn?
Có thể, như Phêrô, ta cảm thấy bất xứng. Như Isaia, ta cảm thấy bất tài. Như Phaolô, ta mang theo mặc cảm về quá khứ. Nhưng lời mời gọi của Chúa không phải dành cho những người hoàn hảo, mà là dành cho những ai dám để cho ân sủng Chúa biến đổi mình hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra là: Vậy, từ hôm nay, Ta sẽ sẵn sàng bỏ mọi sự mà theo Chúa, hay ta sẽ cố gắng tiếp tục “mặc cả” với Ngài?
Amen.
COMMENTS