"Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong!"
"Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong!"
John Phuong
Từ thuở ban đầu, tội lỗi đã làm tổn thương lòng người. Ganh tị là mầm móng của bi kịch đầu tiên. Cain thấy lễ vật của mình không được Chúa chấp nhận, trong khi lễ vật của Aben thì đẹp lòng Người. Thay vì tự đấm ngực mình, Cain lại sinh ghen tức, oán giận Aben. Lòng ghen tị nổi lên, khiến hắn ra tay sát hại chính em ruột của mình. Khi Chúa hỏi: “Aben, em ngươi đâu rồi?” (St 4,9), Cain lạnh lùng đáp: “Tôi đâu có phải là người giữ em tôi?” Đó chính là điều tội lỗi gây ra – nó làm con tim ra chai đá, biến anh em thành kẻ thù. Nhưng ngay cả lúc ấy, Chúa vẫn không trừng phạt Cain ngay lập tức. Ngài không để ai giết hắn, nhưng đánh dấu hắn như một sự bảo vệ. Dù tội lỗi Cain nặng nề, Chúa vẫn nhẫn nại.
Cũng chính sự ghen tị ấy đã xuất hiện trong câu chuyện của Giuse. Các anh của cậu không chịu nổi khi thấy cậu được cha yêu thương. Thay vì vui với phúc lành của Giuse, họ tìm cách hại cậu. Họ ném cậu xuống giếng, rồi bán làm nô lệ (St 37,28), nghĩ rằng đã loại bỏ được cậu. Nhưng Chúa lại viết một câu chuyện khác. Điều họ muốn dùng để làm hại, Chúa lại biến thành điều tốt lành. Giuse từ một kẻ nô lệ trở thành tể tướng Ai Cập. Các anh của ông, những kẻ từng phản bội, giờ đứng trước ông trong cảnh túng thiếu. Nhưng thay vì trả thù, Giuse nói: “Các anh đã định hại tôi, nhưng Thiên Chúa đã định cho điều ấy thành điều lành” (St 50,20). Ở đây, ta thấy một điều kỳ diệu: lòng thương xót của Chúa không chỉ cứu Giuse, mà còn cứu cả những người đã làm hại ông.
Vua Saul cũng rơi vào cùng một cạm bẫy của lòng ganh tị. Dù được Chúa chọn, ông không thể chấp nhận việc Đavít được dân yêu mến hơn mình. Khi nghe họ ca hát: “Saul giết một ngàn, Đavít giết một vạn!” (1 Sm 18,7), lòng ông sôi lên vì ghen tức. Ông bắt đầu truy đuổi Đavít, quyết giết bằng được chàng trai trẻ ấy. Nhưng Chúa có chương trình của Ngài. Dù bị săn đuổi, Đavít không báo thù, nhưng để Chúa định liệu. Và quả thật, Saul cuối cùng bị chính sự đố kỵ của mình làm hại, còn Đavít được Chúa nâng lên làm vua.
Sự cứng lòng này lại xuất hiện trong Tin Mừng. Những người Pharisêu, dù chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, vẫn đòi một dấu lạ khác. Không phải vì họ muốn tin, mà vì lòng họ đã khép lại. Giống như Cain, như các anh của Giuse, như vua Saul, họ không muốn nhìn nhận sự thật. Chúa Giêsu biết rõ lòng họ, nên không ban thêm dấu lạ nào ngoài chính sự thinh lặng của Ngài. “Không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này” (Mc 8,12). Ngài không bắt ép ai tin, nhưng cũng không bỏ rơi họ. Chính họ đã từ chối ơn cứu độ.
Dù vậy, Chúa vẫn kiên nhẫn. Ngài không bỏ rơi những kẻ cứng lòng. Ngài vẫn tiếp tục mời gọi, vẫn chờ đợi con người quay về. Dù Cain phạm tội, Chúa vẫn bảo vệ hắn. Dù các anh của Giuse ganh ghét, Chúa vẫn ban cho họ cơ hội hòa giải. Dù Saul đố kỵ, Chúa vẫn không trừng phạt ngay. Và dù những người Pharisêu từ chối Ngài, Chúa Giêsu vẫn hiến mình chịu chết để cứu chuộc họ.
Năm Thánh này là năm của Hy Vọng. Không có tội lỗi nào lớn hơn lòng thương xót Chúa. Không có con tim nào chai đá đến mức Chúa không thể làm mềm lại. Nếu Chúa đã nhẫn nại với Cain, đã cứu các anh của Giuse, đã kiên trì với những kẻ đóng đinh Con Ngài, thì liệu có ai trong chúng ta là người không còn hy vọng? Đừng để lòng mình giống Cain, Saul hay những người Pharisêu. Hãy mở lòng ra. Hãy tin vào Chúa, Đấng không bao giờ bỏ cuộc, Đấng luôn vẽ đường thẳng trên những nét chữ cong của con người.
COMMENTS