Cái chết của người công chính (I)
Cái chết của người công chính (I)
(Suy niệm của Thánh Alfonso trong Mùa Thường Niên)
John Phuong
Kết thúc mọi gian lao
Xét từ quan điểm con người, cái chết gây kinh hãi và khiến người ta khiếp sợ; nhưng nếu nhìn với con mắt đức tin, cái chết lại mang đến niềm an ủi và đáng được mong chờ. Đối với kẻ tội lỗi, nó thật khủng khiếp, nhưng đối với các thánh, nó lại là điều đáng ước ao và quý giá. Thánh Bênađô nói: “Cái chết quý giá vì đó là kết thúc mọi gian lao, là sự hoàn tất của chiến thắng và là cánh cửa dẫn vào sự sống.”
Đúng vậy, cái chết là sự kết thúc của những lao nhọc và đau khổ: “Con người sinh ra bởi người nữ, sống những ngày ngắn ngủi và đầy gian truân” (G 14,1). Đó chính là cuộc sống của chúng ta: ngắn ngủi và đầy dẫy những khốn khó, bệnh tật, lo âu và đam mê. Những người yêu thế gian mong muốn được sống lâu, nhưng như Seneca nói, họ chẳng tìm kiếm điều gì khác ngoài việc kéo dài nỗi thống khổ của mình: “Họ tìm kiếm sự sống như một sự giày vò kéo dài.”
Tiếp tục sống chẳng khác gì tiếp tục chịu khổ, như thánh Augustinô đã nói. Thật vậy, cuộc sống hiện tại không phải là thời gian để nghỉ ngơi, mà là để lao nhọc và nhờ vào những gian lao đó, chúng ta mới có thể xứng đáng với sự sống đời đời. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở chúng ta: “Cuộc sống này được ban cho con người không phải để nghỉ ngơi, mà để chịu thương chịu khổ.” Vì thế, Tertullianô có lý khi nói rằng: “Khi Thiên Chúa rút ngắn cuộc đời của ai đó, nghĩa là Người đã rút ngắn nỗi khổ đau của họ.”
Do đó, mặc dù cái chết đến với con người như một hình phạt vì tội lỗi, nhưng những gian khổ của cuộc sống này quá nhiều đến nỗi, như thánh Ambrôsiô nói, “cái chết dường như là một sự giải thoát hơn là một hình phạt.” Thiên Chúa gọi những ai chết trong ân sủng là người có phúc, vì họ sẽ chấm dứt mọi đau khổ và đi vào nơi yên nghỉ: “Từ nay, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần Khí phán: Phải, họ sẽ được nghỉ ngơi sau những gian khổ” (Kh 14,13).
Những nỗi sợ hãi làm dằn vặt kẻ tội lỗi trong giây phút lâm chung không ảnh hưởng đến các thánh: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và không một cực hình nào chạm tới họ” (Kn 3,1). Các thánh chắc chắn không buồn phiền khi nghe linh mục tuyên bố “hãy ra đi”, điều khiến những người gắn bó với thế gian run sợ. Họ không đau khổ khi phải từ bỏ của cải trần gian, vì lòng họ đã xa lìa chúng từ lâu; họ luôn tâm niệm: “Chúa là núi đá cho con nương ẩn, là phần sản nghiệp đời đời của con” (Tv 72,26). “Phúc cho anh em”, thánh Phaolô viết cho các môn đệ, những người đã bị tước đoạt tài sản vì danh Chúa Giêsu: “Anh em đã vui lòng chịu mất của cải, vì biết rằng mình có tài sản quý giá và bền vững hơn” (Hr 10,34).
Các thánh không tiếc nuối khi phải rời bỏ danh dự trần gian, vì họ đã từ lâu xem chúng chỉ là hư không và ảo tưởng. Họ chỉ tìm kiếm danh dự của việc yêu mến Thiên Chúa và được Người yêu thương. Họ cũng không buồn khi rời xa người thân, vì họ đã yêu thương họ trong Chúa, và khi lìa trần, họ phó dâng họ cho Chúa Cha, Đấng yêu thương họ hơn chính bản thân họ. Với hy vọng được cứu độ, họ nghĩ rằng từ thiên đàng, họ có thể giúp đỡ người thân tốt hơn khi còn ở trần gian. Tóm lại, những người trong cuộc sống luôn cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa của con, Ngài là tất cả của con”, thì khi chết, họ cảm nghiệm điều ấy với niềm an ủi và yêu mến sâu xa hơn.
Hơn nữa, ai chết trong tình yêu Chúa thì không bận tâm đến những đau đớn mà cái chết mang lại, nhưng còn vui mừng vì chúng. Họ sẵn sàng sống lâu hơn nữa, miễn là được chịu đựng nhiều hơn vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Vì vậy, với một trái tim đầy yêu thương và bình an, họ dâng lên Chúa những giây phút cuối cùng của đời mình, vui lòng hiệp dâng hy lễ cái chết của mình với hy lễ mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá. Và họ ra đi thanh thản, nói với tâm tình của thánh vịnh gia: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ (Tv 4,9). Hạnh phúc biết bao khi được nhắm mắt trong vòng tay của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi chịu chết để ban cho chúng ta một cái chết êm ái và an bình!
Lời nguyện
Lạy Đấng Cứu Độ rất yêu dấu của con, Ngài đã chết vì con, thế mà biết bao lần con đã phản bội Ngài. Nhưng nhờ ơn Chúa giúp, con đã ăn năn và suốt quãng đời còn lại, con đã khóc lóc vì tội lỗi của mình; và Ngài đã thứ tha cho con. Xin tha thứ cho con lần nữa và ban cho con sự tha thứ trọn vẹn mọi lỗi lầm của con.
Lạy Chúa, thiên đàng và chính Ngài là ơn phúc quá lớn đối với con; con cảm thấy bất an khi còn sống xa Ngài. Vì vậy, con xin Ngài phúc thiên đàng, không phải để hưởng thụ, nhưng để yêu mến Ngài trọn vẹn hơn. Xin để con ở luyện ngục bao lâu Ngài muốn, miễn là một ngày nào đó, theo ý Ngài, Ngài gọi con về thiên đàng, nơi con sẽ ca ngợi lòng thương xót Ngài mãi mãi, nơi Ngài sẽ yêu con mãi mãi, và con sẽ được yêu Ngài mãi mãi.
Lạy Chúa, xin thương xót linh hồn con, linh hồn khao khát được nhìn thấy Ngài và yêu mến Ngài hết lòng. Xin ban cho con ơn trung thành bền đỗ và ơn yêu mến Ngài trọn đời.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cùng Chúa Giêsu cho con. (AM, VIII, 1)
COMMENTS