Ra đi phục vụ ..."Tình yêu trong hành động"
Ra đi phục vụ (Mc 1, 29-39)
Suy niệm Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 1 Thường niên Lm. Thái Nguyên
Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới. Ngài muốn dạy cho mọi người thấy: trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho vùng trung tâm mà bỏ quên hoặc loại trừ những vùng ngoại biên. Ngài nói rõ với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong thần khí và trong sự thật” (Ga 4,21-24).
Suốt đời, Đức Giêsu đã sống gần gũi với những người ngoại biên, Ngài đến với họ, Ngài chia sẻ những nỗi đau của họ, và Ngài được kể như người ngoại biên. Ngài cho họ thấy Ngài rất thương yêu họ, và là một tình yêu vô hạn. Ngài muốn các môn đệ hãy theo gương Ngài, đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ như vậy.
Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Đó là tinh thần bao dung, hiền lành, khiêm nhu, chân thật và nhất là một trái tim đong đầy tình yêu thương để cho đi, để chia sẻ, để phục vụ. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại biên”. Vùng ngoại biên này chính là họ đạo chúng ta, nơi đầy những dân ngoại xung quanh mình, đầy những người nghèo khổ và chưa nhận biết Chúa.
Nhưng có điều gây cản trở rất lớn là có nhiều gia đình có đạo nhưng sống còn tệ hơn dân ngoại: cách sống và hành xử thiếu công bình, thiếu bác ái; nhiều người bỏ đạo, vợ chồng bỏ nhau, gia đình rối rắm, con cái ly tán, cha mẹ bất hòa, lối xóm bất thuận, nhiều người ăn nói bất chấp và chỉ lo sống cho tiêng mình; có nhiều quan niệm rất mê tín và dị đoan, vừa thờ Chúa vừa thờ thần tài; tin thầy bói, thầy bùa, thầy lang, thầy cúng,thầy phong thủy hơn tin Chúa. Cũng có cả những người siêng năng đi nhà thờ mà cũng siêng năng cãi nhau, chửi nhau, tranh giành lợi lộc với nhau.
Như vậy vùng ngoại biên trước tiên không phải là vùng xa mà là ngay vùng công giáo chúng ta, vì có những anh chị em ở gần nhưng lòng họ rất xa, xa Chúa, xa nhau, xa đời sống cộng đoàn, xa sự thật và sự thiện. Thật sự hoàn cảnh của những anh chị em đó cũng rất đáng thương, đa số chỉ vì nghèo, nghèo tiền bạc chỉ là một phần, mà một phần khác là nghèo văn hóa, nghèo đạo đức, nghèo kiến thức, nghèo nhân nghĩa, nhất là nghèo tấm lòng.
Nhưng điều đáng tiếc là có những người tự làm cho mình nghèo, khi không muốn sống khác hơn, tốt hơn. Lời Chúa mời gọi chúng ta trước tiên đi đến với những người này, gần gũi với những người này, dám sống và hy sinh cho những người này, cho dù chúng ta bị thiệt thòi, bị thương tích. Suy niệm việc Đức Giêsu đến vùng ngoại biên. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng như sau: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. (EG 49).
Để truyền giáo cho người ngoại thì trước tiên phải tái truyền giáo cho người đạo, là những anh chị em gần như bỏ đạo. Xin cho mỗi người chúng ta dám lên đường như Đức Giêsu, không phải lên đường đi đâu xa, mà là dám ra khỏi bản thân mình để làm một điều gì đó tốt hơn cho những anh chị em đó mỗi ngày, đặc biệt trong năm thánh này. Đừng tính toán lời lỗ hay hơn thiệt, mà xem mình phải cho đi những gì để có thể thay đổi tình trạng của người khác. Nhưng trước tiên vẫn là xin Chúa Chúa thay đổi bản thân mình, làm mới lại cuộc sống mình, để ta thực sự trở nên khí cụ bình an của Chúa cho mọi người.
Lm. Thái Nguyên
COMMENTS