Luật lệ và tự do (Mc 2,23-28)
Luật lệ và tự do (Mc 2,23-28)
Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên Lm Thái Nguyên
Được phép làm hay không được phép là điều ám ảnh tâm trí người Pharisêu. Vì thế họ càng bực bội khi thấy Đức Giêsu hay các môn đệ Ngài sai phạm một luật nào đó. Đức Giêsu là con người hoàn toàn tự do, chẳng bị ràng buộc hay câu nệ bởi điều gì, trừ khi điều đó là ý Cha. Người Pharisêu quá xét nét về việc giữ luật của cha ông, mang nặng một lối sống đã qua. Đúng là không thể lấy vải mới mà vá áo cũ, cũng không thể lấy bầu da cũ mà đựng rượu mới.
Lề luật dù quan trọng thế nào đi nữa thì cũng là một thứ phương tiện chứ không phải mục đích. Đức Giêsu nhắc lại điều đó cho người Pharisêu khi nói rằng: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát”. Ngày Sabát là ngày mà con người được kêu gọi để sống với tinh thần con cái, chứ không phải với thái độ sợ sệt của những kẻ làm công. Ngày Sabát là ngày của Chúa (Dies Domini), ngày dành cho Chúa mà cũng là ngày dành cho con người. Thiên Chúa không tạo ra luật lệ để ràng buộc con người, nhưng giúp cho cuộc sống con người tốt hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay không đặt ra vấn đề bản chất của lề luật, nhưng là việc ứng dụng lề luật. Ứng dụng thế nào đó mà lề luật bị hiểu sai, không giúp ích cho đời sống con người, mà còn bóp chết tự do, biến con người thành nô lệ của lề luật. Vì vậy mà Đức Giêsu phải giải thích hoàn cảnh ứng dụng lề luật cho hợp tình hợp lý, để mở ra chứ không phải khép lại. Ngài dẫn chứng câu chuyện trong 1Sm 21,1-6 để người ta thấy rằng, nhu cầu của con người phải đi trước lề luật. Và như vậy, vẫn luôn có những trường hợp được miễn trừ. Vấn đề không phải là giữ những từ ngữ chết cứng của lề luật mà là sống tinh thần lề luật.
Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã công bố sứ mạng của Ngài là giải thoát như lời tiên tri Isaia đã loan báo. Vì thế, mọi thứ trói buộc sự sống con người đều là phản diện với đường lối của Ngài. Và như vậy, cả lề luật cũng phải là một cách thế giải thoát để con người được sống tự do. Đức Giêsu đến để kiện toàn lề luật là như thế, và lề luật chỉ có thể được kiện toàn bằng tình yêu. Nói cách khác, tình yêu phải là nền tảng của lề luật. Không những thế, tình yêu còn là nguyên nhân và là cùng đích của lề luật. Lề luật không còn cần thiết nữa khi người ta đã đạt tới đỉnh điểm của tình yêu. Vì thế mà Augustinô đã mạnh bạo nói rằng: “Dilige et quod vis fac”: cứ yêu đi rồi làm điều bạn muốn làm.
Tình yêu là sức nóng của Thần Khí Chúa thúc đẩy ta hành động cách tự do. Và như vậy, tự do trở thành luật lệ cho chính mình, nhờ vậy mà ta hiểu được câu nói của thánh Giacôbê: “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do” (Gc 2, 12). Đó là tự do nội tâm, tự do trong sự thật và sự thiện.
Tuy nhiên, vẫn có những cạm bẫy mà ta phải coi chừng: có những người sống rất tự do nhưng lại không có tình yêu, trái lại, có những người thể hiện tình yêu nhưng lại không có tự do. Tự do và tình yêu khi bị tách rời nhau thì chẳng có cái nào là đích thực, vì nó gây ra đối chọi và mâu thuẫn nơi chính mình. Chỉ muốn có tự do thôi, thì thành nô lệ cho chính mình, mà chỉ muốn có tình yêu thôi, thì lại trở thành nô lệ cho đối tượng. Vì thế, tự do là để sống tình yêu, và khi sống tình yêu, ta mới thực sự tự do, không còn lo sợ trước những phê phán và đánh giá của người khác, cho dù họ là ai.
Tự do là để sống cho: cho mình, cho nhau, cho Chúa. Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy. Nhưng chúng ta vẫn bị cám dỗ để sống cho mình thôi. Và như vậy, ngày của Chúa lại bị lệch sang một hướng khác, mang tính cá nhân chủ nghĩa. Hình thức lệch lạc này tuy có khác với người biệt phái xưa, nhưng cũng là qui về chính mình, chưa ra khỏi mình để sống cho. Đó là điều mà chúng ta cứ phải xét mình mỗi ngày để làm mới lại tình yêu của mình trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Lm. Thái Nguyên
COMMENTS