Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Tuần I Mùa Thường Niên Năm C (12/01/2025) Bài suy niệm: Tu viện Đa Minh Tùng Nghĩa, dò...
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Tuần I Mùa Thường Niên Năm C (12/01/2025)
Bài suy niệm: Tu viện Đa Minh Tùng Nghĩa, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Giọng đọc: Nữ tu Maria Hồ Thị Phương Anh, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Ngỡ ngàng nhận ra
Sáng tác:Lm. Thái Nguyên
Trình bày: Hồng Thắm
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin Mừng: Lc 3:15- 16:21-22
15Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! 16Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
21Khi toàn dân đã chịu phép rửa , Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện , thì trời mở ra, 22và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu . Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con .
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm
Bài Tin mừng chỉ ngắn gọn bốn câu của Thánh Luca đã phác họa một bức tranh thật đẹp dưới dòng sông Giođan. Trong Kinh Thánh, sự kiện viếng thăm Hài Nhi Giêsu của các nhà Chiêm tinh, dấu lạ tại tiệc cưới Cana, cùng với việc Chúa chịu phép rửa hôm nay làm nên ý nghĩa đầy đủ của lễ Hiển linh. Vì mỗi sự kiện trong ba biến cố kể trên đều mặc khải và biểu lộ Đức Giêsu là ai. Cách riêng, phép rửa Chúa Giêsu nhận từ ông Gioan hôm nay là minh chứng cho sự khiêm nhường thẳm sâu của Thiên Chúa. Ta hãy đọc lại từng hành động của các nhân vật xuất hiện trong khung cảnh hôm nay để khám phá lòng khiêm nhường ấy:
1. Lòng khiêm nhường của Gioan Tẩy Giả
Mặc dù dân chúng nghĩ Gioan là Đấng Mêsia, thế nhưng Gioan đã thẳng thắn, khiêm nhường nhìn nhận sự thật về mình: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16)
2. Lòng Khiêm nhường của toàn dân
Sau khi đã nghe ông Gioan rao giảng, họ khiêm nhường nhận ra những sai sót, yếu đuối, lỗi tội của mình và bày tỏ lòng sám hối, qua việc chịu phép rửa.
3. Cuối cùng là lòng khiêm nhường tột cùng của Đức Kitô Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người
Ngài là Đấng Chí Thánh, vô tội nhưng đã xếp hàng cùng với các tội nhân đến xin Gioan, chỉ là một thụ tạo, làm phép rửa cho mình. Phép rửa của Đức Giêsu như một biểu lộ về sự tùng phục tận căn đối với thánh ý Chúa Cha, và sự đồng hóa trọn vẹn của Ngài đối với các tội nhân. Bởi trong dòng nước sông Giođan, Đức Giêsu được nhìn nhận cách công khai như là người cần ăn năn để được tha thứ, dù Ngài không hề cần đến nó.
Bằng phép rửa Kitô giáo, chúng ta trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, thành viên của Giáo hội – tức Thân thể Đức Kitô, và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Qua bí tích ơn cứu độ này, Thiên Chúa đổ đầy trên chúng ta ơn thánh hóa, cùng với sự sung mãn của đời sống Ba Ngôi. Sống trọn vẹn ý nghĩa của phép rửa là thể hiện bản chất của căn tính, ơn gọi và sứ vụ của chúng ta trong tư cách là những môn đệ của Chúa Giêsu, là thành viên thuộc gia đình Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta tự duyệt xét lại tư cách Kitô hữu của mình trong hồng ân Bí tích Rửa tội.
Lạy Chúa, mong sao chúng con có được tấm lòng khiêm nhường, để biết mình là thụ tạo hèn yếu, cần sám hối ăn năn, để được Chúa thứ tha và trở về với Chúa và anh chị em. Xin cho con biết tự đào luyện bản thân mỗi ngày để sống cho xứng đáng ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm con Thiên Chúa. Amen.
Maria Nguyễn Thị Mai
COMMENTS