Chúa đến giải phóng những người khốn khổ
Chúa đến giải phóng những người khốn khổ
Thứ Sáu, tuần 1 MV Le Cong Duc Lm
Vẫn là ‘NGÀY ẤY’ và ‘SẼ’, hai từ khoá mà bản văn sách Isaia dùng để nói về thời Mêsia (thời của Đấng Cứu Độ), với những hành động mang tính chất cứu độ sẽ diễn ra. “Ngày ấy, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel”… Nói tắt, những người khốn khổ sẽ được giải phóng khỏi tình cảnh khốn cùng của mình và sẽ được mừng vui…
Ở chiều hướng ngược lại, những kẻ gian ác áp bức người yếu thế sẽ phải ê chề xấu hổ: “Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhen mà hiếp đáp người công chính”… Như vậy, ta thấy một cuộc lật đổ, một sự chỉnh đốn có tính đảo ngược. Kẻ bất nhân sẽ khiếp run. Người hiền đức bị ức hiếp sẽ được bênh vực và không còn sợ hãi - như lời tuyên xưng trong Thánh vịnh 26 (Đáp ca): “Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ, tôi sợ gì ai?”…
Chúa Giêsu đến, thời Cứu độ bắt đầu hiện thực. Câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt hai người mù nêu bật yếu tố LÒNG TIN của cả hai. Vâng, Chúa không đến để đơn phương lạnh lùng dàn xếp mọi hành động ‘giải phóng’ những người khốn khổ, theo kiểu áp đặt ý chí của Người và bất chấp ý chí của ‘đối tác’. Chúa đem ân phúc đến, và Chúa muốn mở toang nguồn ân phúc ấy cho những ai TIN vào Người. Chúa mời tất cả và mỗi người chúng ta đi vào mối tương quan với Chúa qua cánh cửa lòng tin - và ân phúc của Chúa chảy tràn trong mối tương quan ấy.
Ta hãy xem các diễn tiến của câu chuyện:
- Gặp giữa đường, hai người mù kêu xin lòng thương xót… Chúa nghe nhưng tiếp tục đi… như thể một trắc nghiệm về sự tha thiết, chân thành, đồng thời Chúa cũng muốn sự kín đáo…
- Hai người mù bám theo Chúa, đến nhà, lại tiếp cận Chúa một lần nữa…
- Chúa hỏi có tin không, họ thưa có… Chúa chữa lành họ… và truyền giữ kín…
- Nhưng họ không giữ kín được, mà ngược lại, họ kể cho mọi người nghe câu chuyện…
Câu chuyện là một tiến trình, một lộ trình của kinh nghiệm ân sủng và của động lực sứ mạng. Gặp gỡ Chúa, tin vào Chúa, được chữa lành, dạt dào niềm vui đến mức không thể không chia sẻ cho người khác! Và tất cả bắt đầu bằng: “Hỡi Con vua Đavit, xin thương xót chúng tôi!”
Chúng ta thường không dễ kêu xin lòng thương xót của một ai đó, vì như vậy là thừa nhận mình yếu kém và bất lực. Thế nhưng với Chúa, ta đừng sĩ diện, bởi chúng ta thực sự bất lực và thực sự cần tình thương cứu độ của Chúa. Kêu xin lòng Chúa thương xót chính là bắt đầu diễn tả lòng tin, bắt đầu kinh nghiệm ân sủng và cảm nhận động lực sứ mạng!
Le Cong Duc Lm
COMMENTS