Mẹ dâng mình và sự thánh hiến của tất cả chúng ta
Mẹ dâng mình và sự thánh hiến của tất cả chúng ta
Thứ Năm, 21.11.2024, lễ Mẹ Dâng Mình trong Đền thánh
Le Cong Duc Lm
Sự kiện Đức Maria dâng mình trong Đền thánh từ tuổi rất sớm được đề cập trong một truyền thống bên ngoài Thánh Kinh qui điển, nhưng dựa trên sự thật nền tảng là Mẹ hoàn toàn THUỘC VỀ Thiên Chúa và thuộc về công cuộc của Thiên Chúa. Ngày nay, từ ngữ thường dùng để chỉ sự ‘dâng mình’ này là ‘được thánh hiến’.
Sau này, Mẹ sẽ sinh hạ Chúa Giêsu; và cùng với thánh Giuse, Mẹ dâng Giêsu vào Đền thánh (lễ ngày 2 tháng 2, được chọn làm Ngày của Đời sống Thánh hiến). Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh ấy không chỉ là việc làm theo nghi thức luật định, mà đó là mẫu thức, là nền tảng của mọi sự thánh hiến trong toàn thể dòng lịch sử, trước cũng như sau đó. Không có sự thánh hiến đúng nghĩa nào mà ở ngoài và không đặt nền trên sự thánh hiến của Chúa Con đối với Chúa Cha.
Nhưng thánh hiến, hay ‘thuộc về Thiên Chúa’, nghĩa là gì? Nghĩa là không còn thuộc về ai hay cái gì khác nữa, kể cả cha mẹ và gia đình ruột thịt của mình. Mọi tương quan tự nhiên của con người vẫn còn đó, nhưng không có ý nghĩa tự nơi chính nó, mà chỉ nhận được ý nghĩa trong bản chất ‘thuộc về Thiên Chúa’ do sự thánh hiến này mà thôi.
Maria không ở luôn trong Đền thánh, nhưng trở về với đời thường, có điều về với đời thường mà đã thánh hiến rồi! Ta hiểu tại sao Maria thành hôn với Giuse mà nói “tôi không biết đến người nam”, và rồi sinh con mà vẫn đồng trinh trọn đời!
Ta hiểu tại sao Chúa Giêsu nói “Cha mẹ không biết là con phải có bổn phận trong nhà của CHA con sao?”… Rồi trong sứ vụ, Người nói với các môn đệ và đám đông nghe Người giảng (khi có người nhắc đến mẹ và anh em Người): “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?… Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Không còn đóng lại trong gia đình huyết thống bé nhỏ nữa, mà đã mở ra gia đình thiêng liêng rộng lớn vô hạn rồi!
Ta cũng hiểu tại sao Chúa Giêsu tuyên bố “Ai theo Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”… Chúa cũng nói “Ai yêu cha mẹ hơn Ta… ai yêu con trai con gái hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta”…
Và ta hiểu tại sao thánh Phaolô nói về hôn nhân của các tín hữu là để ‘diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh’. Nghĩa là: người tín hữu cưới vợ cưới chồng, sinh con đẻ cái… là sống ơn gọi và thực thi sứ mạng của mình để phục vụ cho công cuộc của Thiên Chúa. Điều này đặt nền trên sự THÁNH HIẾN do Phép Rửa của họ.
Những sự thánh hiến do Bí tích Truyền chức hay do lời khấn tu trì diễn tả tình trạng thuộc về Thiên Chúa cách triệt để ngay trong lối sống/bậc sống của người ta. Nhưng cả những sự thánh hiến này cũng không đặt nền ở đâu khác ngoài Phép Rửa. Nói tóm, là Kitô hữu tức là đã được thánh hiến - sự thánh hiến căn bản này in dấu của nó trên toàn thể con người và đời sống của chúng ta, dù đi tu hay kết hôn hay sống độc thân giữa đời, dù ở đâu và làm nghề gì, dù sống hay chết!
Xin ‘Mẹ Dâng Mình’ truyền cảm hứng và niềm khao khát ‘hoàn toàn thuộc về Chúa’ cho chúng ta.
Le Cong Duc Lm
COMMENTS