Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Hai Tuần XXXII Mùa Thường Niên (11/11/2024
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Hai Tuần XXXII Mùa Thường Niên (11/11/2024)
Bài suy niệm: Nữ tu Maria Nguyễn Ngọc Ánh Linh, nhóm chị em phương xa, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Giọng đọc: Nữ tu Têrêsa Vũ Thị Hoài Thương, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Yêu Thương và tha thứ
Sáng tác: Mai lợi
Trình bày: Diệu Hiền
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin Mừng: Lc 17:1-6
1 Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! 2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. 3 Anh em hãy đề phòng! 4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.” 5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,” nó cũng sẽ vâng lời anh em.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm
Tục ngữ Việt Nam có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.” Nhưng thực tế, không phải ai “chạy lại” cũng được đón nhận. Lý do là vì chúng ta hay đặt ra các điều kiện để quyết định, ai đó có nhận được sự thứ tha hay không. Thường thì khi bị tổn thương càng sâu, chúng ta càng khó tha thứ cho người khác. Vậy mà Chúa muốn chúng ta tha thứ vô điều kiện, không giới hạn:“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”
Đây là một đòi hỏi không hề đơn giản, bởi sau những tổn thương, người ta có xu hướng khép mình lại. Có khi chúng ta “chặn” những người đã từng làm ta đau khổ, ngay cả cơ hội để người đó xin lỗi hay sửa đổi cũng không có. Khá hơn một chút, chúng ta sẽ tha thứ cho một người, chỉ khi người đó đáp ứng những điều kiện nhất định nào đó. Tất cả những lối suy nghĩ này khiến chúng ta không dám, hoặc không muốn tha thứ cho người khác. Như một cách tự vệ, chúng ta muốn tránh xa những gì làm mình khổ đau.
Suy cho cùng, chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, mà càng nghĩ đến mình, càng khiến ta mệt mỏi và nặng nề, bởi nút thắt không bao giờ được tháo gỡ, nếu như chúng ta không bỏ qua cho nhau để cùng bước tiếp.
Là người Công giáo, chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Trên hành trình về quê trời, không thể tránh những va chạm khiến chúng ta trầy xước và đau đớn. Dẫu sự va chạm hay xúc phạm kia, chỉ là vô tình hay hữu ý. Cho dẫu lời nói “tôi hối hận” kia, có thể hiện sự thành tâm hay không, chúng ta vẫn “phải tha” cho anh chị em mình. Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói, “Tôi đã tìm ra một nghịch lý, rằng nếu bạn yêu cho đến khi đau đớn, sẽ không thể có thêm đau đớn, chỉ có thêm tình yêu.”
Thiên Chúa rất kiên nhẫn và yêu thương, hết lần này đến lần khác, tha thứ và chữa lành chúng ta nơi Bí tích Hòa Giải. Chúng ta ít nhiều cũng cảm được rõ ràng sự nhẹ nhõm và tươi mới, khi bước ra khỏi tòa giải tội. Trong tâm tình biết ơn, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Chúa, khi đối xử với anh chị em. Để hạ mình xuống nói “Tôi hối hận,” người anh chị em của chúng ta đã phải cố gắng rất nhiều, khiêm nhường rất nhiều,và can đảm rất nhiều. Thế thì tại sao chúng ta từ chối họ?
Lạy Chúa, chính Ngài đã làm gương cho chúng con, khi tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, cho Dakêu người thu thuế, cho người trộm lành trên thập giá,… và cho chính mỗi người chúng con. Thế mà nhiều lúc chúng con lại chẳng thể tha thứ cho chính mình và cho nhau. Từ đó, dẫn đến sự tan vỡ các mối quan hệ trong gia đình, cộng đoàn và xã hội. Xin Chúa thêm sức để chúng con chiến đấu mỗi ngày, cho dù bản thân còn nhiều yếu đuối. Xin dạy chúng con biết yêu như Chúa, để sẵn lòng tha thứ cho chính mình và cho anh chị em. Amen
Bồ Công Anh
COMMENTS