Cha Phêrô Linh: Đặt Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo làm ưu tiên hàng đầu cho sứ vụ
Cha Phêrô Linh: Đặt Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo làm ưu tiên hàng đầu cho sứ vụ
Fb Erick Trung Vu
Cha Phêrô Linh Nguyễn, C.Ss.R., sinh ra và lớn lên tại Việt Nam trong một gia đình có sáu anh chị em, trong đó ba người đã chọn đời sống tu trì. Cha Phêrô gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế, người chị của ngài gia nhập Dòng Mến Thánh Giá, và người em trai duy nhất trở thành tu sĩ dòng Xitô.
Năm 2010, Cha Phêrô sang Hoa Kỳ để tiếp tục học tập tại Boston. Đến năm 2014, ngài được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ tại Đền Thánh Quốc gia Thánh Gioan Neumann ở Philadelphia. Năm 2019, ngài chuyển đến Washington, DC, đảm nhận vai trò Đồng Giám đốc Ơn gọi của Tỉnh Dòng Baltimore.
Khi định cư tại Nhà Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, ngài chỉ cách Đại học Công Giáo Hoa Kỳ một quãng ngắn. Năm 2020, Cha Phêrô bắt đầu theo học chương trình Tiến sĩ Thần vụ tại đây. Sau bốn năm, ngài đã hoàn thành hơn nửa chặng đường và đang phát triển dự án luận văn mang tên: “Xây dựng Khung Phát triển Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo trong Sứ Vụ Giáo xứ: Nâng cao Nhận thức và Hành động.”
Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo: Kho Tàng Bị Lãng Quên
Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (CST) cung cấp một khung hiểu biết để giải quyết các vấn đề xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ghi nhận vào năm 2011 rằng: “Dù đã có những nỗ lực đáng kể và liên tục, di sản xã hội của chúng ta vẫn chưa được nhiều tín hữu Công giáo biết đến. Đáng tiếc, giáo huấn xã hội của Giáo Hội không được chia sẻ hoặc giảng dạy một cách nhất quán và toàn diện trong nhiều trường học, chủng viện, chương trình giáo lý, và đại học.”
Dự án của Cha Phêrô nhằm giải quyết khoảng cách này bằng cách trang bị cho các cộng đoàn giáo xứ những chiến lược để “sống đức tin, tham gia hành động xã hội biến đổi, và góp phần xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái hơn theo các giá trị Tin Mừng.”
Khơi dậy ý thức xã hội và Đời sống đức tin
trong suốt tháng 11, Cha Phêrô đã tổ chức các buổi hội thảo truyền giáo tại Đền Thánh Quốc gia Thánh Gioan Neumann ở Philadelphia, thu hút đến 95 tham dự viên từ bốn giáo xứ. Các buổi hội thảo này nhằm mở rộng sự hiểu biết về đức tin Công giáo, căn tính và sứ vụ, vượt ra khỏi việc chỉ tham dự Thánh Lễ, hướng tới việc học hỏi và trân trọng bảy chủ đề của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo và công cuộc Truyền giáo.
Cha Phêrô chia sẻ: “Nếu chúng ta thực sự hiểu, nó sẽ thay đổi cách suy nghĩ, làm sâu sắc kiến thức và khơi dậy hành động. Sự biến đổi này bắt đầu từ chính chúng ta, sau đó lan tỏa đến gia đình, giáo xứ, và cuối cùng là cộng đồng rộng lớn hơn.”
Hành động từ niềm tin
Dự án không chỉ là lý thuyết mà còn là thực hành. Cha Phêrô thực hiện khảo sát trước và sau mỗi buổi hội thảo để đánh giá mức độ hiểu biết và thái độ của tham dự viên. Hai tháng sau, ngài sẽ thực hiện các buổi phỏng vấn để đánh giá hiệu quả, xem liệu người tham dự có áp dụng được Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo trong việc giúp đỡ người khác, thay đổi cách nhìn nhận, và nhận ra phẩm giá vốn có của mọi người xung quanh.
Cha Phêrô chia sẻ: “Dự án này cũng đã biến đổi chính tôi. Là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đặc sủng của chúng tôi là ‘Loan báo Tin Mừng cho người nghèo và bị bỏ rơi.’ Tôi cảm nhận rằng các giáo huấn trong hội thảo này hoàn toàn phù hợp với sứ vụ đó. Dự án đã làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của tôi về linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế.”
Ngài hy vọng rằng các giáo xứ sẽ quan tâm hơn đến Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo và cân nhắc áp dụng chương trình này như một cách để tái khơi dậy sứ vụ của họ. Cha kết luận: “Trong phần cuối, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đưa Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo vào hành động thực tế. Đó là việc thực hành những gì tham dự viên đã học qua hội thảo. Chẳng hạn, hãy sống điều bạn trải nghiệm trong Thánh Lễ: nhìn nhận người khác, chào đón người xa lạ, ôm lấy người mới đến, và tham gia các chương trình bác ái của giáo xứ. Những hành động này xuất phát từ niềm tin sâu sắc vào phẩm giá con người, và chúng phản ánh Tin Mừng trong đời sống thực tế.”
†
Bài viết của Joseph Gould, Chuyên gia Truyền thông
Bản dịch của Duc Trung Vu
COMMENTS