Tác phẩm và tác giả | Những bức tranh về nhà nguyện Tây nguyên
Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam đã mua những bức tranh này và lưu giữ tại Viện Bảo Tàng quốc gia - Hà Nội. |
Tác phẩm và tác giả | Những bức tranh về nhà nguyện Tây nguyên
Chúng tôi xin được giới thiệu một vài nét về tác phẩm hội họa đầu tay của Nữ tu Anna Hồ Thị Kim Mai, Hội Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp, đã vẽ trong kỳ thi Tốt nghiệp tại Trường Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM năm 2023.
Tác phẩm với chủ đề: “Nhà Nguyện Tây Nguyên”, bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố, kích thước (200 cm x 100 cm) x 4 tấm, đã đoạt giải thủ khoa toàn trường và liên tiếp đoạt các giải thưởng trong các cuộc thi Triển lãm Mỹ Thuật Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội. Sau thời gian triển lãm, các nhà nghiên cứu sưu tầm của Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam đã quyết định mua tác phẩm này để lưu giữ tại Viện Bảo Tàng quốc gia - Hà Nội.
Tác phẩm “Nhà Nguyện Tây Nguyên” được chị lấy hứng khởi từ vẻ đẹp thánh thiêng bởi /Nhịp Điệu Ánh Sáng Thần Linh, trong ngôi nguyện đường cổ kính tại thành phố Ban Mê, là những bức tranh vẽ về nội thất nhà nguyện Tây nguyên, tại nhà nguyện toà Giám Mục Ban-Mê-Thuột, 04 Phan Chu Trinh, Thắng Lợi, Tp. Ban-Mê-Thuột, Đăk Lăk.
Toà Giám mục Ban-Mê-Thuột là tiền thân cơ sở của dòng tu Biển Đức từ năm 1953, do nữ Kiến trúc sư Boni Pacxo người Áo thiết kế. Bà còn là một nữ hoạ sĩ danh tiếng của nước Áo, đến Đông Dương làm công việc xã hội và từ thiện.
Thật khó để hình dung trên phố núi Ban-Mê bản sắc, kiểu “mái dốc, hồi nhọn” mang đậm phong cách kiến trúc nhà dài người Êđê truyền thống. Các “Cha đạo”, các nhiếp ảnh gia và bất cứ ai đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn, cũng ấn tượng bởi nét hoang dã và nguyên sơ, không chỉ ở trang phục truyền thống, mà còn bởi phong cách thiết kế nhà ở. Đặc biệt là nhà Dài của dân tộc Ê-đê, nhà Rông của Gia Lai.
Giữa trung tâm thành phố Ban-Mê đầy nắng gió, hình ảnh của ngôi nhà nguyện tại toà Giám mục Ban-Mê-Thuột vốn gần gũi, thân quen với người tín hữu Công giáo nơi đây. Chính tác giả cũng là người con được sinh ra trên vùng đất Tây nguyên này, nên không gian nhà nguyện lại càng trở nên gần gũi và thân quen hơn. Bởi đó, chị cảm thấy hứng khởi khi chọn công trình kiến trúc nhà nguyện này, để thể hiện tác phẩm, thông qua việc khai thác vẻ đẹp nội thất, không khí và ánh sáng bên trong nguyện đường.
Chẳng phải Platon, nhà triết học Hy Lạp cổ đại cho rằng, “Cái đẹp của phong cách, của sự hài hoà, của sự duyên dáng và nhịp nhàng, phụ thuộc vào sự đơn giản” sao? Bằng tâm trí và cảm xúc, tác giả đã sử dụng những yếu tố hình học, ngôn ngữ tạo hình, đơn giản hoá và chắt lọc tinh tuý hình tượng, để diễn tả thế giới quan theo hiện thực cách sống động. Hơn nữa, không gian nội thất truyền thống có màu đặc trưng là “Màu thời gian”. Thể hiện bằng những màu gốc đã bị biến đổi qua thời gian mưa nắng, rong rêu, quen thuộc, ký ức, mồ hôi, công khó của bao con người nơi đây.
Với lối vẽ đơn giản về mảng hình, chỉ tập trung vào cách diễn tả ánh sáng và màu sắc, tác giả chọn cho mình cách phủ nhiều lớp sơn dầu với các sắc thái khác nhau, để tạo hiệu ứng chiều sâu và ánh sáng chiếu toả từ bên trong, thu hút người xem có thể đối thoại với tác phẩm. Thông qua những nhát cọ và những nhát bay lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc chấm, lượn một cách phóng khoáng nhưng dứt khoát và biểu cảm, tạo nên sự đối lập giữa cái gần và cái xa, giữa phẳng và gồ ghề, giữa cái thô ráp của nét cọ và sự nhẹ nhàng lung linh của ánh sáng. Trong bức tranh, chị sử dụng màu sắc tối giản, gam trầm tối và trung tính nhưng vẫn tạo ra độ ấm của không khí. Phần mép tranh mềm mại, mờ dần khiến cho bức tranh có cảm giác như không còn ranh giới. Và nhờ có những đường nét nhấn đó, góp phần làm phá bỏ và sống động cho tính khối của kiến trúc nhà nguyện. Ngoài ra, cái lớn thì đứng yên, cái nhỏ thì chuyển động, nhà nguyện đứng yên và vật thể trong đó chuyển động. Sự chuyển động chính của tranh còn là, trong một khuôn hình chữ nhật thì chuyển động về tâm là Thánh Giá, vì tâm có sức hút mạnh nhất, nhờ có các đường trục, đường biên và đường chéo dẫn mắt về tâm.
Thể hiện chất liệu sơn dầu trên vải bố, chị chọn cho mình phong cách vẽ một chút của trường phái Ấn Tượng, thêm một chút trường phái Biểu Hiện. Ấn tượng về kiến trúc, màu thời gian và ánh sáng vô hình nhưng hữu hình. Biểu hiện của cảm xúc và tinh thần. Có thể là một sự pha trộn nào đó cùng với sự tự do, thoải mái, ào ạt, phóng khoáng khi vẽ. Tác giả không quá gò bó về ý, nhưng luôn luôn dừng lại để cảm nhận hiệu ứng thị giác được tạo ra cách bất ngờ, biểu cảm sau mỗi lần vẽ. Vẽ với tất cả tâm hồn và đam mê.
Có thể nói, “Nhà Nguyện Tây Nguyên” diễn tả vẻ đẹp của công trình kiến trúc cổ, một thực thể có bề dày lịch sử, trong đó người nghệ sĩ nói chung và hoạ sĩ nói riêng, có sứ mệnh bảo tồn và giữ gìn giá trị thời gian thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình. Từ đó, tác giả khơi lên trách nhiệm bảo tồn những di sản văn hoá dân tộc Việt, cũng như không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp sáng tác, ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác truyền thống, đặc biệt là Nghệ thuật Công giáo Việt Nam.
Trong quá trình học tập, Nữ tu Anna Hồ Thị Kim Mai đã tham gia các cuộc triển lãm:
* 2021 - Triển lãm tại Đại sứ quán Việt - Hàn.
* 2022 - Triển lãm “Dòng Chảy Đôi Mươi” – của Hội Sinh Viên Đại học Mỹ Thuật.
* 2022 - Triển lãm Truyền thống Sinh viên Mỹ Thuật Tp.HCM lần V.
* 2022 - Triển lãm tại Đại sứ quán Việt Hàn.
* 2022 - Triển lãm Giới thiệu Nghệ thuật Công Giáo Việt Nam, tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh Ba Chuông.
* 2023 - Triển lãm "Những Người làm Vườn", CLB nghệ sĩ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam.
* 2023 - Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2023, Hội Mỹ thuật Tp.HCM
* 2023 - Triển lãm "Chuyện. Tôi" Dogma.
* 2023 - Triển lãm Chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Sinh Viên Việt Nam lần thứ VI.
* 2023 - Triển lãm "Hành Trình Sống Đời Đan Tu", Dòng Kín Cát Minh Bình Triệu.
* 2023 - Triển lãm Hội hoạ và Điêu khắc "Theo Chúa Kitô", tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh Ba chuông. * 2023 - Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam Năm 2023.
* 2023 - Triển lãm Hội hoạ và Điêu khắc “Đêm Yêu Thương” gây quỹ học bổng phát triển tài năng và các ngành nghệ thuật tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh Ba Chuông.
* 2024 – Triển lãm Hội hoạ và Điêu khắc “Đuốc sáng Đa Minh” tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh Ba Chuông.
Những giải thưởng:
* Giải Tác phẩm tiêu biểu trong Triển lãm Truyền thống Sinh viên Mỹ Thuật Tp.HCM lần V, 2022.
* Giải thưởng Đồng Hạng, Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ Thuật Việt Nam Năm 2023.
Qua quá trình tham gia các cuộc triển lãm của Đại Sứ quán Việt – Hàn, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Tp.HCM, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Hà Nội, Hội Sinh viên, Hội Dominiart và các tổ chức khác, cùng với những giải thưởng nhận được qua các triển lãm của Trường và Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã cho tác giả một cái nhìn rộng lớn hơn về nghệ thuật. Đặc biệt là những bước đi chập chững đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật Thánh ở Việt Nam.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói trong thư gửi các nghệ sĩ: “Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó.”
Niềm vui được diễn tả thông qua mỗi tác phẩm, cũng chính là Niềm vui Tạ ơn của tác giả đối với Thiên Chúa, với Hội dòng và với Gia đình, cách riêng đối với quý Dì Phụ trách hướng dẫn trong Hội Dòng, Quý Thầy và quý Cô giáo.
Nguyện xin Tình Yêu của Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo, luôn luôn đồng hành để chúng con góp phần gìn giữ và kiến tạo vẻ đẹp của Ngài ngay tại trần gian này.
Một số tranh đã tham gia triển lãm
Tác phẩm: Hoà Điệu - Chất liệu: Sơn Dầu, 2022 |
Nhân dịp mừng đại lễ Chúa Phục Sinh 2023, vào lúc 6g30 chiều ngày 10/4/2023, Ủy ban nghệ thuật thánh - Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ban mỹ thuật Đa Minh - Đominiart đã tổ chức Triển lãm Hội họa và Điêu khắc,
+ Chủ đề: “Theo Chúa Kitô”
+ Địa điểm: Trung tâm Mục vụ Giáo xứ Đa Minh - Ba Chuông.
Các tác phẩm của chị được vẽ theo phong cách ấn tượng và biểu hiện với chất liệu sơn dầu, gồm 6 tác phẩm được thể hiện:
Tác phẩm: Nhịp Bước |
Tác phẩm: Lễ Sáng Miền Sơn Cước |
Tác phẩm: Nhà Thờ Hạnh Thông Tây – Một Chiều Nắng |
1. Tác phẩm: Một Sáng Chi Rông - Chất liệu: Sơn Dầu, 2021 - Kích thước: 40 x 90 cm.
2. Tác phẩm: Nhà Thờ Hạnh Thông Tây – Một Chiều Nắng - Chất liệu: Sơn Dầu, 2022 - Kích thước: 110 x 150 cm.
3. Tác phẩm: Nắng Ban Mai - Chất liệu: Sơn Dầu, 2022 - Kích thước: 127 x 98 cm.
4. Tác phẩm: Nhịp Bước - Chất liệu: Sơn Dầu, 2022 - Kích thước: 130 x 90 cm.
5. Tác phẩm: Lễ Sáng Miền Sơn Cước - Chất liệu: Sơn Dầu, 2023 - Kích thước: 144 x 80 cm.
6. Tác phẩm: Hoà Điệu - Chất liệu: Sơn Dầu, 2022 - Kích thước: 128 x 97 cm.
Tu viện Đa Minh Rosa Lima
Tổng giáo phận Sài Gòn
COMMENTS