Sứ mạng, Nhà Thừa sai, Hành trang, Mục tiêu, Thông điệp
Sứ mạng, Nhà Thừa sai, Hành trang, Mục tiêu, Thông điệp
Le Cong Duc Lm
(Thứ Năm, tuần 26 TN)
Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, trước các biến cố Vượt Qua cuối cùng, có ít nhất hai lần Người sai các môn đệ đi làm sứ mạng một cách tương đối có tổ chức. Các ông được gọi là ‘tông đồ’ hay ‘thừa sai’ đúng nghĩa, với sự việc được Thầy sai đi này. Trong lịch sử Giáo hội, suốt nhiều thế kỷ cho tới gần đây, có xu hướng chỉ dành chữ ‘thừa sai’ cho các thừa sai nước ngoài, điều này không hẳn đúng và nay đang dần thay đổi: thực ra, ‘thừa sai’ là bất cứ ai được sai vào sứ mạng, thế thôi - nhất là ngày nay Đức thánh cha Phanxicô đang nhấn mạnh việc ra đi đến ‘các vùng ngoại biên hiện sinh’.
Khi sai các môn đệ đi, cả nhóm 12 và nhóm 72, Chúa Giêsu kiên định lập trường rằng các nhà thừa sai của Người mang hành trang tối thiểu, hầu như không mang gì. Cả hai lần Người đều căn dặn điều này một cách rất chi tiết, cho thấy Người thực sự nhấn mạnh. Người ta có thể chú giải nhiều cách về lý do của ‘hành trang tối thiểu’ này, nhưng không thể nghi ngờ rằng đây chỉ là chủ trương có tính tình thế, nhất thời, để có thể biện minh cho những ‘hành trang cồng kềnh’ về sau!
Hành trang nhẹ tênh, các thừa sai của Chúa không đặt sự an toàn của mình nơi các phương tiện trần thế, thế nhưng vẫn có đầy sự bình an! Chắc chắn đây là ‘sự bình an của Chúa’, được chuyển thông cho bất cứ ai có khả năng đón nhận, mà Chúa Giêsu gọi là “con cái sự bình an”. Như vậy, sự bình an của Chúa được trao không giới hạn, nhưng nhận thì có điều kiện ở nơi chính người nhận. Khá dễ hiểu, Chúa muốn mọi người được bình an, nhưng không phải ai sống kiểu gì cũng bình an được!
Các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu ngày ấy ra đi mang theo thông điệp rất rõ ràng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần!” Sau này, khi đón nhận Thánh Thần của Chúa Phục sinh, các Tông Đồ sẽ ra đi rao giảng một thông điệp chuyên biệt hơn, xoay quanh sự kiện Chúa Giêsu chết và sống lại, và được đặt làm Đấng Cứu Độ cho ai tin vào Người (x. kerygma). Nhưng tựu trung, đó vẫn là thông điệp về “Nước Thiên Chúa đã đến gần”, bởi Nước Thiên Chúa chung cục vẫn còn ở phía trước, trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ đến lại. Cần luôn ý thức: tất cả mục tiêu sứ mạng Kitô giáo là Nước Thiên Chúa, hay Triều đại Thiên Chúa, chứ không là gì khác. Chính bản thân Giáo hội cũng là phương tiện để phục vụ cho mục tiêu này.
Nhìn toàn cục, sứ mạng Kitô giáo trước hết là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei). Chúa Giêsu là nhà thừa sai của Chúa Cha. Rồi Giáo hội cùng với Chúa Thánh Thần được sai để thi hành sứ mạng cho đến tận cùng thời gian. Vì thế, thật ý nghĩa khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh đồng lúa chín để nói về công cuộc sứ mạng. Đồng lúa, vụ mùa là của Chúa Cha. Bao nhiêu công đoạn đã được làm rồi, chúng ta chỉ góp phần gặt lúa thôi, và gặt cho “chủ vụ mùa”, không phải cho chúng ta!
Nên nói thêm, ngày mùa tuy vất vả nhưng rộn rã niềm vui, chứ không rầu rĩ…
Le Cong Duc Lm
COMMENTS