Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên năm B (08/9/2024)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm B (08/9/2024)
Bài suy niệm: Nữ tu Têrêsa Trần Thị Thủy Tiên, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Giọng đọc: Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Lài, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Chính Chúa chọn con
Sáng tác: Hồng Bính
Trình bày: Hoàng Thy
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Mc 7:31-37
31
Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm
Ngày hôm ấy, trên đường đi tới biển hồ Galile để đi vào miền Thập Tỉnh, Chúa Giê-su và các môn đệ đã gặp một nhóm người, họ đã đưa đến cho Người một người đàn ông “vừa điếc vừa ngọng”. Người đàn ông này thật may mắn vì anh có những người bạn bên cạnh mình, họ đã giúp anh tìm đến Thầy Giê-su, Người mà họ tin là có thể giúp cho anh được lành bệnh. Một cách chữa lành hết sức kỳ lạ dưới cái nhìn của thời đại hôm nay, vì Chúa Giê-su đã “kéo riêng anh ta khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.” Tuy nhiên, chính sự kỳ quặc đó lại là cách thức mà Con Thiên Chúa đã sử dụng để tỏ lộ quyền năng của Người cho nhân loại. Thế mới thấy, tất cả những sự kiện xảy đến trong cuộc đời chúng ta, khó lòng có thể hiểu hết được tất cả những ý nghĩa bên trong, ngang qua cách mà Thiên Chúa thực hiện.
Quay trở lại với câu chuyện của người đàn ông “vừa điếc vừa ngọng” ấy, Thiên Chúa đã chạnh lòng thương và chữa lành cho anh. Thế nhưng, căn bệnh thể lý của người đàn ông ấy cũng không đáng sợ, cho bằng căn bệnh câm điếc của nhiều tâm hồn ngày hôm nay. Nhân loại đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, biến con tim mình trở nên chai cứng và vô cảm trước những nỗi đau của tha nhân. Chúng ta bưng tai bịt mắt, trước những tiếng rên siết của những người anh em bị chúng ta làm tổn thương. Chúng ta câm điếc, khi không muốn lắng nghe tiếng nói của sự thật, lời nói của yêu thương, lời mời gọi của sự hòa giải.
Có những gia đình, vợ và chồng đều câm điếc trước những niềm đau riêng của nhau, cha mẹ thì không chút quan tâm đến con cái, chỉ lo cho bản thân mà quên đi nghĩa vụ của mình! Trong một cộng đoàn giáo xứ, cũng có những người không hề quan tâm đến việc chung, chứ đừng nói đến những người bị tai ương hoạn nạn cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Họ sống thiếu tình liên đới và yêu thương trong một đức tin. Thậm chí trong cộng đoàn các dòng tu, cũng có những tu sĩ mắc phải căn bệnh câm điếc hiểm nghèo này. Đó là khi họ sống thiếu sự cảm thông, không tha thứ mà còn để lòng thù hận, ghen ghét, gây đau khổ và chia rẽ. Tất cả những điều đó là những dấu hiệu của những căn bệnh câm điếc bên trong tâm hồn - căn bệnh căm điếc của đức tin.
Lời nguyện
Lạy Chúa, qua ánh sáng Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa dủ thương chữa lành, giúp chúng con biết mở rộng con tim yêu thương chân thành, biết mở tung cánh cửa của sự khao khát và trí hiểu biết, để con tim chúng con được thấm nhuần Lời Chúa. Chỉ khi sống Lời Chúa dậy, chúng con mới biết lựa chọn đúng con đường và cách thức để san sẻ yêu thương, đặc biệt là thấu hiểu và lắng nghe, để xoa dịu và ủi an những niềm đau, nỗi khổ của người khác. Lúc đó, chúng con sẽ biết cho đi và sẵn sàng tha thứ, như Đức Giê-su đã noi gương cho chúng con trên thập giá xưa. Amen
COMMENTS