Kỷ niệm truyền giáo trên đảo Ngọc
Kỷ niệm truyền giáo trên đảo Ngọc
Vào một buổi sáng không nắng cũng chẳng mưa, tôi đang chăm chú dạy học, bỗng có một cuộc điện thoại gọi đến, nói tôi qua gặp dì Bề Trên gấp. Tôi như có linh cảm mình sắp phải rời xa chốn đô thị phồn hoa này rồi.
Vâng lời trọng hơn của lễ, nên tôi rảo bước tiến về nhà Mẹ. Khi đi qua nhà nguyện, tôi thầm thì hỏi Chúa: “Chúa ơi, Chúa sai con đi đâu đây?” Và rồi bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu từng giây phút.
Lấy lại sự bình tĩnh tôi đến phòng dì Bề Trên gõ cửa,
- Ai đấy?
- Dạ con ạ, Dì gọi con?
Dì Bề Trên nói,
- Mời em vào
Tôi nhẹ nhàng bước vào, Dì kéo ghế và mời tôi ngồi xuống. Sau vài câu hỏi thăm sức khỏe của tôi và gia đình, bắt đầu Dì vào câu chuyện chính. Năm nay chị sẽ thay đổi sứ vụ cho em. Tâm trạng tôi lúc đó rất hồi hộp, tôi chưa định hình được, thì dì tiếp lời,
- Sứ vụ của em năm nay ở cộng đoàn Phú Quốc.
Phú Quốc ư? Tôi thầm nghĩ, tôi chưa một lần đặt chân tới hòn đảo đó. Tuy nhiên, tôi đã được nghe nói nhiều về nó, như câu:
Phú Quốc đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng, khi vể bủng beo
Phú Quốc ai tới một lần
Đi về nhớ mãi chẳng lần thứ hai.
Với tôi lúc này những ví von đó chẳng mấy quan trọng, chỉ biết rằng trước mặt tôi là dì Bề Trên. Dì muốn tôi tới đó để phục vụ. Biết nói sao bây giờ, ý Bề trên là ý Chúa mà. Sau ít phút đối thoại tôi thưa xin vâng.
Rồi điều gì đến sẽ đến, sau vài ngày thu xếp đồ đạc, tôi chào tạm biệt chị em nơi mình đã từng sống, để lên đường với sứ vụ mới. Ngày tôi đi, xe chờ ngay cổng đón tôi cùng 2 chị đưa tiễn ra sân bay Tân Sơn Nhất. Chị em niềm vui xen lẫn nỗi buồn, chẳng nói được bao nhiêu vì còn nhiều lưu luyến. Cuối cùng, mình tôi lên máy bay, một mình đi tới cộng đoàn mới. Tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Lúc này tôi cảm nhận sự hiện diện của chị em quý biết bao!
Vừa đến cổng tu xá Phú Quốc, tôi thấy dòng người đổ dồn về đây đông quá. À! Thì ra hôm nay là buổi học hè đầu tiên. Thế rồi, tôi được dì Bề Trên dẫn lên lầu, đưa tôi tới phòng riêng của mình. Ôi! Cái phòng nho nhỏ be bé xinh xinh, với lối đi một chiều nhưng thật ấm cúng.
Những ngày tiếp theo, ngoài công việc cộng đoàn, nhà trường, cuối tuần tôi cùng chị em ra bãi biển tắm, thả hồn với gió biển, tha hồ hò hét vui với nhau.
Thi thoảng Cha xứ mời chị em chúng tôi đi làm việc mục vụ cùng Ngài. Có một ngày, Cha cùng bảy chị em tôi đi xe máy tới Bãi Bổn dâng lễ, cũng là cơ hội để thăm hỏi giáo dân. Trước khi đi, vì chưa biết đường, nên chúng tôi xin Cha đi trước chỉ lối dẫn đường. Để khỏi bị lạc đường, một chị dặn, Cha mình mặc áo khoác màu ghi, đi dép màu xanh, cứ dấu này mà nhận biết Cha nhé. Nhưng chẳng hiểu vì sao, chúng tôi đi khoảng 30 phút, thì đoàn chúng tôi như bầy chiên không người đưa dẫn. Chúng tôi bị chia 5 xẻ 7, chỉ duy nhất xe của tôi chở một chị chạy kịp Ngài, có lẽ vì tôi phóng như bay trên đường? Còn các chị em khác bị lạc từ bao giờ. Tới một quán nước như đã hẹn trước, hai chị em tôi và Cha ngồi uống nước đợi chờ. Chốc chốc, tôi lại thấy Cha xứ đứng lên, ngài không thể ngồi yên được. Ngài lo cho chị em tôi ấy mà! Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau, nhờ liên lạc qua điện thoại. Lúc uống nước có chị vui vẻ nói: Cha ơi, chắc hồi nãy trên đường đi Cha đã bỏ áo khoác ra, làm tụi con mất dấu, vì thế mới bị lạc đó. Có chị còn nói, lần sau Cha cầm cây cờ đi theo, để chúng con dễ nhìn. Chị khác nữa tiếp ….
Lúc này Cha xứ chỉ nhìn chúng tôi rồi tủm tỉm cười. Được thể, chúng tôi thi nhau “chọc” Cha, làm cho bầu khí vui vẻ rộn ràng. Sau ít phút dừng xe, xơi nước, chúng tôi tiếp tục lên đường. Quãng đường dài chừng 20km. Con đường bê tông bằng phẳng đưa đoàn chúng tôi bon bon trên đường. Lúc đó, chúng tôi được Cha báo trước, đoàn sẽ phải đi qua một con đường để thử tay lái lụa của mọi người. Vâng giờ thì bắt đầu rồi, Ôi! Đường gì toàn ổ gà, ổ voi, đất sình lầy thế này. Cứ vậy là tiến bước hân hoan vừa đi chúng tôi vừa khúc khích cười. Mà không cười sao được với cảm giác quá mạnh! lúc thì bật vọt lên, lúc thì tuột mạnh xuống, muốn nhào lộn cả người. Bỗng tới một đoạn đường, khi mọi người đã qua gần hết, tôi đang băn khoăn nên tiến hay lui đây? Tiến thì nguy to, mà lui thì bị bỏ lại. Tôi lấy hết can đảm cố vượt qua. Ai ngờ “Rầm” một cái, hai chị em tôi ngã xuống. Lúc này tôi cảm nhận như được thiên thần đỡ nâng. Vì từ trước tới giờ, tôi có một thói quen tốt, khi bước lên xe là cầu xin thiên thần bản mệnh gìn giữ. Nhờ thế mà chúng tôi không ai bị sao cả, chỉ lấm chút bùn đất. Nhìn lên thấy mọi người đang khúc khích cười, khiến chúng tôi cũng méo miệng cười theo.
Rồi đoàn tiếp tục đi, chỉ còn cách nơi chúng tôi tới khoảng 50m. Đoạn đường này không phải là đất mà toàn cát là cát. Ai đã một lần đi xe trên cát thì biết rồi đó. Chúng tôi động viên nhau, này cố mà qua chứ, sắp tới nơi rồi đó. Chúng tôi đang mừng thầm, bỗng “Rầm” lần thứ hai. Lúc này không phải là thiên thần đỡ nâng, mà từ phía sau, Cha xứ đỡ xe chúng tôi lên và nói, “Thế mới là truyền giáo chứ.” Tôi thấy được an ủi vì Cha khích lệ.
Tại Bãi Bổn, chị em tôi thăm hỏi dân chúng, dâng thánh lễ cùng vài gia đình, trong một ngôi nhà riêng của họ, vì nơi đây chưa có nhà thờ. Sau Thánh lễ, chúng tôi ở lại cùng với Cha xứ phát quà bánh, sách vở cho các em, dùng bữa cơm gia đình với giáo dân rất vui vẻ và thân thiện. Khoảng 3g30 chiều, chúng tôi ra về trong niềm vui. Mọi người đã no nê cả hồn lẫn xác, tràn đầy sự phấn khởi để tiếp tục những lần sau!
Mấy hôm sau, Cha xứ đã thưởng cho chúng tôi một chuyến dã ngoại ở hòn Mây Rút. Tại đây chúng tôi được đi tàu câu cá, ngắm san hô dưới biển với đủ loại sắc mầu. Thật không tưởng tượng được những công trình kỳ diệu Chúa đã làm nên. Chúng tôi ai cũng phấn khởi vi tại biển đảo xa xôi này, ít ai nghĩ tới đâu đó vẫn còn niềm vui, niềm vui của những người tận hiến quảng đại phục vụ, luôn được Chúa chúc phúc, để rồi lại theo tiếng Chúa mời gọi lên đường.
Ba tuần sau chúng tôi lại có một ngày hân hoan lên đường vào Bãi Bổn, để phát quà Trung Thu cho các em. Nhưng than ôi! Lần này không phải chúng tôi đo đường, mà chính là Cha xứ. Một cú ngã kịch liệt giống như Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba, nhưng Ngài cố gắng đứng dậy. Không giống lần trước, chúng tôi chỉ biết im lặng không dám nói một lời, nhìn Cha xứ mà thương, vì mặt Cha xanh xao không còn giọt máu. Về đến nhà chúng tôi hỏi thăm, Cha có sao không? Ngài tủm tỉm cười và nói,
- Truyền giáo là thế đó. Lần trước các dì đo chưa hết đường, thì lần này tôi đo tiếp.
Vâng, sứ vụ Truyền giáo thật cao cả, có khi phải đổ mồ hôi, thấm cả máu đào, nhưng một điều không thể thiếu, đó là lòng nhiệt thành truyền giáo, phải được phát xuất từ sự thánh thiện thật sự của một đời sống, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, và nhất là lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Qua đây, tôi càng hiểu hơn lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium,
“Vào thời chúng ta, lệnh truyền của Chúa Giêsu: Anh em hãy đi thu thập môn đệ,” vẫn là lời mời gọi cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, trong khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới. Tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “ra đi” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài, là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình, để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng (EG, số 20).
Thu Hằng
COMMENTS