Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Bảy tuần XVI Mùa Thường Niên (27/7/2024)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Bảy tuần XVI Mùa Thường Niên (27/7/2024)
Bài suy niệm: Tu viện Đa Minh Rosa Lima
Giọng đọc: Nữ tu Maria Hồ Thị Phương Anh, Hội dòng n ữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Lúa với Cỏ lùng
Sáng tác: Lm. Thái Nguyên
Trình bày: Kim Khánh
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Mt 13:24-30
Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm:
Liệu “cỏ lùng” có thể trở thành “lúa” tốt?
Với cái nhìn tự nhiên của con người, sẽ là nực cười nếu ai đó nói rằng cỏ lùng trở thành cây lúa. Một cây cỏ lùng, dù phát triển lớn mạnh bao nhiêu, thì nó vẫn là cỏ lùng. Nó có nhiều điểm trừ khiến ta khó lòng ưa thích. Trái lại, một cây lúa, dù nhỏ bé, thì vẫn là lúa. Nó sở hữu nhiều điểm ưu, làm ta yêu mến, nâng niu chăm sóc, và hy vọng về một vụ mùa bội thu. Vậy nên, cỏ lùng là cỏ lùng, cây lúa là cây lúa!
Thế nhưng, dưới lăng kính Đức Tin, một cái nhìn mới mẻ đầy tràn hy vọng sẽ được mở ra. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dùng hình ảnh cỏ lùng và cây lúa, để nói với dân chúng về Nước Trời. Điều lạ lùng của dụ ngôn đến từ lối hành xử của người gieo giống. Ông không vội vàng sai đầy tớ đi gom cỏ lùng; nhưng kiên nhẫn chờ đợi, để cho cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Giả như “cỏ lùng” ám chỉ những ai đang sống trong tình trạng tội lỗi, còn “cây lúa” diễn tả người tốt lành thánh thiện, thì dụ ngôn cỏ lùng cho ta thấy sự kiên nhẫn chờ đợi và lòng thương xót vô bờ của Chúa. Một đàng, Thiên Chúa bảo vệ “cây lúa” – tức là những người tốt lành, để họ lớn lên, trổ sinh hoa trái, đàng khác, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với mọi tội nhân. Ngài là Đấng mà: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12:20). Thiên Chúa hy vọng vào sự thay đổi của tội nhân. Chính vì thế, Ngài cho ta thêm thời gian, thêm cơ hội, để ăn năn sám hối trở về với Ngài. Hiểu như vậy, mỗi người cần có những việc làm cụ thể, để bày tỏ sự ăn năn sám hối và thay đổi đời sống. Như thế, nhờ ơn Chúa giúp, “cỏ lùng” có thể trở thành “lúa” tốt!
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương, kiên nhẫn và tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết cư xử như Chúa với hết mọi người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày. Cách cụ thể, xin Chúa giúp chúng con luôn biết sẵn sàng dành thời gian, kiên nhẫn lắng nghe, yêu thương thấu hiểu, và tôn trọng tất cả anh chị em đồng loại. Amen.
COMMENTS