Sức mạnh của sự nâng đỡ trong đời sống cộng đoàn
Sức mạnh của sự nâng đỡ trong đời sống cộng đoàn
Chương II của Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn có chủ đề: Cộng đoàn tu trì là nơi mọi người trở thành anh chị em.
Nếu nhìn cộng đoàn dưới khía cạnh “hiệp thông”, thì những yếu tố xây dựng cộng đoàn là: linh đạo và cầu nguyện chung; tình yêu, các nhân đức, sự từ bỏ mình; gặp gỡ chia sẻ. Đặc biệt, chính đây là nơi cho từng cá nhân cảm nhận sự nâng đỡ, chia sẻ, bảo vệ ơn gọi dâng hiến và dấn thân phục Nước Trời. “Trong một cộng đoàn huynh đệ chân chính, mỗi phần tử đều phải có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành của những người khác. Mỗi người đóng góp cho bầu khí thanh bình của đời sống chia sẻ, của sự hiểu biết và sự trợ giúp hỗ tương, mỗi người lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn hay những lúc thiếu sự động viên nơi những người khác; mỗi người sẵn sàng nâng đỡ những ai bị buồn sầu vì những khó khăn và thử thách.” (Huấn thị số 57)
Một cá nhân có cảm nhận được sự nâng đỡ trong cộng đoàn hay không, là một trong những điều tiên báo về sự bền đỗ trong ơn gọi tu trì. Nguyên nhân làm cho tu sĩ hồi tục đó là,
- Cảm giác cô đơn, bị xa lánh và không được trân trọng.
- Do một hoàn cảnh hay sự kiện nào đó, đẩy họ vào một sự khủng hoảng trong việc tuân giữ ba lời khấn hay trong đời sống cộng đoàn.
- Cũng có thể do làm việc quá sức và không được nâng đỡ, trong những năm đầu thực hành sứ vụ.
Chúng ta không nên ngạc nhiên về tầm quan trọng của sự nâng đỡ trong đời sống cộng đoàn đối với sự bền đỗ trong ơn gọi. Nguyên nhân chính thu hút các bạn trẻ về đời sống thánh hiến, đó là được sống chung trong cộng đoàn. Vì họ thấy đây là cơ hội được làm việc chung, cầu nguyện chung, ăn uống chung. Điều này còn tuyệt vời hơn nữa đối với những cộng đoàn có nhiều thành viên.
Trong cuộc sống chúng ta hiện nay cũng vậy, tình tương thân tương ái vẫn rất cần thiết hơn bao giờ hết và vẫn luôn được đề cao. Giáo Hội không ngừng kêu gọi mỗi người thể hiện tình tương thân tương ái với những người chung quanh, vì nhiều người vẫn đang cần chúng ta đưa họ đến với Chúa. Bởi vì, những căn bệnh bại liệt về tâm hồn như: khô khan, nguội lạnh, chán chường, cô đơn, bất mãn, tội lỗi, rất cần tình tương thân tương ái để giúp họ đến với Chúa Giêsu xin Người chữa lành. Ngược lại, nhiều lúc chính mỗi người chúng ta cũng rất cần sự nâng đỡ nào đó, khi bị bại liệt tâm hồn, khi muốn tách rời khỏi cộng đoàn, khi thấy mình không muốn liên đới với những thành viên khác trong cộng đoàn, khi cố chấp không chịu lắng nghe, khi sống giả dối, khi chúng ta muốn sống xa Chúa, xa cộng đoàn. Hoặc cũng có khi chúng ta vì không muốn đến gần Chúa, mà vô tình chắn ngang cửa không để những anh chị em khác đến gần Người. Đó là khi chúng ta tự kiêu coi mình hơn người khác.
Thực tế thì đã là con người ai cũng muốn yêu và được yêu, nhưng lại hay ngại ngùng khi bày tỏ cử chỉ yêu thương. Do đó, chúng ta dễ co cụm trước tình yêu và không dám mở ra cho tình yêu. Như Đức Kitô, Chúa chúng ta là Đấng xót thương, Người đã cúi xuống mang thân phận yếu đuối của loài người để chữa lành những cõi lòng tan nát, để vực dậy những tâm hồn đang mất niềm cậy trông. Chúng ta cần noi gương Người mà ra khỏi chính mình, để trao gửi yêu thương đến chị em mình. Nên bắt đầu từ những người gần gũi chúng ta nhất, đó là những người ta đang sống cùng và sống với. Đó là những người mẹ, người chị, người em bên cạnh mà Chúa gửi trao cho chúng ta.
Khi đã cảm nhận được tình thương gia đình, tình cộng đoàn, thì chúng ta thấy mình thật dễ dàng dấn thân phục vụ cách vô vị lợi. Theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi: “Chính khi chúng ta đánh mất chính mình trong việc phục vụ người khác lại chính là lúc chúng ta tìm thấy trọn vẹn bản thân mình”. Bởi thế, trái tim sẽ không ngủ yên trước những nỗi lòng còn quặn đau nơi từng hoàn cảnh của chị em, lý trí sẽ giúp mỗi người biết thao thức và biết phải làm gì trong từng trường hợp! Khi trái tim rung động thì đồng nghĩa với khối óc sẽ suy nghĩ, đôi tay sẽ mở ra, đôi chân sẽ bước đi và tình yêu mến sẽ nảy sinh sáng kiến dẫn đến hành động thiết thực; đồng thời thắng vượt được mọi trở ngại để trao ban niềm vui cho người khác. Đó chính là kết quả của sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống cộng đoàn!
Cũng chính bởi sự thu hút của sự nâng đỡ, chia sẻ, yêu thương, gắn bó, mà nhiều bạn trẻ muốn dấn thân trong ơn gọi dâng hiến trong các cộng đoàn dòng tu. Tại đây mọi người cảm nếm sự ngọt ngào qua các sinh hoạt hằng ngày, được làm việc chung, cầu nguyện chung, ăn uống chung. Đây đích thực là mái ấm của Thiên Chúa, nơi tràn ngập tình yêu thương, tương thân tương ái của những con người có chung một lý tưởng, một tình yêu, một đích điểm là trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng họ yêu mến.
Thùy Trâm
COMMENTS