Cộng đoàn sống và thực hành Lời Chúa
"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Tv 119:105)
Cộng đoàn sống và thực hành Lời Chúa
Các bạn hãy nhìn lại mà xem, trong đời sống của Kitô hữu, bất cứ công việc gì, lãnh vực nào, nền tảng chi, cũng đều có Lời Chúa trích dẫn, như kim chỉ nam hướng đến điều hoàn thiện, tuyệt hảo, viên mãn, thì trong đời sống thánh hiến cũng thế. Lời Chúa là nguồn mạch nuôi dưỡng, đã len lỏi vào từng ngõ ngóc ngách trong mọi khía cạnh của đời sống của tu sĩ. Từ thánh lễ, các Giờ kinh Phụng vụ, giờ chầu Thánh Thể đến Lời Chúa được công bố, đã giúp mỗi thành viên trong cộng đoàn thấm sâu hơn vào tâm trí. Đồng thời, việc suy niệm Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn cũng tạo nên bầu khí hiệp thông huynh đệ, thấu hiểu và cảm thông, là mối dây thắt chặt tình huynh đệ cộng đoàn.
Để thực hiện chủ đề Năm Mục vụ 2024, “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”, với mô hình Hội thánh hiệp hành, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, đã nêu lên giá trị và định hướng của Tin Mừng trong sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Trong tiến trình ấy, Đức Tổng Giuse mời gọi Giáo phận Sài Gòn nói chung, cách riêng là mỗi cá nhân, đặc biệt hơn là mỗi tu sĩ chúng ta thực hiện điểm nhấn, đó là vực dậy tinh thần khao khát đọc, học hỏi, suy ngẫm, cầu nguyện và sống Lời Chúa. Mục đích là để khơi dậy một tinh thần mới, lòng khao khát Lời Chúa và sống Lời Chúa. Ắt hẳn chúng ta còn nhớ đến chủ đề trong sứ điệp truyền giáo 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô là, “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh,” như thế thì tu sĩ phải là những người có lòng khao khát Lời Chúa cách bùng cháy hơn, đôi chân bước nhanh hơn để gắn bó với Lời Chúa.
Quả không sai khi thực hiện chủ đề tham gia vào đời sống Giáo hội, không ai cho cái mà họ không có, mỗi tu sĩ phải “có” chút gì đó, thì mới “cho” được, theo tinh thần linh đạo của Dòng Đa Minh “Nói với Chúa [có], và nói về Chúa [cho].” Nói với Chúa đó là đi tìm cái “có”, có Chúa khi ta tham dự Thánh lễ, các Giờ Kinh Phụng vụ, giờ Chầu Thánh Thể, Lectio Divina, cầu nguyện chung riêng hằng ngày và chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn, những nơi con đã từng hiện diện, đều có những bảng viết câu Lời Chúa như ý lực sống trong ngày. Ngay cả trên trang Web của Hội Dòng chúng ta cũng có chuyên mục “Suy niệm Lời Chúa” được đăng trên nền tảng youtube, như nguồn cung cấp lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Đây cũng là cách thức hỗ trợ tinh thần những ai thiện chí khao khát tìm hiểu và học hỏi Lời Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ mạnh dạn và tự tin “Nói về Chúa”, qua sự chia sẻ, trao tặng cho hết thảy những ai chúng ta gặp gỡ.
Hơn ai hết, từ cá nhân mỗi tu sĩ, sau đó lan tỏa cho cả cộng đoàn. Muốn được như thế, mỗi tu sĩ phải là những người gắn bó khăng khít mật thiết với Lời Chúa. Làm sao để làm cho Lời Chúa thấm nhuần vào trong tiềm thức, trong tâm tư, tình cảm và trong suy nghĩ của chúng ta, để con người chúng ta phải thực sự là con người của Lời Chúa. Một khi được Lời Chúa thấm sâu, chúng ta biết phân định và suy nghĩ theo Lời Chúa, hành động và quyết định theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, bởi vì, nếu chúng ta không sống theo Lời Chúa thì đời tu của chúng ta sẽ rất hời hợt, và đời sống chỉ là tối thiểu mà thôi, chứ chưa phải là tối đa.
Rồi biết đâu bất ngờ, tai bay vạ gió ập tới, một chút thử thách trong đời sống, Bề trên phải đưa ra quyết định, còn tôi thì muốn theo ý riêng mình, lúc đó sẽ rất dễ dàng và sẵn sàng từ bỏ ơn gọi để ra đi theo sở thích, theo ý muốn của mình. Như vậy nghĩa là Lời Chúa chưa thấm nhuần vào trong con người, ví như tôi chỉ đi theo Chúa là khi ý Chúa còn phù hợp với ý tôi, còn khi mà tôi gặp hoàn cảnh không thích hợp với tôi, trái với ý muốn của tôi, thì lúc đó, liệu rằng, tôi còn có khả năng để sống theo Lời Chúa hay không? Bao lâu mọi sự còn vừa ý tôi thì Lời Chúa rất tuyệt vời, tốt rất tốt, hay rất hay và đẹp rất đẹp, tôi sống Lời Chúa vì Lời Chúa đang rất hợp với tôi, còn khi Lời Chúa không còn phù hợp với tôi nữa thì tôi sẽ rũ bỏ. Đặt trường hợp, nếu tôi làm theo Lời Chúa như thế, thì tôi sẽ phải hy sinh, vậy tôi có dám hy sinh đời tôi cho Lời Chúa hay không?
Vì Lời Chúa quá thách đố, cho nên, phải suy gẫm Lời Chúa và để cho Lời Chúa thấm thật thấm, sâu thật sâu trong lòng mình, để mình dám quyết định và chọn lựa theo thánh ý Chúa, chứ đừng chọn lựa theo ý riêng mình. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được tăng cường và bồi bổ, dưỡng sức cho đời sống nội tâm.
Thánh Alberto Cả nói, chúng ta cần phải “thường xuyên được nuôi dưỡng bằng sự ngọt ngào của Lời Chúa, Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta”, trong những người anh chị em nhỏ bé nhất, đặc biệt là trong cộng đoàn, trong Hội Dòng chúng ta.
Cộng đoàn phải được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, sống với nhau trong tinh thần “Tám Mối Phúc Thật”, trong tình yêu thương huynh đệ của Tin Mừng, bác ái huynh đệ là biểu hiện tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta được biến đổi nhờ dìm mình trong Lời Chúa. Lời Thiên Chúa hoạt động trong ta, nuôi dưỡng chúng ta, làm cho chúng ta trở nên sống động, trở nên người, đưa chúng ta vào cuộc đời, hình thành trong ta tình bằng hữu là chính sự sống của Thiên Chúa.
Một cộng đoàn trao ban sự sống sẽ là một cộng đoàn, trong đó chúng ta trân trọng và chia sẻ Lời Chúa. Chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày như lương thực nuôi dưỡng tinh thần, cải thiện đời sống, bồi bổ nhiệt tâm tông đồ.
Nguyễn Kiều Diễm
COMMENTS