Cộng Đoàn: Nơi từ bỏ “Cái Tôi” để lấy “Chúng Ta”
Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (Mt 12:46-50)
Cộng Đoàn: Nơi từ bỏ “Cái Tôi” để lấy “Chúng Ta”
Cộng đoàn là nơi tôi thuộc về, nơi đó chính là ngôi nhà thứ hai của tôi. Ngôi nhà ấy hội tụ rất nhiều người, thường có ít người cùng huyết thống, nhưng đều được gọi là chị em. Họ sống chết có nhau, niềm vui, nỗi buồn của chị cũng là của em. Họ chính là mẹ tôi là anh chị em của tôi, vì họ và tôi đang thi hành ý Chúa. Để có được một cộng đoàn sống chung với nhau trong tình tương thân tương ái như anh chị em một nhà, là bởi mỗi người bỏ cái tôi lấy cái chúng ta.
Tôi xin được kể lại một kỷ niệm đáng nhớ của chị em khối Đào tạo tại cộng đoàn. Tiền Vĩnh thệ và Học viện, tuy phân chia thành hai khu vực, nhưng vẫn là một. Có lẽ vì chị em chúng tôi ăn chung bàn, sinh hoạt chung, chỉ là không học chung với nhau, chính vì thế mà tình cảm chị em đã thắm thiết, giờ lại thêm mặn mà hơn.
Nếu nói đến chuyện của chị em chúng tôi thì có rất nhiều chuyện vui, cả những chuyện dở khóc dở cười nữa. Mỗi lần ăn lẩu, tôi lại nhớ tới nồi lẩu dê tối hôm xưa ấy. Vào một ngày nọ, có vị ân nhân đến cộng đoàn mừng lễ quý dì, món quà họ đem theo là thịt dê nhà nuôi. Lòng tốt của họ làm chúng tôi thêm vui trong dịp lễ, nhưng cũng tăng thêm sự vất vả cho chị em, vì là cộng đoàn truyền giáo, nên càng ngày lễ thì lại càng bận rộn. Phiên bếp chiều hôm đó do một chị Học viện phụ trách, thế nhưng, cả 7 chị em chưa từng nấu món thịt dê. Vì thế, chị em mong chờ các dì về chỉ cách sơ chế và nấu món ăn thịt dê này.
Chờ mãi chờ mãi mỏi cả mắt mà chẳng có dì nào về, chỉ có mấy chị em với nhau. Rồi cũng đến lúc cơ chế của bản năng sinh tồn trỗi dậy, làm cho nhà bếp bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Không phải 1 chị làm bếp như mọi ngày, mà giờ tới 7 chị em đều làm bếp. Công tác được chia như sau:
- Một chị mở máy tính, tìm xem cách sơ chế thịt dê, cách nấu món lẩu dê, dê hấp, dê xào lăn, cách chế biến củ sen, khoai môn…..nói chung là chỉ ngồi tìm theo yêu cầu chị em.
- Hai chị lọc thịt dê
- Hai chị rửa thịt rồi sơ chế
- Các chị còn lại nhặt rau
Có một người rất... rất quan trọng, đã xuất hiện đúng lúc là dì quản lý. Dì thật là dễ thương. Chiều hôm đó, dì đi chợ không đếm nổi số lần, vì chúng tôi tìm trên mạng hễ thấy có nguyên liệu nào cần thì dì đi mua. Mà trên Google thì mọi người ai cũng biết, vô vàn công thức nấu ăn, nên dì cứ chạy đi chạy lại như con thoi, từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, được cái dì dễ thương lắm, khi chúng tôi cần là có ngay.
Đến giờ cơm các dì đi sứ vụ đã về, ai nấy đều trầm trồ khi nhìn những món ăn được bày trên bàn đẹp mắt, tưởng chừng như đặt ở nhà hàng vậy. Điều kỳ diệu là món ăn hôm đó gồm lẩu dê, dê hấp, dê xào lăn, mọi người ai ăn ai cũng thấy vừa miệng và khen ngon. Chắc hẳn ai cũng biết, món ăn từ thịt dê không dễ nấu như thịt heo, vì thịt dê có mùi đặc trưng của nó. Thế nhưng thật kỳ diệu, đây là lần đầu tiên chúng tôi nấu, chỉ qua những công thức trên mạng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất làm nên bữa ăn hôm đó, là sự hiệp trợ của chị em Học viện và Tiền Vĩnh Thệ. Bởi nếu chỉ có một chị làm bếp, hay chúng tôi không đồng tâm nhất trí với nhau, mỗi người nấu một kiểu, thì chắc chắn những món ăn hôm đó, không biết sẽ là món gì nữa.
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới câu Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô, “Anh chị em thân mến, dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa (1 Cr 10:31). Quả thực khi chúng ta làm vì vinh danh Chúa, vì lòng mến với nhau, thì mọi sự trở nên tốt đẹp, tốt đẹp đến lạ thường.
Câu chuyện trên đã cho tôi có một cảm nghiệm về cộng đoàn, đó là nơi mọi người cùng bỏ “cái tôi” để chọn lấy “cái chúng ta.” Nếu nhìn góc độ của con người, thì 6 chị còn lại không phải phiên bếp, có thể đi làm việc cá nhân, nhưng vì lợi ích chung, vì tình chị em, các chị đã bỏ đi những dự tính của mình để làm việc chung. Trong vấn đề nấu ăn, thường mỗi người có một cách nấu khác nhau, chính vì thế mà rất dễ xung đột, nếu mỗi người cứ giữ lấy quan điểm riêng của mình, giữ cái tôi của mình, thì chẳng có nồi lẩu dê nào được bày lên, để mọi người thưởng thức, trong vị ngon ngọt của thịt, lại vừa đậm đà tình chị em. Lúc đầu mọi người cũng nói ý kiến của mình, nhưng sau cùng chị em đã lắng nghe ý kiến nào hợp lý nhất, cho dù chị đó ít tuổi hơn. Lúc đó chẳng ai tìm kiếm tiếng khen cho riêng Tiền Vĩnh Thệ hay Học viện, nhưng là cho tất cả mọi người. Đời sống cộng đoàn trở nên “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay chị em được sống sum vầy bên nhau.” (Tv 133:1)
Sau sự kiện ngày hôm đó, tôi có cái nhìn mới về đời sống cộng đoàn. Để sống chung, sống với chị em, tôi cần thay đổi lối nhìn và cách sống của mình. Nhờ đó, tôi có thể hòa nhịp và thích nghi với môi trường sống, với chị em, thay vì thay đổi người khác.
Chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau, đời tu dễ ăn, dễ ở cho người khác dễ thở. Nói như vậy vì ai cũng có quan điểm và lập trường riêng, nhưng khi chúng ta tìm cái chung trong cái riêng, thì đời sống cộng đoàn trở nên dễ dàng và nơi ấy trở nên như nhà của mình. Ai đi đâu ai cũng mong về NHÀ, vì nơi đây có những người mình thương yêu và họ cũng thương yêu mình. Nhà là nơi tôi thực sự là tôi, nơi tôi thuộc về. Cộng đoàn tu sĩ là nơi diễn ra cuộc vượt qua hằng ngày, và kiên trì từ cái “tôi” đến “chúng ta”, từ công tác của tôi đến công tác được ủy thác cho cộng đoàn, từ việc tìm kiếm “nhưng điều thuộc về tôi” đến việc tìm kiếm những điều thuộc về Đức Kitô. (số 39 Huấn thị đời sống huynh đệ trong cộng đoàn)
Tiền Vĩnh Thệ Gioan Phaolô II
COMMENTS