Đồng phục của môn đệ Thầy Giêsu | Lòng bác ái yêu thương
Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau. ( Ga 15:35)Đồng phục của môn đệ Thầy Giêsu | Lòng bác ái yêu thương
Bất cứ tổ chức nào trong xã hội, từ cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học đến các công sở họ đều có đồng phục riêng. Người làm thầy thuốc mặc áo blouse trắng, giáo viên nữ mặc áo dài truyền thống, học sinh mặc áo sơ mi trắng, công nhân mặc áo xanh vv.. Chưa kể đồng phục để phân biệt trường này với trường khác, công ty này với xí nghiệp kia. Đức Giêsu cũng có một đồng phục riêng cho môn đệ của mình đó là lòng yêu thương nhau. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13,35) Trong suốt ba năm đi giảng đạo và có thể nói, toàn bộ đạo lý của Ngài chỉ tóm gọn trong một chữ “YÊU”. Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. ( Mt 22,37-40) Người ta có thể dễ dàng nhận ra một người là bác sĩ, giáo viên hay kỹ sư ngành nghề nào đó, khi nhìn vào trang phục người ấy mặc lúc họ đang làm việc. Chúa Giêsu cũng muốn có một dấu chỉ, để người ta nhận biết một người nào đó là môn đệ của Ngài, đó chính là lòng bác ái yêu thương. Đây cũng chính là con đường rao giảng Tin Mừng hiệu quả nhất.
Truyền giảng Tin Mừng là gì nếu không phải là kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu cho người mà mình muốn rao truyền? Chúng ta có đời sống chứng tá, tức là sống yêu thương nhau trong một tập thể, một cộng đoàn, một gia đình. thì có sức thuyết phục hơn là kể bằng việc thuyết giảng. Kinh thánh đã chứng minh điều này. Thời Giáo Hội sơ khai, khi mà mọi người đều đồng tâm nhất trí không ai coi bất cứ cái gì là của riêng. Họ coi mọi sự là của chung. Kết quả là càng ngày càng có thêm đông những người theo Chúa và Giáo Hội ( Cv, 3, 44; 47).
Đức thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI đã từng nói về điều này: “Ngày nay người ta thích nghe chứng nhân hơn là thầy dạy. Sở dĩ người ta nghe thầy dạy vì thầy dạy đã là một chứng nhân”. Thật vậy, lời nói thì lung lay nhưng gương bày thì lôi kéo.
Truyện kể rằng, có một Linh mục được bổ nhiệm đến chăm lo cho giáo dân vùng dân tộc thiểu số. Ở đây người theo đạo rất ít, đa số là lương dân. Ngoài việc thi hành mục vụ, ngài dành nhiều thời gian để giúp đỡ người nghèo, cả vật chất lẫn tạo công việc. Sau một thời gian dấn thân vì những người nghèo, vị Linh mục ấy mới hỏi một số người lương dân: có muốn theo đạo của Đức Giêsu không? Họ trả lời: “ Vậy Ông Giêsu đó giống như ai để tôi theo? Vị Linh mục trầm ngâm suy nghĩ không biết trả lời cho họ như thế nào, ngài đánh liều trả lời: “Ông Giêsu đó giống tôi đây nè”. Những người lương dân này đáp, “Vậy thì chúng tôi theo. Chúng tôi chưa biết ông Giêsu đó như thế nào, nhưng nếu ông ấy thương người nghèo, làm nhiều việc tốt giúp người nghèo như ông, thì chúng tôi sẽ theo.”
Trong thực tế, để thực hiện được lời dạy của Chúa Giêsu không dễ tí nào, nếu không muốn nói là rất khó. Theo tâm lý bình thường, người ta rất dễ dàng yêu thương người thân của mình, yêu những người bạn tốt, những người hợp với mình, những người đồng quan điểm với mình. Nhưng trong một tập thể, một cộng đoàn không phải ai cũng dễ thương, dễ mến. Trái lại vẫn còn đó những người rất khó chịu, những người luôn làm cho mình buồn bực. thậm chí là làm mình bị tổn thương. Đấy là chưa kể có những người muốn làm hại mình. Những người này làm sao ta có thể thương họ như Đức Giêsu dạy đây? Trở lại với câu chuyện của các tín hữu thời Giáo hội sơ khai và của vị Linh mục trẻ trên đây, ta sẽ tìm được câu trả lời.
Điều gì đã khiến các tín hữu trong Giáo hội sơ khai và vị Linh mục trẻ này có thể thực hiện lời dạy yêu thương của Đức Giêsu? Chắc chắn trong cuộc sống chung, họ cũng phải đối diện với nhiều phức tạp, nhiều sự khác biệt của đời sống cộng đoàn. Trong cộng đoàn của họ, cũng có những người hợp hay rất khó ưa. Có những người dễ thương mà cũng có những người thương chẳng dễ chút nào. Tuy nhiên họ đã vượt qua được rào cản đó mà sống hiệp thông, sống yêu thương. Sở dĩ họ làm được như vậy là vì họ đã kín múc được sức mạnh, tình yêu đó từ chính Chúa trong đời sống cầu nguyện. Cụ thể trong Lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại, họ yêu thương nhau, họ chia sẻ với nhau của cải cũng như tinh thần, họ sống với nhau như người một nhà. “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.” ( Cv 3, 42) Lễ bẻ bánh mà các tín hữu sơ khởi cử hành chính là Thánh Lễ ngày nay. Vị Linh mục trẻ trên đây sống được như Chúa dạy hẳn ngài đã gắn bó mật thiết với Chúa trong Hy tế Thánh Thể hàng ngày, trong những giờ chìm sâu trong cầu nguyện với Chúa Giêsu. Chính sức mạnh của tình yêu, mà các tín hữu thời Giáo hội sơ khai, cũng như vị Linh mục lãnh nhận từ Chúa, đã giúp họ lan tỏa tình yêu thương của Chúa cho anh chị em của mình.
Người ta chỉ có thể cho những gì mình có. Muốn yêu thương người khác, nhất là yêu thương như Chúa Giêsu dạy, thì không còn cách nào khác, là chính người Kitô phải là người có đầy tình yêu của Chúa, phải là người yêu Chúa trên hết mọi sự. Muốn yêu Chúa thì phải gắn bó với Chúa, ở với Chúa trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng Gioan chương 15: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” ( Ga 15,5) Khi đã được tình yêu của Đức Giêsu đổ đầy, người môn đệ của Chúa sẽ tìm mọi cách để trao ban, để làm lan tỏa tình yêu ấy đến người xung quanh. Kinh nghiệm cho thấy, khi thương ai, khi quan tâm đến ai, người ta sẽ tìm mọi cách để làm cho người mình thương mến được vui, thậm chí được mọi người biết đến.
Là người môn đệ của Chúa Kitô, chắc hẳn ai cũng thuộc nằm lòng lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Vậy anh em hãy đi và làm muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19) Rao giảng Tin Mừng không chỉ là trách nhiệm của các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, nhưng là bổn phận của hết thảy mọi Kitô hữu. Không phải chỉ là cộng tác như quan niệm trước đây, mà tất cả mọi tín hữu đều phải đồng trách nhiệm với nhau trong công cuộc quan trọng này. Muốn cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu và tin vào Ngài, thiết tưởng không có cách thức nào hiệu quả cho bằng ta hãy mặc lấy đồng phục mà chính Chúa đã truyền: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau” ( Ga 15,35) Chính khi ta khoác lên người đồng phục “ yêu thương” nhau này cũng chính là lúc ta cũng họa lại dung mạo của một Thiên Chúa làm người vì yêu con người và Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình để cứu độ con người.
Hải Đường
COMMENTS