Lòng trắc ẩn
Lòng trắc ẩn
Nhạc phẩm “Nỗi Buồn Hoa Phương” của Nhạc sĩ Phan Thanh Sơn. không chỉ riêng các ca sĩ biết đến, mà trong giới tu sĩ chúng ta, nếu ai đó thích dòng nhạc trữ tình, thì không thể không biết đến ca khúc nổi tiếng này. Sau những nhạc phẩm Tà áo trắng, Hạ buồn, thì ca khúc Nỗi buồn hoa Phượng là bài hát nổi tiếng nhất, làm nên tên tuổi của Nhạc Sĩ Phan Thanh Sơn ở thập niên 1963. Ca khúc này được rất nhiều người chế thành nhiều lời khác nhau rất hay và ý nghĩa, khi mỗi lần có sự kiện hót nào đó xảy ra trong cuộc sống đời thường.
Cứ mỗi dịp tĩnh tâm năm của Hội dòng, cũng là thời điểm bắt đầu công bố sứ vụ mới, nên chị em đã mượn ca khúc này chế ra những câu từ rất hay, làm cho mỗi người không khỏi bật cười, nhưng đâu đó cũng để lại sự lo âu suy nghĩ, sau những tiếng cười giòn gĩa vô tư ấy. Ca khúc được chế lại như sau:
1. Mỗi năm đến hè là em xếp đồ/ biết đi hay ở sẽ trả lời sau/ được tin thông báo em sẽ đi luôn/ mỗi người mỗi nơi mất rồi / Tạm biết tất cả chị em.
2. Mỗi năm đến hè là em lãnh nhận/ văn thư bổ nhiệm Dì Tổng Quyền trao/ nhìn công văn viết nơi đến xa ghê / Cao Bằng, Cửa Nam, Xứ Lạng/ làm tim em thổn thức vì lo..
Hàng năm, mỗi khi mùa sứ vụ về, chị em không tránh khỏi tâm trạng trăn trở và lo lắng, khi trên tay cầm văn thư bổ nhiệm đến một nơi xa lạ, dẫu biết rằng hội dòng là quê hương, là ngôi nhà thứ 2 của mình. Cũng chuyên môn ấy, cũng công việc ấy, có chăng bị đảo lộn đôi chút khi mới đến nhiệm sở, nhưng với ta sao quá mới mẻ. Có người lãnh nhận văn thư bổ nhiệm ra đi, nhưng không ít những chị em tay cầm bài sai nhưng vẫn ở lại nơi cũ, (bài sai hình như sai thật) với nhiều lý do khác nhau. Lại cũng có những chị em nhận sứ vụ chỗ này trên văn bản, nhưng lại đi một chỗ khác, vì nhu cầu công việc. Có những trường hợp chị em không đến được nơi như công văn bổ nhiệm. Có thể điều này không xảy ra với chị em trong suốt hành trình ơn gọi, nhưng nó lại từng xảy ra với tôi, với những chị em khác.
Có thể nói ai rơi vào hoàn cảnh này cũng cảm thấy tủi thân, buồn phiền và nhức nhối. Một nỗi đau khủng khiếp, vì chính điều đó đã làm cho tôi nhụt chí, chán nản không còn muốn bước tiếp. Dẫu biết rằng phận người ai cũng có một sự giới hạn, một chút bất toàn không mong muốn.
Thật vậy khi tạo nên con người, Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người có một trái tim, không chỉ để duy trì sự sống. mà còn làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là khi chúng ta có lòng trắc ẩn với nhau, cư xử tình người với nhau. Đó là khả năng thức tỉnh sự đồng cảm, thấu hiểu giữa người với người, yêu thương, trân trọng và đón nhận nhau trong từng hoàn cảnh. Lòng trắc ẩn còn là sức mạnh kỳ diệu, có khả năng cứu sống cả một đời người.
Trong câu chuyện 'Những người khốn khổ' của V. Hugo, chính sự tha thứ, đón nhận của giám mục Mi-ri-en đã khiến Giăng-van-giăng chọn con đường hòan lương. Albert Schweitzer từng nói: 'Lòng trắc ẩn là nguồn gốc của mọi đạo đức'. Nhờ có lòng trắc ẩn, thế giới trở nên đẹp hơn, văn minh hơn, đầy nhân ái hơn. Nó mang lại niềm tin cho cuộc sống và niềm tin vào con người. Ngược lại, nếu mất lòng trắc ẩn, cộng đoàn, giáo hội và xã hội, sẽ chỉ là một hành tinh lạnh lẽo, nơi con người tương tác với nhau bằng sự vô tâm, vô cảm và tàn bạo. Vì vậy, chúng ta hãy luôn yêu thương, chăm sóc và dung thứ cho nhau. Hãy tạo cho nhau con đường sống, để cùng chung chia hành trình dâng hiến và sứ vụ. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn không đồng nghĩa với việc bao che những hành động xấu xa, đen tối. Chúng ta cần giữ cho trái tim mình rung nhịp thương cảm, nhưng cũng phải dũng cảm đối mặt với những thách đố.
Chính Chúa Giêsu cũng thể hiện lòng trắc ẩn đối với dân chúng, trong suốt ba năm thi hành sứ vụ của Ngài. Rất nhiều sự kiện được các tin Mừng thuật lại.
- Ngài làm cho Lazaro sống lại sau khi chôn trong mồ đã ba ngày.
- Ngài cho con trai của một bà góa thành Nain sống lại
- Ngài tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình
- Ngài chữa lành cho nhiều người phong cùi, bại liệt.
Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chữa lành bệnh thể lý, mà còn chữa lành cả tâm hồn con người. Ngài rất tâm lý, dịu dàng và sâu sắc, chính điều này thôi thúc Chúa Giê-su chủ động giúp người khác. Chẳng hạn, khi một đoàn dân đông rong ruổi theo Ngài suốt ba ngày, họ không đem theo gì để ăn. Chúa không đợi ai phải nhắc, “Chúa gọi môn đệ đến và nói: ‘Ta thấy đoàn dân này thật đáng thương vì họ đã ở với chúng ta ba ngày rồi mà không có gì ăn. Ta không muốn để họ bụng đói đi về, e rằng họ sẽ ngất xỉu dọc đường.” Rồi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng ăn no nê, mà còn dư ê hề.
Thiết tưởng mỗi chúng ta đã hơn một lần trong cuộc đời, thể hiện lòng trắc ẩn này qua những việc làm cụ thể. Không ai nghèo đến nỗi, không có gì cho ai bao giờ. Khi nói đến lòng trắc ẩn, chúng ta nghỉ đến việc giúp đỡ người nghèo hay một ai đó ngoài xã hội? Thưa không hẳn như thế. Cuộc sống quanh ta đang rất cần ta thể hiện điều đó, nhất là những chị em đang sống chung, sống cùng với ta, sống chết với nhau trong một lý tưởng. Điều đó cần và rất cần lắm, đối với mỗi chị em chúng ta trong hành trình ơn gọi
Lòng trắc ẩn được thể hiện qua việc làm cụ thể, đó là sự đón nhận chị em khi họ được bổ nhiệm đến cộng đoàn mình. Hãy chia sẻ, nâng đỡ yêu thương và không loại trừ họ, không buông những lời nói thiếu bác ái với chị em mới đến, cho dù vì lý do nào đi nữa.
Khi còn ở giai đoạn huấn luyện, tôi thường được nghe những lời nhắn nhủ: Các em đừng khó quá, phải lo tập nhân đức, chứ đừng như Dì A, C, D…sống lâu năm trong đời tu rồi, mà cộng đoàn nào cũng ngại nhận. Tôi thầm nghĩ, sao nhà tu mà giống như ngoài đời vậy, cũng kén chọn. Cuộc sống nay người mai ta, nên hãy cư xử khoan dung với mọi người. Tôi rất thích câu ngạn ngữ Pháp: “Khi bạn đi lên xin bạn hãy đưa mắt nhìn kẻ đi xuống, để rồi khi bạn đi xuống cũng sẽ có người đón nhận bạn.” Do đó, khi sống chung với nhau, ta cần thể hiện lòng trắc ẩn, vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi tính, không ai giống ai. Khi ta giang rộng tay đón người khác, thì ta cũng sẽ nhận lại vòng tay ấm áp đó trong tương lai. Chính Chúa cũng đã nói, chúng ta đong đấu nào, thì ta cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy.
Bạn thân mến, hãy vượt qua rào cản của những hành vi tiêu cực, dán mác cho nhau. Hãy rèn giũa tâm hồn bằng lòng trắc ẩn, được tỏa sáng và mang lại những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cho chính chúng ta và những người cùng chung một lý tưởng, một linh đạo, một tổ phụ, cùng sống chết với nhau.
Tôi ước mong, chúng ta cùng chung tay xây dựng và gieo mầm “Lòng trắc ẩn” nơi cộng đoàn đang sống, cũng như trong toàn Hội Dòng. Từ đó cuộc sống trở nên ý nghĩa và đong đầy tình yêu thương, để đời tu chính là nơi “ân huệ chứa chan, chính là cuộc sống Chúa ban muôn đời.”
Đalattim
COMMENTS