RIP. Cha Giuse Đặng Chí San OP. | Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống
RIP. Cha Giuse Đặng Chí San OP.
Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống
Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống, nhưng hôm nay bóng dáng Cha đã khuất xa rồi, Đặng Không Sơn chìm giữa biển đời, có dòng lệ thắm xuống hồn con ...
Những ngày tháng gần đây, những người thân quen đều hay biết Cha Giuse Đặng Chí San dòng Đaminh ngã bệnh. Căn bệnh càng ngày càng làm cho Cha sức tàn lực yếu.
Nếu nói về Đặng Không Sơn – Lm. Giuse Đặng Chí San e rằng không đủ giấy bút để viết về con người “kỳ lạ” này.
Dù rằng là một linh mục Công Giáo hẳn hoi nhưng lối sống của Cha nó cứ âm hưởng lối sống trầm trầm lắng lắng của Phật Giáo. Chắc có lẽ những ai thân quen đều biết rằng có những ngày tháng Cha Cố Giuse lên núi để như là ẩn tu. Nơi này, Cha chìm ngập lòng mình với đất với trời, với thiên nhiên và đặc biệt là Chúa. Lòng của Cha phơi phới, tâm hồn của Cha trào dâng một sức sống mãnh liệt nhưng trầm lắng. Dù sống trong Tu Viện, nhưng cha vẫn khao khát một đời sống lặng như cái am nhỏ ở trên núi để nơi đó Cha kết hợp mật thiết với “anh bạn” Giêsu của Cha.
Một ngày đẹp trời, Cha gọi bỉ nhân qua tu viện của dòng Đaminh ở đường Nguyễn Thái Sơn – Gò Vấp.
Ngạc nhiên nhưng vì là tình thầy trò nên “bần tăng” thu xếp để qua gặp Sư Phụ của mình.
Bên chén trà, “thiền sư” Đặng Không Sơn đã bộc bạch như cả đời của “thiền sư”. Bỉ nhân vẫn hay nhắn tin qua lại với Cha Cố rằng ngài là “sư tổ”. Và ở góc cạnh nào đó, Cha Cố Giuse là bậc thầy của bỉ nhân nên gọi là “sư tổ” cũng chẳng sai.
Vài giờ đồng hồ, Cha Cố tâm sự, chia sẻ cũng như là xin nhận được phép giải tội từ đứa học trò ngỗ nghịch của Cha.
Bần tăng nghe không sót một lời từ Sư Tổ. Sư Tổ chia sẻ cái cảm nghiệm sống tròn đầy cái phận người và kiếp người của mình.
Lần giải tội cho Sư Tổ cũng là lần sau chót mà “bần tăng” gặp Sư Phụ.
Sau lần đó, đệ vẫn gặp Thầy qua trang facebook cũng như đặc biệt là tin nhắn. Lần nào cũng như lần nấy, Sư Phụ cứ nhắn với thằng đệ là cầu nguyện cho Sư Phụ. Làm sao có thể quên ơn, quên những lời dạy của Sư Phụ được. Thụ huấn từ tâm tình, chất sống của Sư Phụ nên đệ tử cũng có chút gì đó gọi là hơi hám của lối sống trầm lặng.
Có lẽ ai nào đó được thụ huấn Thầy Đặng Không Sơn sẽ không quên được những dòng lệ, những trải lòng tự đáy lòng của môn sinh của Thầy Giêsu. Tình yêu nơi Thầy Giêsu của Đặng Không Sơn nó dạt dào lắm, nó dâng trào lắm, nó vô biên lắm. Cứ mỗi lần nhắc đến Thầy Giêsu thì Đặng Không Sơn như người “nhập hồn” vậy.
Một bài học mà đến bây giờ “bần tăng” còn nhớ mãi nhất là lúc dâng Thánh Lễ. Sư phụ dạy như thế này : “Mình nói thật với anh em nhé ! Mỗi lần mình dâng Lễ, nhất là mỗi lần mình truyền phép thì Thầy Giêsu rần rần trong con người của mình. Thiêng lắm ! Thánh lắm ! Chính vì thế, mình nói với anh em thế này. Làm gì thì làm, anh em có thể cẩu thả qua loa được nhưng khi dâng Lễ, nhất là lúc truyền phép, anh em làm cẩn thận nhé ! Nhớ đó ! Mình nói với anh em là anh em dâng Lễ đừng dâng cho xong nhé ...”
Lời dạy ấy, tâm tình ấy đi vào lòng của “bần tăng” từ dạo ấy và cho đến bây giờ. Cứ dâng Lễ là nhớ lời của Sư Phụ Đặng Không Sơn để rồi không dâng Lễ cho qua loa được nhất là giây phút truyền phép.
Có những lần lên lớp, đến lúc “xuất thần” là khóc và lấy chiếc dép để trên đầu và đi đi lại lại trên bục giảng.
Cùng lớp với Sư Phụ chắc có lẽ mọi người đều nhớ đó là triết gia Giuse Nguyễn Trọng Viễn. Không “bay bay” đến độ lấy chiếc dép để trên đầu nhưng triết gia Viễn thì có cái đặc sản đó là quần “ống loe”. “Bay bay” đến độ mặc cái quần mà cái ống quần nó rách ra mà cũng chả quan tâm gì cả (ngược lại với ông em cũng là linh mục nhưng thật chỉn chu : Cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn – Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn).
Cha San và Cha Viễn đã để lại những tâm tình sâu lắng cho thế hệ học trò. Có lẽ ai nào đó được thụ huấn từ các “cụ” này cũng sẽ không bao giờ quên cái trường phái tèng tèng và bình dị. Cứ cười hề hề như cụ Nguyễn Trọng Viễn hay có khi lại khóc với tất cả tâm tình như Đặng Không Sơn.
Quả thế ! Khi nghĩ về truyền phép, “bần tăng” thấy một mãnh lực nào đó ghê gớm, một huyền nhiệm không thể diễn tả được khi một con người cũng đầy yếu đuối và tội lỗi nhưng với lời truyền phép thì bánh rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chính Mình và Máu Thánh Chúa là của nuôi linh hồn cho người Kitô hữu để rồi ngang qua Bánh và Rượu ấy, con người được nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu. Dẫu mọn hèn yếu đuối nhưng với bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục đã làm cho bánh và rượu trở nên thần tính của Chúa Giêsu để rồi với bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu được dự phần thiên tính của Thiên Chúa.
Bài học sâu lắng của Sư Phụ Đặng Không Sơn đã đi vào cuộc đời của “bần tăng” để rồi ngày mỗi ngày “bần tăng” ý thức hơn về sứ vụ của mình, về con người của mình. Đôi khi giật mình và tự hỏi : Ủa ? Mình là linh mục à ? Và trở về với thực tại, thánh chức linh mục mời gọi “bần tăng” sống trọn vẹn thánh chức mà Chúa trao ban.
Hình ảnh, con người, lời ăn tiếng nói và tâm tình của Sư Phụ Đặng Không Sơn có lẽ đã đang và vẫn đi vào lòng người. Lối sống trầm lắng, bình dị nhưng da diết với Thầy Giêsu vẫn còn đó và có đó với con người của linh mục Giuse Đặng Chí San.
Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội, cho Dòng Đaminh, cho thân bằng quyến thuộc và những học trò và những người thân quen một “thiền sư” Đặng Không Sơn. Cứ sống nhẹ nhàng và than thản với núi với non và với đời chứ chả bận lòng điều gì cả.
Giờ đây khi bỏ lại cái Tu Viện, cái phòng chật hẹp, Đặng Không Sơn sẽ về với cội nguồn của mình là Thầy Giêsu. Hơn bao giờ hết, giờ đây Đặng Không Sơn sẽ được gần gụi cũng như kết hiệp mật thiết với Thầy Giêsu. Xin Đặng Không Sơn thương nhớ chuyển cầu với Chúa những ơn lành cần thiết cho Hội Dòng, cho gia đình, cho người thân quen, cho học trò trong đó có “bần tăng” vô dụng này.
Lm. Anmai, CSsR
COMMENTS