Thần học về thân xác phần một - III. Định nghĩa chủ quan về con người trong trình thuật tạo dựng thứ hai
III. Định nghĩa chủ quan về con người trong trình thuật tạo dựng thứ hai
(Ngày 19 tháng 9 năm 1979)
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II:
Thần học về thân xác phần một - Thuở ban đầu (Giáo lí về sách Sáng Thế) (TT)
WHĐ (28.01.2024) – Tác phẩm “Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh” là một Thần học về Thân xác của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài đã nói “con người trở thành ‘hình ảnh và họa ảnh’ của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu”. Một tiếp cận mới thuyết phục về vấn đề tính dục con người và đạo đức tính dục. Có người đã nói đức Gioan-Phaolô II là nhà cách mạng tính dục lảm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, đổi hướng qui nó về Nguồn và Cùng đích thật của nó.
******************
III. Định nghĩa chủ quan về con người trong trình thuật tạo dựng thứ hai
(Ngày 19 tháng 9 năm 1979)
1. Khi liên hệ đến những lời Đức Kitô nói về chủ đề hôn nhân, trong đó Người có nhắc đến “thuở ban đầu”, tuần trước chúng ta đã quan tâm đến trình thuật tạo dựng thứ nhất về con người trong sách Sáng thế.[16] Hôm nay chúng ta sẽ chuyển qua trình thuật thứ hai, trình thuật vốn thường được gọi là “Yahvit” vì ở đó Thiên Chúa được gọi là “Yahvêh”.
Trình thuật thứ hai về tạo dựng con người (nối kết với việc trình bày sự ngây thơ và hạnh phúc nguyên thủy cũng như sự sa ngã đầu tiên) tự bản chất mang một đặc tính khác. Dù không muốn nói trước những chi tiết của trình thuật này – tốt hơn là để dành lại cho những phân tích về sau – nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng toàn thể bản văn, khi tạo dệt nên chân lí về con người, khiến chúng ta phải kinh ngạc bởi tính sâu sắc đặc biệt của nó, khác với chiều sâu của chương thứ nhất của Sáng thế. Người ta có thể nói rằng đó là một chiều sâu có bản chất chủ quan và như thế, theo một nghĩa nào đó, mang tính chất tâm lí. Chương hai của sách Sáng thế, cách nào đó, là mô tả và ghi chép cổ nhất về hiểu biết của con người về bản thân. Cùng với chương 3 nó là bằng chứng đầu tiên của tâm thức con người. Suy tư sâu xa bản văn này – qua toàn thể hình thức cổ xưa của trình thuật, vốn bộc lộ đặc tính huyền thoại nguyên thủy của nó[17] – giúp chúng ta thu lượm được gần như tất cả những yếu tố cốt yếu của phân tích về con người, là những điều mà khoa nhân học triết học hiện đại và nhất là cận đại rất quan tâm. Người ta có thể nói rằng St 2 trình bày sự tạo dựng con người cách đặc biệt trong khía cạnh chủ thể của nó. So sánh hai trình thuật với nhau, chúng ta đi đến xác tín rằng tính chủ thể này tương ứng với thực tại khách thể của con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”. Sự kiện này, theo một cách khác, cũng quan trọng đối với thần học về thân xác, như chúng ta sẽ thấy trong những phân tích sau này.
2. Thật ý nghĩa, khi trả lời cho những người Pharisêu mà Người sử dụng tới diễn ngữ “thuở ban đầu”, Đức Kitô trước tiên chỉ việc tạo dựng con người với một tham chiếu đến St 1, 27: «Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ»; rồi sau đó Người mới trích dẫn bản văn St 2, 24. Những lời mô tả trực tiếp hôn nhân đơn nhất và bất khả phân ly đều ở trong bối cảnh gần nhất của trình thuật thứ hai về tạo dựng. Trình thuật ấy có đặc điểm là tạo dựng người đàn bà cách riêng biệt,[18] trong khi trình thuật tạo dựng người đàn ông thứ nhất lại được tìm thấy nơi St 2, 5-7. Thánh kinh gọi con người đầu tiên này là “con người” (’adam), nhưng kể từ lúc làm ra người đàn bà đầu tiên lại bắt đầu gọi người ấy là “đàn ông”, ’iš, để nói lên tương quan với ’iššâ (nghĩa là “đàn bà” vì đã được rút ra từ đàn ông = ’ish).[19] Và cũng thật là ý nghĩa khi căn cứ trên St 2,24 Đức Kitô không chỉ nối kết ‘thuở ban đầu’ với mầu nhiệm tạo dựng, mà còn có thể nói rằng Người còn dẫn chúng ta tới biên giới của tình trạng vô tội nguyên thủy của con người và tội nguyên tổ. Sách Sáng thể đặt trình thuật thứ hai về tạo dựng con người chính trong ngữ cảnh này. Trước tiên chúng ta đọc được ở đấy: «Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: «Này đây, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra».[20] «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt».[21]
«Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không thấy xấu hổ trước mặt nhau».[22]
3. Kế đến, ngay sau những câu này là chương ba kể chuyện sa ngã đầu tiên của người đàn ông và người đàn bà. Chuyện kể liên quan đến một cây huyền bí đã được gọi trước đó là «cây biết thiện biết ác».[23] Sự kiện đó dẫn đến một tình trạng hoàn toàn mới khác hẳn với trước. Cây biết thiện biết ác là ranh giới ngăn cách hai tình trạng nguyên thủy mà sách Sáng thế đề cập tới. Thứ nhất là tình trạng trong trắng (vô tội) nguyên thủy của con người, nam cũng như nữ, khi ấy họ gần như ở ngoài tầm hiểu biết điều thiện điều ác, tình trạng ấy kéo dài cho tới khi họ vi phạm luật cấm của Đấng Tạo Hóa và ăn trái cây biết thiện biết ác. Ngược lại, tình trạng thứ hai là tình trạng khi con người đã phạm giới răn của Đấng Tạo Hóa do sự xúi giục của thần dữ biểu trưng bởi con rắn, và khi ấy một cách nào đó họ đã biết thiện biết ác. Hoàn cảnh thứ hai này xác định tình trạng con người phạm tội, đối nghịch với tình trạng vô tội nguyên thủy.
Mặc dù bản văn thuộc truyền thống Yahvit nhìn chung rất cô đọng nhưng cũng đủ để thấy rõ sự khác biệt và đối nghịch của hai tình trạng nguyên thuỷ. Ở đây, ta nói tới những tình trạng trong câu chuyện mô tả những biến cố. Tuy nhiên, qua những chi tiết của việc mô tả này hiển lộ sự khác biệt cốt yếu giữa tình trạng tội lỗi và tình trạng vô tội nguyên thủy.[24] Thần học hệ thống nhận thấy hai hoàn cảnh đối nghịch nhau này là hai tình trạng khác nhau của bản tính con người: “status naturae integrae” (tình trạng bản tính nguyên tuyền) và “status naturae lapsae” (tình trạng bản tính đã sa ngã). Tất cả những điều đó đều rút ra từ bản văn thuộc truyền thống “Yahvit” St 2 và 3, là bản văn hàm chứa lời mạc khải xa xưa nhất, và dĩ nhiên, có một ý nghĩa căn bản cho thần học về con người và thần học về thân xác.
4. Khi Đức Kitô dùng chữ “thuở ban đầu” để hướng những kẻ tra hỏi Người về những lời được ghi trong sách Sáng thế, thì về một phương diện nào đó, Người đã bảo họ phải vượt quá ranh giới giữa tình trạng thứ nhất và tình trạng thứ hai của con người mà bản văn sáng thế ấy kể lại. Người không tán thành việc Môsê cho phép “vì họ lòng chai dạ đá”, mà nhắc lại những lời của trật tự thuở ban đầu Thiên Chúa đã định, những lời mà ở đây liên kết rõ ràng với tình trạng vô tội nguyên thủy của con người. Như thế có nghĩa là trật tự này đã không mất đi sức mạnh của nó, mặc dù con người đã đánh mất sự ngây thơ vô tội ban đầu của mình. Câu trả lời của Đức Kitô rất là dứt khoát và rành mạch. Bởi thế, chúng ta phải rút ra từ đó những kết luận chuẩn mực, những kết luận có ý nghĩa cốt yếu không những chỉ cho đạo đức học, mà nhất là cho thần học về con người và thần học về thân xác, vốn như một yếu tố đặc thù của nhân học thần học, được hình thành trên nền tảng Lời Chúa mạc khải. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra những kết luận trong những buổi gặp gỡ kế tiếp.
(Còn tiếp)
COMMENTS