Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên (17/01/2024)
Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? (Mc 3:4)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên (17/01/2024)
Bài suy niệm và giọng đọc: Học Viện Têrêsa Avila, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Ca Vang Tình Yêu Chúa
Sáng tác: Đinh Minh Hoàng
Trình bày: Gia Ân
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Mc 3: 1-6
Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày Sa-bát không, để tố cáo Người. Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay, là cao điểm của các cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su với những người biệt phái. Đỉnh cao của sự đối chọi, là việc người Pha-ri-sêu đã “rình mò” xem Đức Giê-su có chữa bệnh ngày Sa-bát không, để “tìm dịp tố cáo” Ngài. Trước tình hình đó, Chúa đã hỏi nhóm Pha-ri-sêu, “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ ?” Họ làm thinh, vì cảm thấy khó trả lời, hay vì cố chấp không nhìn nhận lẽ phải. Sau đó, Đức Giê-su đã chữa lành người bại tay. Câu trả lời của Ngài là, cứu giúp một người đang đau khổ, đó là làm điều lành, từ chối giúp đỡ khi người khác cần, đó là làm điều dữ. Qua việc chữa lành người bại tay, Chúa Giêsu dạy họ, ngày Sa-bát không chỉ là ngày để thờ phượng Thiên Chúa, mà còn là ngày để thực thi việc bác ái nữa.
Ngày Sa-bát được dành ra với mục đích là làm vinh danh Thiên Chúa. Trên lý thuyết, cả hai nhóm đều công nhận, nhưng trên thực tế thì lại ứng xử hoàn toàn khác biệt. Đối với Chúa, làm vinh danh Ngài là yêu thương, cứu sống những người hoạn nạn đau khổ. Ngược lại nhóm biệt phái cho rằng, phải tuân giữ tuyệt đối các khoản luật liên quan đến ngày Sa-bát. Vì sao cùng một niềm tin như nhau, lại dẫn đến hai lối hành xử khác nhau như vậy? Với Đức Giê-su, ngày Sa-bát được lập nên vì con người. Nói cách khác, luật là phương tiện nhằm phục vụ con người. Còn với nhóm Pha-ri-sêu, con người được dựng nên vì ngày Sa-bát. Họ quá chú trọng vào luật đến nỗi, khi đứng trước nỗi đau khổ của người khác, họ cũng không còn lòng xót thương và trở nên vô cảm lạnh lùng.
Ngày nay, chúng ta không giữ ngày Sa-bát, mà giữ ngày Chúa Nhật. Có lẽ nói về tinh thần “giữ đạo” phải kể đến người Công giáo. Đi lễ, lần hạt, cầu nguyện, luôn chiếm vị trí ưu tiên trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Thế nhưng, nhiều người quên rằng thờ phượng Thiên Chúa, còn được thể hiện qua mối tương quan với tha nhân. Đó là tinh thần “sống đạo” của người Kitô hữu. Chúng ta đã sống đạo như thế nào, khi xã hội còn quá nhiều người nghèo khổ, cả về vật chất lẫn tinh thần, cần được san sẻ và giúp đỡ? Chẳng đâu xa, đó chính là những người sống bên cạnh, chúng ta đã đủ quan tâm và nhạy cảm, đáp ứng những nhu cầu của họ chưa? Hay tôi luôn nói yêu Chúa, mà lại vô cảm trước những nỗi đau khổ của người khác. Như thánh Gioan đã nói, “Ai nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4:20)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thay đổi cách thức sống đạo, từ trong suy nghĩ đến hành động. Xin hướng dẫn chúng con, luôn phục vụ anh chị em trong tình bác ái. Qua đó, chúng con hiểu và thực thi giới luật cao nhất là, “Mến Chúa yêu người”. Amen
Têrêsa Thụy Quyên
COMMENTS