Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm B (28/01/2024)
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. (Mc 1:22)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm B (28/01/2024)
Bài suy niệm và giọng đọc: Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thu Thoa, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Chúa Uy Quyền
Sáng tác: Lm. Huy Hoàng
Trình bày: Ca sĩ Thanh Hoài
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Mc 1:21-28
Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy Niệm: Lời giảng của Đấng Uy Quyền
Tác giả: Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thu Thoa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho ta thấy công việc quan trọng trong ngày của Chúa Giêsu tại Ca-phác-na-um, đó chính là giảng dạy. Thực vậy, giảng dạy là điều Chúa Giêsu đặt ưu tiên trong suốt cuộc đời. Đối với các kinh sư, giảng dạy là một việc hết sức bình thường, cũng chẳng có gì xa lạ với người Do Thái thời bấy giờ. Nhưng lời giảng của Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác, đến nỗi thiên hạ sửng sốt về lời giảng của Người. Vậy bởi đâu mà mọi người sửng sốt về lời giảng của Chúa Giêsu và xem Người như một Đấng uy quyền?
Thứ nhất, đó là lời giảng của sự mạc khải. Không như các kinh sư, khi giảng dạy các ông phải dựa theo truyền thống cha ông; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia. Lời giảng của Chúa Giêsu chứa đựng mạc khải mới. Lời giảng ấy không gói gọn trong truyền thống của cha ông, nhưng Ngài đã mở ra một cái nhìn mới về một Thiên Chúa mà mọi người đang thờ phượng, về một lề luật mới và về một tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Lời giảng mới mẻ của Chúa khiến mọi người sửng sốt, vì chỉ Ngài mới dám đi ngược lại với truyền thống cha ông của mình.
Thứ hai, sức mạnh của lời giảng. Lời giảng của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc mở ra một mặc khải mới cho con người, nhưng lời giảng ấy còn có sức mạnh xua tan sự dữ và biến đổi con người. Thực vậy, khi nghe Chúa Giêsu giảng thần ô uế đã thốt lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Lời xua đuổi thần ô uế đã cho mọi người thấy sức mạnh lời giảng của Chúa, một lần nữa minh chứng rằng Ngài là Đấng uy quyền và lời giảng ấy còn tỏ lộ tình yêu Chúa Giêsu dành cho con người. Mọi người đều sửng sốt về lời giảng và việc mà Chúa Giêsu đã làm, Ngài đã làm điều mà chưa một ai có thể làm được.
Lời giảng của Chúa vẫn còn được lưu truyền mãi. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Lời giảng ấy chứa đựng trong Tin Mừng mà Chúa luôn mời gọi ta đọc, suy ngẫm, thực hành để được biến đổi.
Thế nhưng chúng ta có nhận ra được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời mình không?
Ta có dành giờ đọc Lời Chúa, suy gẫm và thực hành Lời Chúa không?
Và khi đọc. chúng ta có thực sự để Lời Chúa thấm nhuần tâm hồn và biến đổi chúng ta hay không. hay chỉ là cơn gió nhẹ thổi qua hồn chúng ta?
Suy ngẫm Lời Chúa hôm nay, cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những giả dối và sự lừa gạt. Trước những cám dỗ của sự dữ, con người dùng lời nói của mình để hợp lý hóa hay thỏa hiệp với cái xấu. Con người sẵn sàng nói lời ngược lại sự thật vì danh lợi, và đồng tiền đã lèo lái lời nói chân lý thành sự dối trá. Còn chúng ta thì sao?
Là Kitô hữu, chúng ta đã và đang dùng lời của mình như thế nào? Lời nói của ta có làm chứng cho sự thật không, hay chỉ chứa đựng đầy mưu mô và sự lừa dối? Lời nói của ta có làm chứng cho Chúa và làm sáng danh Chúa không, hay chỉ là sự nịnh bợ dối trá?
Lạy Chúa, đã bao lần con lãng quên lời Chúa, đã bao lần con cứng lòng không để lời Chúa soi đường dẫn lối con đi? Xin Chúa giúp con ý thức rằng, học hỏi lời Chúa là điều hết sức quan trọng, nhưng sống và thực hành Lời Chúa lại là điều cần thiết hơn. Xin Chúa cho chúng con biết sống tinh thần Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, biết dùng lời nói để làm chứng cho sự thật, để nối kết anh chị em và để xây dựng hòa bình. Amen
COMMENTS