Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên (31/01/2024)
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi. (Mc 6:4)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên (31/01/2024)
Bài suy niệm và giọng đọc: Tập viện Catarina, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Con Tin Chúa Ơi
Sáng tác: Lm. Duy Thiên
Trình bày: Gia Ân
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Mc 6: 1-6
Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm
Mỗi người chúng ta, ai cũng có quê hương, gia đình và những kỉ niệm mà ta đã từng gắn bó từ thời thơ ấu. Đức Giê-su cũng thế, Ngài cũng có quê hương là Na-za-reth, có cha mẹ là ông Giu-se, bà Ma-ri-a và bà con lối xóm thân thuộc.
Sau một thời gian bôn ba khắp nơi thi hành sứ vụ, hôm nay, Đức Giê-su trở về thăm làng quê Na-za-reth, nơi Người sinh sống. Đây là điều bình thường, nhưng “quê hương” cũng chính là nguyên nhân làm cho Lời giảng khó được đón nhận, bởi vì mọi người thường nói, “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Có lẽ, đây là một thách đố với Chúa Giê-su, cách riêng là mỗi người chúng ta hôm nay. Nơi khó thi hành sứ vụ rao giảng Lời nhất với người giảng thuyết, đó chính là tại quê hương mình. Nơi khó dạy học nhất cho giáo viên, là nơi giáo viên sinh ra. Không lạ gì mà họ đố kị, họ không tin, vì họ quá rõ về gốc tích của cha mẹ và về chính Người nữa.
Điều đó, cũng cho chúng ta ngẫm nghĩ suy tư về thái độ sống của mình mỗi ngày. Nhiều lúc chúng ta hay nhìn vẻ bề ngoài, nhìn gia đình của người khác, rồi dễ dàng xét đoán họ, với cái nhìn đã được “đóng khung” mà ta chẳng hay. Chính vì thế, Chúa mời gọi ta đừng xét đoán người khác một cách vội vàng, nhưng hãy nhìn họ bằng tình thương và sự chân thành.
Một điểm đáng suy tư mà ta cần nói đến, đó là mẫu gương về sự vượt ra khỏi giới hạn yếu đuối bản thân của Chúa Giê-su. Chúa biết chắc chắn sẽ có khó khăn, thử thách trong khi thi hành sứ vụ, nhưng Ngài không vì thế mà nhát sợ, chùn bước. Ngài đã can đảm đối diện với sự khinh khi, chống đối tại chính quê hương của mình. Ngài trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta, về sự kiên trì và can đảm đối diện với những thách đố của thời đại hôm nay.
Liệu rằng chúng ta có đủ sức để ra khỏi vùng ngoại biên của bản thân? Ta có can đảm để vượt lên trên những gì quen thuộc: quê hương, gia đình, bà con thân thuộc? Hay ta trốn tránh, ngại đối diện với thử thách, chỉ muốn tìm cho mình một khoảng trời êm ả, để tự phát triển con người của mình?
Đối với Ki-tô hữu, cách riêng là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi để đi ngược dòng với những thách đố ấy, vì ơn gọi ngôn sứ không của riêng ai, nhưng được trao ban cho tất cả mọi người. Chúng ta phải trở nên những nhân chứng sống động của Thiên Chúa, ngay trên trần gian, ngang qua chính bậc sống của mình.
ạy Chúa Giê-su, khi phải đối diện với những khó khăn thử thách, có những lúc con hân hoan đón nhận, nhưng cũng không thiếu những lúc con chán nản thất vọng. Nhưng dù có thế nào chăng nữa, thì con vẫn tin rằng, Chúa luôn ở bên cạnh và nâng đỡ từng bước con đi. Tất cả mọi sự Chúa gửi đến, đều có ý nghĩa của lời mời gọi con, “Can đảm lên! Đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian.” Amen
Têrêsa Ngọc Dung
COMMENTS