Kinh nghiệm viết văn: Cần nhất là biết gây ấn tượng
Kinh nghiệm viết văn: Cần nhất là biết gây ấn tượng
Nguyễn Hưng Quốc
FB Nguyên Hưng
Khác với các loại hình nghệ thuật khác, hầu như người biết chữ nào cũng có thể viết văn được, hoặc ít nhất, cũng tưởng mình viết văn được. Nhưng chỉ có một số ít thực sự được xem là nhà văn. Trong số những người được xem là nhà văn, chỉ có một số ít, cực ít, những người thực sự nổi lên như một giọng điệu riêng, với một bản sắc riêng, trụ lại được với thời gian và lưu lại được một dấu ấn nào đó trong ký ức văn hoá của nhân loại hoặc một dân tộc.
Bí quyết nào làm cho những người ấy đạt được những thành tựu như thế?
Chắc chắn không phải là chữ. Chữ là tài sản chung của mọi người. Cũng không phải là chuyện. Chuyện, hoặc nảy sinh từ tưởng tượng hoặc được đúc kết từ kinh nghiệm, chỉ là những chất liệu ban đầu và có thể được sử dụng trong nhiều loại hình tự sự khác nhau, từ báo chí đến phim ảnh, không nhất thiết phải là văn chương. Cũng không phải là kiến thức. Kiến thức là những gì đã có sẵn, được tích luỹ từ nhiều ngàn năm, chỉ cần chút thông minh và cần cù, ai cũng có thể có được. Với kiến thức, ở mức độ kết tinh cũng như ở độ sâu và rộng nhất, chỉ tạo nên những học giả. Chứ không phải là nhà văn. Không phải là tư tưởng. Tư tưởng, ngay cả khi được hệ thống hoá và có tầm khái quát cực cao, chỉ tạo nên những triết gia. Chứ không phải là nhà văn.
Văn chương không phải là những gì được viết ra. Văn chương là những gì còn lại. Chỉ có bài viết hay những câu văn nổi bật lên giữa vô số những bài viết hay những câu văn khác, có khả năng đánh động được vào tâm thức của người đọc và trở thành một ám ảnh thẩm mỹ trong một thời gian dài mới thực sự là văn chương.
Bởi vậy, tôi tin, nghệ thuật viết văn thực chất, hay, nếu không, trước hết, là nghệ thuật gây ấn tượng.
Người ta có thể gây ấn tượng bằng nhiều cách. Có ít nhất là ba cách chính: dùng từ, đặt câu và lập ý.
Văn chương chủ yếu là nghệ thuật ngôn ngữ. Cấp độ căn bản nhất của ngôn ngữ là từ vựng. Nhà văn nào cũng cần có vốn từ vựng dồi dào và cần có khả năng chọn được những từ ngữ thích hợp, chính xác và độc đáo nhất để diễn tả những gì mình muốn nói. Chuyện đó hầu như ai cũng biết. Dù không phải ai cũng có thể làm được.
Nếu chữ là yếu tố căn bản của ngôn ngữ thì câu mới là yếu tố căn bản của văn chương. Chữ, trong văn chương, bao giờ cũng nằm trong một ngữ cảnh nhất định. Bởi vậy, không có chữ hay hay chữ dở, chữ thanh hay chữ tục, chữ cũ hay chữ mới: Chỉ có những chữ dùng đắc thế hay không mà thôi. Được dùng đắc thế, chữ sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm vậy, trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa, và nhờ sự hô ứng của những chữ trước và sau đó, có thể toả những hào quang hay những mùi hương kỳ lạ khiến người đọc nếu không ngạc nhiên một cách thích thú thì ít nhất cũng chú ý, từ đó, ghi nhớ.
Tài năng chính của một nhà văn, có thể nói, được thử thách, trước hết, ở khả năng kiến tạo câu văn. Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả. Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng, như dáng và thế trong cây cảnh; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.
Nhưng một bài văn hay không phải chỉ hay ở câu. Hay, phải hay toàn bài. Bài hay có thể cứu được những câu dở, nhưng câu hay lại không cứu nổi bài dở. Bởi vậy cách tạo câu, tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng cách lập ý, tức cấu trúc chung của cả bài.
Lập ý giống như bày trận. Mỗi câu, mỗi ý và mỗi chi tiết được phải được sắp xếp làm sao để chúng có thể hỗ trợ cho nhau, hô ứng với nhau, tăng cường sức mạnh cho nhau, cuối cùng, đạt được mục tiêu tối hậu: để lại một ấn tượng thật sâu trong lòng người đọc.
Trận đánh kết thúc ở câu/đoạn/ý cuối cùng. Theo tôi, người không biết kết thúc một bài văn cũng giống như một người chơi cờ mà không biết cách chiếu tướng.
NGUYỄN HƯNG QUỐC
2011
COMMENTS