Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp | Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng (08/12/2023)
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. (Lc 1:38)
Dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Suy Niệm Lời Chúa, Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng (08/12/2023)
+ Lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Ma-Ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội
Bài suy niệm: Nữ tu Êlisabeth Đặng Thị Oanh, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Giọng đọc: Nữ tu Têrêsa Đậu Thị Phượng, dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Ca khúc: Nữ Vương Vô Nhiễm
Sáng tác: Dương Nhân
Trình bày: Diệu Hiền
Thực hiện: Ban Truyền thông dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp
Tin mừng: Lc 1: 26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
*Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy Niệm
Tác giả: Nữ tu Êlisabeth Đặng Thị Oanh
Dù sống tại một làng quê hẻo lánh, nhưng trinh nữ Maria đã được đón một vị khách lạ, vị khách lạ này chính là sứ thần Gabriel. Vị sứ thần đến với lời chào: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”.
Maria bối rối vì lời chào và sự loan báo của sứ thần. Phần vì cô Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse, phần vì mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả. Đứng trước sự bối rối của Maria, sứ thần Gabriel giải thích: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.”
Sau khi nghe sứ thần giải thích, Maria cảm thấy băn khoăn, làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, vì cô đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ thần liền đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ”. Sứ thần quả quyết: “Uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa.”
Dù chưa hiểu chưa biết rõ hết sự việc, nhưng Maria đã khiêm tốn đặt trọn cuộc đời trong thánh ý Thiên Chúa, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền,” Maria sẵn sàng thi hành ý Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian, như một tôi tớ khiêm cung, yêu mến và phó thác trong tin tưởng.
*Hai tiếng “Xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục của trinh nữ Maria, mà còn hơn thế, Maria xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa. Khi chấp nhận lời sứ thần, “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,” Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình, vì theo luật Môsê, thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân sẽ bị ném đá.
Như vậy qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục, sự tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa, để ơn cứu độ được ban cho nhân loại. Mẹ đã qui hướng về Thiên Chúa, tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được. Mẹ khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng,” trong niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa, chính vì thế mà trong từng ngày sống âm thầm, lặng lẽ của Mẹ, chương trình của Thiên Chúa được thực hiện.
Trong cuộc sống, bạn đã thật sự đáp lại hai tiếng “Xin Vâng” như Mẹ Maria chưa? Hay bạn vẫn còn ngập ngừng, chưa can đảm đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời.
COMMENTS