Người ươm mầm đức tin

SHARE:

Người ươm mầm đức tin

Người ươm mầm đức tin

Tôi đang say giấc trong chiếc chăn bông ấm áp thì chợt nghe tiếng bố,

- Các con ơi, dậy đọc kinh 

Dù muốn hay không thì mấy chị em tôi vẫn phải thức dậy. Tôi ngồi lên, hai chân duỗi thẳng, lưng dựa vào thành giường rồi kéo chăn đến tận cằm. Trời rét căm căm, chỉ cần bỏ chiếc chăn bông ra khỏi người thôi, là tôi đã có cảm giác hai hàm răng như đập vào nhau. Nhìn sang anh chị, tôi cũng thấy mọi người y như vậy. Chỉ riêng bố mẹ tôi thì ngồi nghiêm trang, bỏ hẳn chăn ra. Bố tôi bắt đầu đọc kinh, 

- Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần..... 

Cả nhà tôi đọc theo. 

Bố mẹ tôi đọc nhiều kinh lắm, hầu như đầy đủ các kinh hàng ngày. Hết đọc kinh, sau đó lần hạt năm chục, đi đàng Thánh Giá, ngắm bảy sự thương khó Đức Bà, kinh dâng mình cho Đức Mẹ, kinh ông thánh Giuse, kinh ông thánh Gioan Baotixita, kinh bà thánh Anna, kinh bà thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, cuối cùng là kinh Cám ơn. 

Rất ít khi tôi đọc được đầy đủ các kinh từ đầu cho đến cuối. Thường thì tôi chỉ đọc hết các kinh hàng ngày sau đó lần hạt năm chục là tôi nằm xuống ngủ tiếp. Chắc vì tôi nhỏ nhất nhà nên bố tôi cũng “tha cho” để yên mà ngủ, còn các anh chị lớn của tôi thì phải đọc hết kinh cùng bố mẹ.

Sáng nào cũng vậy, mùa hè hay mùa đông, cho dù trời rét căm căm, mưa phùn gió bấc đi chăng nữa, cứ 4g30 sáng là bố tôi gọi cả nhà dậy đọc kinh. Ngày đó quê tôi chỉ có thánh lễ buổi tối. Buổi sáng cả nhà đọc kinh chung với nhau. Tối đến chỉ một người trông nhà, còn tất cả mọi người đều đi lễ. Bố tôi chia công tác, mỗi người phụ trách trông nhà một hôm. Tôi và mẹ được miễn công tác này. Tối nào tôi cũng được mẹ dẫn đến nhà thờ tham dự thánh lễ, dù ban ngày mẹ tôi tất bật kiếm sống với nghề buôn bán nhỏ ở chợ, nhưng không ngày nào mẹ bỏ lễ. Tôi còn nhớ có những hôm trời mưa rét, đường đi tới nhà thờ không chút ánh sáng lại lầy lội, mà mẹ vẫn cõng tôi trên lưng, tay cầm bó đuốc đóm, làm bằng ống nứa khô dập ra rồi đốt lên, để soi đường đi đến nhà thờ khi trời tối. Mẹ dạy tôi làm dấu nghiêm trang để kính thờ Chúa. Mẹ dạy tôi những lời cầu nguyện tự phát mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Mẹ dạy tôi phải cầu nguyện như thế nào trong thánh lễ, chỗ nào chắp tay, chỗ nào khoanh tay trước ngực. Hồi đó tôi thuộc rất nhiều kinh là bởi nhờ mẹ tôi dạy. Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, mẹ đọc trước tôi đọc sau, chẳng mấy chốc mà tôi thuộc. Mẹ còn khen tôi sáng dạ nữa. Mẹ còn dạy chúng tôi, trước khi lên xe đi đâu, cũng phải làm dấu xin Chúa chúc lành và Đức Mẹ gìn giữ được bình an. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ và thực hành điều này. 

Bố tôi rất nghiêm túc trong việc giáo dục đức tin cho các con. Mấy anh chị em tôi, đứa nào cũng phải thuộc lòng phần thứ nhất quyển kinh bổn “Dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn”. Bố tôi bắt học sau đó khảo, không thuộc thì phải học lại. Không chỉ bắt chúng tôi học thuộc, mà bố còn cắt nghĩa cho chúng tôi từng điều, từng chữ trong câu hỏi thưa đó. Tôi nhớ quyển bổn dày lắm, có 4 phần. Riêng bố tôi thì thuộc cả quyển, còn các anh chị em tôi, bố chỉ bắt buộc phải thuộc phần thứ nhất. Tôi nhớ trong phần thứ nhất của quyển bổn đó dậy những màu nhiệm cốt yếu trong đạo: Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm Người, chịu nạn chịu chết chuộc tội cho thiên hạ, sự chết, phán xét, thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục.

Trong gia đình, mỗi khi học bổn, tôi là người hay đặt ra những câu hỏi để bố trả lời, dù khi ấy tôi mới khoảng 8 tuổi. 

- Bố, sao một Chúa mà lại có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, lại còn Ba Ngôi “bằng nhau, không Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém”, vậy là ba Chúa hả bố? 

- Không, Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa thôi con, bố lấy ví dụ cho con dễ hiểu, mỗi người đều có một trí khôn, nhưng một trí khôn đó gồm có: trí hiểu, trí nhớ và trí sáng nữa. Hoặc một ngọn lửa khi đốt lên sẽ xảy ra ba điều: sức nóng, sự cháy và sự thiêu hủy. 

Thấy mấy đứa tôi dường như vẫn chưa hiểu, mặt cứ ngơ ra. Bố tôi kết luận,

- Đây là một mầu nhiệm cao trọng và khó hiểu nhất trong đạo, giải thích không hiểu hết được đâu, khi nào lên thiên đàng các con mới hiểu hết được. 

Lần khác nữa tôi lại hỏi,

- Chúa Giê-su có xác và hồn, vậy xác là người còn linh hồn là Thiên Chúa phải không bố? 

- Không phải đâu con, đã là người thì có cả xác và linh hồn. Đức Giê-su là người thật nên Ngài có linh hồn và xác, Ngài cũng là Thiên Chúa thật vì có bản tính Thiên Chúa. 

- Vâng con hiểu rồi ạ. Tôi đáp như vậy nhưng trong lòng chẳng hiểu được bao nhiêu. 

Một lần khác tôi hỏi bố,

- Bố, Đức Mẹ chỉ là Mẹ của Chúa Giê-su, mà chỉ là mẹ về thể xác thôi phải không bố?

- Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giê-su, mà Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người nên Mẹ được gọi là Mẹ Thiên Chúa. 

Điều làm tôi xúc động hơn cả khi nhớ lại, đó là việc bố tôi đã chép Kinh Thánh Cựu ước cho chúng tôi đọc. Hồi đó Kinh Thánh Cựu ước còn hiếm lắm. Vào những thập niên 80 - 90 cả xứ đạo, có lẽ chỉ mình cha xứ tôi có quyển Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước - Tân ước, còn người dân may lắm chỉ có quyển Kinh Thánh Tân ước ở trong nhà. Vì vậy mà bố tôi không dám mượn cuốn Kinh thánh trọn bộ của cha xứ, mà ông đã quyết định mỗi tuần bỏ ra một ngày thứ bảy xuống nhà thờ, mượn Kinh thánh của cha xứ, ngồi chép tay vào những quyển vở mang về cho chúng tôi đọc. Bố tôi chép từ sách Sáng Thế cho đến hết sách ông Gióp thì ngưng. Bố tôi chép đến đâu, tôi đọc ngấu nghiến đến đấy. Sau này khi trở thành Giáo lý viên, tôi được tặng một quyển trọn bộ Kinh Thánh, tôi mang về tặng lại bố, bố tôi trân trọng quyển sách đó lắm! Một điều đặc biệt là hồi đó, đọc đến đâu tôi nhớ đến đấy. Những tích truyện Kinh Thánh đã in sâu trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Sau này đã trở thành hành trang cho tôi đi dạy giáo lý. Không chỉ thế, những kiến thức đó, bây giờ giúp tôi nhiều trong việc giáo dục đức tin cho các em, qua những câu chuyện kể trước giờ ngủ trưa của lớp tôi. Tôi rất biết ơn Bố về điều này. 

Không chỉ dạy các con về lý thuyết về đức tin, mà bố mẹ còn dạy chúng tôi về việc sống đức tin đó. Trước hết bố mẹ tôi dạy bằng gương sáng. Dù phải đầu tắt mặt tối để mưu sinh, nhưng đến ngày lễ nghỉ việc xác là bố mẹ tôi nghỉ ngơi, và buộc các con phải nghỉ như vậy, trừ khi phải đi học. Ngày đó cả nhà cùng đi tham dự thánh lễ, rồi về quây quần bên mâm cơm gia đình, sau đó đi thăm hỏi bà con trong xóm. Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ nói tục hay chửi thề. Bố tôi còn dạy, “Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, các con không bao giờ được nói dối. Không bao giờ được lấy bất cứ cái gì của ai, dù là vật nhỏ mọn.” Người ăn xin đến nhà, bố tôi đối xử thật trân trọng, không những cho gạo mà còn mời ăn cơm cùng mâm nữa. Có lần chị tôi nói với bố, 

- Bà này giả vờ đấy bố, bà ấy còn khỏe thế mà đi ăn xin. 

- Kệ họ, chẳng biết họ có giả vờ hay không, nhưng họ đã khiêm tốn đến xin thì mình vẫn phải cho, vì Chúa dạy như vậy. 

Mỗi lần như thế, bố lại mang bài Tin Mừng Mt 25:31-46 ra đọc, để dạy chúng tôi. Bố tôi còn bảo,

- Nếu thấy người ăn xin đến nhà, mà bố mẹ đi vắng thì các con cứ vào xúc một bát gạo cho họ. Mà con phải đưa cho họ tử tế, đưa bằng hai tay rồi nói, cháu chẳng có gì, chỉ có bát gạo cho ông/bà..... 

Vâng lới bố dạy, nên chị em tôi đều có thói quen như thế. Thấy người ăn xin đến là chạy vào lu gạo, xúc một bát đem cho họ. 

Mẹ tôi bán gạo trên chợ Phú Thọ, nếu thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đều giúp đỡ bằng cách bán chịu cho họ, khi nào có thì trả cũng được. Vào những năm 1985- 1986, kinh tế còn khó khăn, có những người ăn bữa sáng lo bữa chiều, thậm chí không có tiền để mua gạo nuôi con, mẹ tôi đều giúp đỡ họ, nên mẹ được nhiều người trân trọng quý mến lắm! 

Khi đã đủ trí khôn để hiểu, tôi xác tín một điều là, hồng ân đức tin là bởi Thiên Chúa, do Thiên Chúa ban tặng. Đức tin như hạt giống được Thiên Chúa gieo vào tâm hồn mỗi người, khi người đó được lãnh nhận Bí tích thanh tẩy. Đức tin đó được ươm mầm và phát triển như thế nào, thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: gia đình, môi trường, và địa phương mỗi kitô hữu sống. 


Đức tin của anh chị em tôi được ươm mầm và phát triển từ bố mẹ. Phải chân nhận một điều là, đức tin của tôi và các anh chị tôi được như ngày hôm nay, đều do công ơn lớn lao của bố mẹ. Người dạy tôi biết nói những lời cầu nguyện đầu tiên với Thiên Chúa, không ai khác là chính mẹ tôi. Những thánh lễ tôi được tham dự từ thuở nhỏ, những lời cầu nguyện tự phát đơn sơ chân thành, chính là khởi điểm cho mối tương quan thân tình của tôi với Chúa Giê-su Thánh Thể sau này. Những bài giáo lý căn bản mà bố tôi cắt nghĩa tỉ mỉ từ những câu hỏi thưa, đã giúp tôi hiểu và tin những mầu nhiệm cốt yếu trong đạo. Những tích truyện Kinh Thánh đã in sâu vào tâm hồn tôi, đều có dấu ấn của bàn tay bố đã dày công chép lại. Nhưng hơn cả là tấm gương sáng bố mẹ để lại, bằng việc sống bác ái yêu thương, thực thi Lời Chúa dạy trong Phúc Âm. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin Người ban tặng. Tôi biết ơn bố mẹ, người đã làm cho đức tin của tôi được ươm mầm, phát triển và lớn lên từng ngày... 

Bố chính là nhà thần học đầu tiên của tôi. Mẹ chính là nhà dạy cầu nguyện đầu đời của tôi. Sau này khi đã trở thành tu sĩ, được đi học Thần học, được học hỏi, truy tầm những tri thức về Thánh khoa tôi càng biết ơn bố mẹ. Những chân lý đức tin tôi học hỏi được đào sâu bây giờ, đã được bố mẹ tôi đặt nền tảng xây dựng từ khi tôi còn rất bé. 

Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được làm con của bố mẹ mình. Trong tôi luôn dâng trào một lòng biết ơn vô hạn đối với bố mẹ, người không chỉ là đấng sinh thành, đã cộng tác với Thiên Chúa để cho tôi tim óc hình hài, mà còn là người đã chuyển trao kho tàng đức tin cho tôi. Người đã trải qua bao vất vả nhọc nhằn để nuôi tôi khôn lớn trưởng thành không chỉ về thể lý, mà cả trong đức tin. Người không chỉ là Thầy mà còn là người bạn, luôn đồng hành với tôi trong đức tin khi còn niên thiếu, mà cả khi lớn lên, và cả trong ơn gọi thánh hiến. Dù bố mẹ tôi đã khuất núi. nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự hiệp thông sâu xa với các ngài. Tôi luôn nhớ đến bố mẹ trong thánh lễ hàng ngày, với lời cầu xin Thiên Chúa cho các ngài được vui hưởng Nhan Thánh Chúa trên Nước Trời. 

Hải Đường

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1551,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,61,Chuyên đề,195,Cộng Đoàn,801,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,702,Giáo Hội Việt Nam,358,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1085,Hội Thánh,321,Kiến Thức,71,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1253,Mùa Thường Niên,2432,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,187,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,84,RVA,23,Suy Niệm,4780,Suy niệm,1094,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,717,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,123,Sưu Tầm,151,Tài liệu,539,Tập San Lên Đường,579,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,998,Thời Sự,457,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,2081,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1638,Video Nhạc - Phim,604,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Người ươm mầm đức tin
Người ươm mầm đức tin
Người ươm mầm đức tin
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgbYwH6uZI8aafP1u9o8qPCNQ1GAAlbDUezbOpfRQEf77aaBFiYJEm2HITYdnafDqTVR3lEA1S6eMVd-WweJ4xZStyGq_CDOYAsVolZyJ4Shi0ecPo-q0aJ_P5KpKN9nBRPsy1cXU2yRIFRT-duSG6joEsI7s9yVPHDLVjFAR7Mvk4Nkk8UcVh-TuWAZhA/w678-h604/Ban%20doc.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgbYwH6uZI8aafP1u9o8qPCNQ1GAAlbDUezbOpfRQEf77aaBFiYJEm2HITYdnafDqTVR3lEA1S6eMVd-WweJ4xZStyGq_CDOYAsVolZyJ4Shi0ecPo-q0aJ_P5KpKN9nBRPsy1cXU2yRIFRT-duSG6joEsI7s9yVPHDLVjFAR7Mvk4Nkk8UcVh-TuWAZhA/s72-w678-c-h604/Ban%20doc.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2023/11/nguoi-uom-mam-uc-tin.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2023/11/nguoi-uom-mam-uc-tin.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content