Góc Giáo dục | Chúng ta phải giúp con cái để chúng được trang bị một hành trình nội tâm
Chúng ta phải giúp con cái để chúng được trang bị một hành trình nội tâm
by phanxicovn
Triết gia Pierre Durrande đưa ra một số ý tưởng cho các cha mẹ muốn đem Chúa Kitô đến cho con cái, đặc biệt phát triển bốn đức tính, sức mạnh, tương trợ và học cách im lặng.
famillechretienne.fr, Olivia de Fournas, 2023-11-15
Theo triết gia Durrande: “Nếu chúng ta phải trau dồi bốn đức tính cốt yếu – thận trọng, sức mạnh, tiết độ và công bằng – thì đức tính thứ hai đặc biệt giúp chúng ta đương đầu với những trở ngại của cuộc sống”.
Có điểm lưu ý nào mà phụ huynh ngày nay nên đặc biệt chú ý không?
Triết gia Pierre Durrande. Có, bầu khí chung của xã hội chúng ta đã thay đổi. Chúng ta không chỉ bị đe dọa bởi bạo lực phạm pháp được đăng nhan nhản trên phương tiện truyền thông, mà còn bởi các bạo lực khác, im lặng hơn và ngày càng gia tăng, xuất phát từ lối sống của chúng ta, vốn đặt chúng ta xuống dưới mức sống đích thực của một cá nhân và của một tín hữu kitô. Để khắc phục điều này, chúng ta có thể giúp con cái khám phá, có những người mà sinh hoạt của họ tuy nhỏ nhưng không kém phần giàu tính nhân văn. Bất cứ ai tiếp xúc với người khuyết tật tâm thần đều có thể chứng thực điều này. Chúng ta cũng phải giúp trẻ đấu tranh chống lại tình trạng tâm trí bị bận rộn quá mức. Các thiếu niên tràn ngập thông tin qua màn hình, như thế là giết chết sự im lặng, nền tảng của đời sống nội tâm.
Làm thế nào chúng ta có thể dạy con cái để chúng có thể chống lại tình trạng quá bận rộn, quá ồn ào?
Bốn mối quan hệ cấu trúc nên cuộc sống con người: mối quan hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thiên nhiên. Thiên nhiên giúp phát triển một mối liên kết quan trọng, vậy mà chúng ta thường sống trong thế giới nhân tạo. Cha mẹ nên đưa con đi biển, lên núi, về nông thôn và khuyến khích con vào hướng đạo, đi bộ đường dài và hành hương. Khi bước đi, mình tìm lại hơi thở và có một chân trời tách ra khỏi màn hình.
Giáo dục ngày nay chúng ta còn thiếu điều gì?
Một trong những trường học đẹp nhất của cuộc sống là quan tâm đến người khác. Chăm sóc người khác là điều có thể dạy rất sớm cho trẻ em, tránh cho trẻ em chỉ biết có mình. Chúng ta có thể khuyến khích con cái tham dự vào các sinh hoạt tương trợ, nhưng cũng có thể đơn giản nói: “Bạn của con trong lớp, những bạn yếu hơn con, con sẽ làm gì cho bạn?”
Đức tính nào thực sự có thể giúp ích cho trẻ em?
Nếu phải trau dồi bốn đức tính cốt yếu – thận trọng, sức mạnh, tiết độ và công bằng – thì đức tính thứ hai đặc biệt giúp trẻ em đương đầu với những trở ngại của cuộc sống. Mạnh mẽ không có nghĩa là phải bắt nạt người khác, độc đoán hay chiếm hữu. Tôi muốn nói định hướng Tin Mừng của trái tim và ý chí. Đức tính sức mạnh sẽ giúp cho người lớn trong tương lai đối diện với những thử thách, chắc chắn sẽ có trong đời, thay vì chạy trốn chúng. Phải trang bị nội tâm, để mong muốn điều tốt một cách có hiệu quả, ngay cả khi cái ác xuất hiện. Đời sống kitô hữu sụp đổ, vì họ không được củng cố đủ từ nội tâm, không có xương sống mà Chúa Kitô dạy chúng ta. Những người tỏa sáng là những người tỏa ra sức mạnh nội tâm thực sự.
Làm thế nào cha mẹ có thể phát triển nội tâm cho con cái?
Ngày nay chúng ta có khuynh hướng tránh bất cứ hình thức hụt hẫng thất vọng nào cho trẻ con. Trẻ em không còn biết chờ và cha mẹ sống theo nhịp sống thiếu kiên nhẫn của con cái. Ngược lại, tôi nghĩ chúng ta phải đưa con cái thoát ra khỏi tình trạng chướng khí thất thường, dạy con cuộc sống không phải là “tất cả ngay lập tức”. Chẳng hạn các quà tặng đều mang một ý nghĩa. Quà không phải là nợ của cha mẹ, nhưng là quà tặng. Chiều chuộng quá mức nhất là vào dịp lễ Giáng sinh sẽ làm cho con cái lười biếng. Ngay cả quà ngày sinh nhật, cũng không nên đánh mất cảm nhận quà là nhưng không. Học cách đặt ưu tiên dành cho người khác là bài học lớn về lòng quảng đại, liên quan đến cả cha mẹ và con cái. Đó là cách tốt đẹp để thiết lập thứ tự ưu tiên và đặt những gì cần phải lên hàng đầu: thăm ông bà thay vì chơi trò chơi điện tử.
Cha mẹ cũng phải có khả năng hy sinh vì con cái, đặc biệt hy sinh các việc riêng hoặc nghề nghiệp của mình để dành thì giờ cho gia đình. Trong một thế giới quá bận rộn, khi nào tôi mới có mặt cho người khác? Chính xác thì khi nào tôi sẽ chơi với con?
Tin Mừng có hướng dẫn những điều cha mẹ nên truyền lại cho con cái không?
Có. Với bản chất gương mẫu của Ngài, Chúa Kitô là bậc thầy sư phạm trong cách quan hệ với những người Ngài tiếp xúc. Ngài phát triển nhiều cấp độ trao đổi, mang lại cho mỗi người “thức ăn” tương ứng với khả năng tiêu hóa của họ. Ngài nói với mọi người bằng dụ ngôn, những bài học cuộc sống như người gieo giống hoặc người Samaritanô nhân hậu mà ai cũng biết. Ngài giảng dạy cho các môn đệ từng người một, và trực tiếp với một số người vì họ tiến bộ hơn về mầu nhiệm Thánh Thể và về Nước Trời. Với người phụ nữ samari, Chúa Giêsu sẽ không nói chuyện như với ông Nicôđêmô. Ngài luôn nhân hậu, dạy chúng ta lắng nghe và làm chúng ta chú ý. Ngài bảo vệ chúng ta khỏi những trở ngại và cạm bẫy của Ma quỷ, dạy chúng ta qua ba cám dỗ Ngài phải chịu trong sa mạc: quyền lực, thức ăn giả tạo và giàu có của thế gian.
Làm thế nào cha mẹ và các nhà giáo dục có thể truyền đạt đức tin?
Nếu cha mẹ biết áp dụng một chút thẩm quyền này của Chúa Kitô, bằng cách thường xuyên nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, thì con cái sẽ muốn làm theo gương họ. Đầu tiên, khi còn nhỏ, con cái sẽ tái tạo cuộc sống của cha mẹ bằng cách bắt chước, sau đó, ở tuổi thiếu niên, chúng sẽ cố gắng tự hiểu. Nó sẽ tự hỏi: “Có đáng để tiếp tục đi theo hướng mà cha mẹ đã chỉ cho mình không?” Nhất là khi thế giới bên ngoài nói: “Đừng trở thành người tín hữu kitô, hãy tự giải thoát mình.” Nếu tấm gương neo đủ sâu, chính con cái sẽ muốn đi theo Chúa Kitô mà cha mẹ đã giúp chúng gặp gỡ. Đến lượt chúng, chúng sẽ làm quen với sức mạnh và tinh tế của Tin Mừng mà thế giới này rất cần.
Giới thiệu Chúa Kitô
Một cách đơn giản, trọng tâm và mục đích của giáo dục kitô giáo là gặp gỡ và đi theo Chúa Kitô. Làm thế nào chúng ta có thể đi tới để giáo dục kitô giáo không bị thu gọn vào việc chỉ đề cao luân lý, nhưng đúng hơn là phát triển một mối liên hệ đặc biệt với Chúa. Bằng cách đơn giản và dần dần dạy cho đứa trẻ thấy, Chúa là một phần trong sự tồn tại của chúng ta. Thông qua các thảo luận, đọc sách về cuộc đời các vị thánh, cầu nguyện và học tập trong gia đình, từ rất sớm, lời cầu nguyện, tấm lòng thân thiết này sẽ vào trái tim. Khi đi lễ ngày chúa nhật, đứa bé sẽ khám phá ý nghĩa của cộng đồng sự sống là Giáo hội và trên hết là mầu nhiệm Thánh Thể, giải thích cho trẻ Chúa Giêsu hiện diện ở đây, trong Bánh Thánh này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
COMMENTS