Góc Giáo dục | Đầu tư cho con.
Đầu tư cho con...
Tầng lớp trung lưu bây giờ, có lẽ, ai cũng quan tâm đầu tư cho con cái. Và hầu hết, tập trung vào việc tích lũy của cải vật chất và đầu tư giáo dục. Tập trung vào việc tích lũy của cải vật chất-mua đất, mua nhà, tích trữ đô la...-ai cũng cày như điên, có khi là chụp giựt, móc ngoặt, tham nhũng như điên... đến mức, chẳng có thời gian để chơi với con, nói chuyện với con... Tập trung đầu tư giáo dục, hầu hết, bắt con cái học hành như điên-học đủ thứ-học mù cả mắt, học gù cả lưng...
Cách đầu tư như vậy, thường, lợi bất cập hại. Tôi chứng kiến không ít ông bố bà mẹ "cày như điên" mắng mỏ con cái: "Tao phải cực khổ (hay sống hèn) như vậy, là vì chúng mày đấy, chưa gì đã vô ơn...!" Tôi cũng thấy, không ít thiếu niên, vì bị bố mẹ bắt học quá nhiều, không chỉ "mù" chỉ "gù" thể chất, mà còn "mù" còn "gù" cả tâm hồn...
Ít ai chú ý đến một thực tế: Có không ít người học rất giỏi, thành đạt trong khi bố mẹ họ rất nghèo, chẳng có gì để đầu tư cho con ngoài tình yêu thương được thể hiện một cách bình dị và sự tận tuỵ hy sinh...
Gần 20 năm nay, tìm hiểu sâu vào các chương trình giáo dục trẻ bằng nghệ thuật, tôi đọc rất nhiều. Tôi chán nhất, là đọc của các "nhà giáo dục" trong nước, họ nói như hô khẩu hiệu. Họ không chịu nhìn vào thực tế. Họ không chịu đặt mình vào vị trí của cả phụ huynh lẫn con cái. Họ không biết tự mình đặt ra những câu hỏi đơn giản nhưng sát với thực tế nhất...
Về chuyện đầu tư cho con em, trước đây, tôi có vài lần trao đổi với giáo sư-hoạ sĩ Arden Hiigli (1943-2017), người sáng lập ra hệ thống Jardin Galerie từ năm 2000 ở Mỹ với các triết lý và phương pháp giáo dục trẻ bằng nghệ thuật hết sức đáng chú ý (mà tôi may mắn có cơ hội quen biết từ 2005). Ở đây, tôi tổng hợp lại một cách ngắn gọn các ý chính của ông-chỉ như một gợi ý, để mọi người suy nghĩ thêm.
Đầu tư cho con:
Một là, đầu tư của cải vật chất, như là cơ sở ổn định ban đầu. Nhưng đó không phải là quan trọng nhất.
Hai là, đầu tư sức khoẻ. Cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, chế độ vệ sinh, chế độ sinh hoạt. Phải khuyến khích trẻ tâp thể thao, thể dục, rèn luyện thân thể và các kỹ năng vận động thân thể...
Ba là, đầu tư nghề nghiệp. Không phải ai cũng cần phải học đại học, cũng cần phải có tiến sĩ. Có học đại học, thì trước hết, cũng phải xác định, là để có một nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thời đại, với sở thích và năng lực cá nhân. "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh"...
Bốn là, đầu tư trí thức. Học, đọc, là để tăng tiến tri thức. Mà sự tăng tiến tri thức, không có mục tiêu nào khác hơn, là để điều chỉnh nhận thức và hành vi, lối sống. Không biết đầu tư trí thức, rất khó mà giỏi nghề, thậm chí còn không biết cách giữ gìn sức khoẻ hay của cải...
Năm là, đầu tư quan hệ xã hội. Sự thành bại của mỗi con người, không chỉ tuỳ thuộc vào năng lực, mà còn tuỳ thuộc rất nhiều vào tầm quan hệ xã hội. Thậm chí, đây còn là yếu tố quyết định. Mọi cơ hội của con người, đều tuỳ thuộc vào quan hệ xã hội...
Nhưng đầu tư quan hệ xã hội bằng cách nào? Chỉ có một cách duy nhất bảo đảm cho sự thành công lâu dài và chắc chắn, đó là sự "ĐẦU TƯ HOÀN THIỆN TÍNH CÁCH".
Vốn xã hội của mỗi con người, nằm ngay trong sự THÀNH THẬT và TẾ NHỊ, KHÔN KHÉO và NHẪN NẠI, HIỂU BIẾT và TẬN TUỴ của họ...
GIÁO DỤC TRẺ BẰNG NGHỆ THUẬT, chính là "ĐẦU TƯ HOÀN THIỆN TÍNH CÁCH"- Yếu tố quan trọng nhất để cho con người tồn tại được một cách TỰ CHỦ, trong khả năng THÍCH NGHI với môi trường xã hội, và với chính mình...
NGUYÊN HƯNG
(Trích từ sổ tay "1001 phương pháp" - 2017)
COMMENTS