Giáo dục Việt Nam, nhìn từ cái cặp học sinh...
FB Nguyên Hưng
Giáo dục Việt Nam, nhìn từ cái cặp học sinh...
Một đứa trẻ Việt Nam bây giờ đi học, mới cấp 1 đã phải vác cái cặp đến 5 hay 10kg. Cái cặp nặng nề đó nói lên điều gì ở đây?
Thứ nhất, đã đành về mặt thể chất, mang vác nặng như thế là không tốt cho các em nhỏ.
Ba lô, cặp sách ở Việt Nam hiện nay, không có một hệ thống kiểm định chặt chẽ nào về tính khoa học, hợp lý trong thiết kế, nên học sinh không chỉ mang trên lưng sức nặng tập vở, mà còn chịu đựng thêm những sai sót trong khâu thiết kế của đồ đựng. Cái sai đầu tiên là ở việc thiếu nghiên cứu và ứng dụng về Công Thái Học Sinh Lý (Physical Ergonomics). Cái sai này sẽ làm tổn hại cột sống của trẻ.
Thứ hai, cái cặp ở đây cũng chỉ là một biểu tượng của nền giáo dục nhồi nhét vô lý.
Đối với trẻ em ở lứa tuổi đó, việc rèn luyện thể chất, các kỹ năng căn bản để giao tiếp, ý thức về trách nhiệm, ý thức về cộng đồng và môi trường, phát triển tư duy sáng tạo, cũng quan trọng không kém chuyện biết đọc biết viết. Sự nhồi nhét làm trì trệ khả năng tư duy sáng tạo vốn có ở tuổi nhỏ, đồng thời tạo cho học sinh những ám ảnh, áp lực không đáng có về việc học. Thiếu nghiên cứu và ứng dụng về công thái học trí não/nhận thức (Cognitive Ergonomics) là nguyên nhân lớn nhất cho vấn đề này.
Thứ ba, không có một mục tiêu và chiến lược rõ ràng trong việc đào tạo người khiến bao nhiêu học sinh cho rằng việc vào đại học là mục tiêu phấn đấu trong suốt 12 năm phổ thông, nên bao nhiêu kiến thức nhét vào đầu tiêu tan đâu mất sau kì thi đại học. Các trường đại học, cao đẳng lại không bắt kịp với tình hình thực tế để hình thành chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng của tương lai. Kết quả là hàng thế hệ sinh viên ra trường chẳng ứng dụng được gì đã học khi đi làm. Cha mẹ cũng không được đào tạo, phổ cập gì về cách chăm sóc con cái cả về thể chất lẫn tinh thần, nên mới đặt ra vô số áp lực và kỳ vọng sai lệch lên con cái. Những con người được đào tạo trong hệ thống như vậy, không có thói quen và kiến thức phân tích sự hợp lý của một hệ thống, thì làm sao có thể lập được kế hoạch cho chính mình, chứ đừng nói nếu họ leo lên vị trí phải tổ chức công việc cho những người khác! Phần nào, đây là hậu quả của việc thiếu nghiên cứu về Công Thái Học Hệ Thống (Organizational Ergonomics).
Đơn giản từ chuyện một cái cặp thôi, và chỉ nhìn từ cái nhìn Công Thái Học, đã có thể thấy, tình trạng giáo dục ở Việt Nam bao nhiêu năm qua là kinh khủng như thế nào. Nó sai từ chuyện nhỏ nhất, đến chuyện to nhất...!
(Trích từ “1001 phương pháp”)>
COMMENTS