Lm Vincent Nguyễn An Ninh | Suy niệm Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A
Lm Vincent Nguyễn An Ninh
Người mù bên Ngũ Đại Hồ Michigan, USA
Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A Suy niệm Phúc Âm: Mt 13, 24-43
Ba dụ ngôn về Nước Thiên Chúa
1. Nước Trời giống như cỏ lùng lẫn trong lúa tốt.
2. Nước Trời giống như hạt cải.
3. Nước Trời giống như nắm men trộn trong thúng bột.
Các Môn Đệ chỉ hỏi Chúa ý nghĩa của dụ ngôn về cỏ lùng.
Chúa giải thích:
- Người chủ gieo giống tốt là Thiên Chúa
- Người gieo cỏ lùng là ma quỷ
- Mùa gặt là ngày tận thế
- Người gặt lúa là các Thiên Thần
Câu chuyện 1:
Thiên Chúa gieo giống tốt. Nhưng ma quỷ gieo trộm cỏ lùng vào. Cả hai mọc lên. Gia nhân xin chủ ruộng cho họ đi nhặt cỏ lùng vất đi. Nhưng chủ bảo đừng, kẻo khi nhổ cỏ lại nhổ lẫn cả lúa chăng. Hãy đợi đến mùa lúa chín, chủ sẽ sai thợ đi nhặt cỏ lùng trước, bó lại, rồi ném vào lửa. Còn lúa thì đập lấy thóc đổ vào kho lẫm.
Có nghĩa là:
- Thế gian có cả người xấu kẻ tốt. Chúng ta thường thì muốn rằng sao Chúa không tiêu diệt hết những kẻ xấu, để người lành được sống yên ổn.
- Kẻ xấu cũng có vài cái tốt. Chúa rất công bằng: Ngài để họ sống, dù phởn phơ ngạo nghễ.
Chúa nói không. Cứ để kẻ xấu sống, cho người lành lập công. Vì người lành cũng có những cái xấu cần được thanh lọc cho tinh ròng.
Cho nên chúng ta đừng ước mong cho những kẻ gian ác bị xe cán lòi ruột lòi gan ra. Chúa bảo: “Thế gian cần có gương xấu. Nhưng khốn cho kẻ làm gương xấu.”
Câu chuyện 2:
Nước Trời giống như hạt cải. Hạt cải nhỏ li ti, nhỏ nhất trong các loại hạt. Nhưng khi nó mọc lên thành cây rau cải, thì lá nó lại lớn hơn mọi thứ lá cây.
Giáo Hội chính là Nước Trời. Nó thường phải khởi sự rất bé nhỏ, rất khiêm tốn, mà còn bị bách hại liên tục. Thế mà con cái của Giáo Hội càng ngày càng đông như sao trời cát biển. Cho nên chúng ta cần phải khiêm nhường và nhẫn nại trong thế giới đầy đầy gian manh xảo trá hiện nay.
Câu chuyện 3:
Nước Trời giống như nắm men trộn trong thúng bột. Dần dần nó làm cho cả thúng bột dậy men. Nước Chúa cũng vậy: nó khởi đầu chỉ nhỏ như bánh men so với cả thúng bột. Con cái Chúa cũng phải khiêm nhường và nhẫn nại như vậy.
Tự vấn:
1 . Anh chị em có kiên nhẫn trước những sự việc xẩy ra hoàn toàn ngược với những gì anh chị em mong đợi không? Thú thật. Tôi thì không. Những ngày đầu tiên khi tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Nó nản vô cùng! Tôi như cứng người ra! Như bất động! Bảy mươi lăm năm trời vùng vẫy, giờ đây chẳng những không thấy gì, mà cũng chẳng còn làm gì được nữa! Tôi không ước mong chết, nhưng tôi có thể làm gì cho chính tôi trong những ngày còn lại? – Nothing! Tuyệt đối không. Anh chị em không tưởng tượng cái sự bất lực đến vô vọng như thế nào đâu! Tôi chỉ òa lên khóc thôi! Đứa cháu của tôi nó ôm lấy tôi, nó nói cũng trong nước mắt giàn giụa: “Bác ơi, con sẽ không đi lấy chồng nữa. Con sẽ ở vậy, bên bác suốt đời bác. Suốt đời con luôn.”. Bác cháu ôm nhau mà khóc. Cho đến giọt lệ cuối cùng.
2. Con sẽ làm cho bác bất cứ cái gì bác cần. Và cháu đã làm, là dắt bác đi học, lúc ấy bác đã 78 tuổi, để bác có thể sử dụng được cái máy vi tính, như ngày hôm nay. Quý vị và anh chị em có tin được rằng Chúa có thể làm bất cứ cái gì Ngài muốn không?
3. Tôi đang là cây lúa? Hay là cỏ lùng đây? Bảy Phép lạ trong đời tôi
Phép lạ thứ nhất:
Tháng 4 năm 1954, tôi đang ở với cha Cố tôi, giáo xứ Phú Thịnh, bên bờ sông Hồng Hà, đối diện bên kia là Sơn Tây. Lúc ấy tôi 12 tuổi. Cha Cố tôi về Tòa Giám Mục Bắc Ninh, rồi Ngài được gửi cấp tốc đi vào miền Nam ngay.
Trận Điện Biên Phủ vừa kết thúc. Hiệp định Genve đang sôi sùng sục. Chiến tranh về tới ngay bên làng.Từ Phú Thịnh về làng tôi có lẽ khoảng 100 cây số. Lúc ấy đi lại giữa hai bên dường như chuyện cả một đời người. Lúc ấy tôi chẳng hiểu gì. Cũng chẳng lo lắng gì. Tôi cũng chẳng biết theo ai mà về tới Hà Nội. Trên mình chỉ có một bộ đồ duy nhất. Cũng chẳng biết ai cho mình ăn. Tôi chỉ biết một mình đang lang thang giữa phố xá ồn ào, xem người ta đổ của trong nhà ra bán tống bán táng: nào giường tủ, bàn ghế, nào mâm đũa chén bát, nào áo quần mền gối. Tôi cứ thất thểu đi ngó. Chẳng hề đặt dấu hỏi tại sao họ lại mang ra bán những thứ tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Bất giác tôi nhìn thấy Thày tôi cũng đang lang thang như tôi. Sau vài giây phút ngỡ ngàng, tôi chạy đến ôm lấy Thày tôi, trong khi ông cúi xuống: “Ô con, sao con lại ở đây?”. Cùng một câu hỏi đó trong đầu tôi. Hai cha con cùng rơm rớm nước mắt!
- Thày tưởng Thày mất con rồi?
- Con cũng tưởng con không bao giờ nhìn thấy Thày Mẹ nữa!
- Sao con lại ở đây?
- Con không biết. Mà sao Thày cũng đi ở đây?
- Chắc Chúa đưa con về cho Thày Mẹ đấy.
Phép lạ thứ hai:
Trong khi ấy, từ đầu kia, làng tôi, em kế tôi, em Thế và gia đình tôi chạy loạn ra cánh đồng, em bị trúng một mảnh bom ghim vào trán. Thày mẹ tôi đem gia đình trở về nhà, mong tìm lá trầu lá thuốc để đắp vào vết thương cho con. Ăn cơm chiều xong, Thày tôi mệt mỏi muốn ở nhà, nhưng em tôi đau đớn khóc hoài. Mẹ tôi giục phải đưa em sang đồn Tây bên Hương Canh cách làng tôi 3 cây số, để xin chữa cho em.
Thế là Thày tôi phải cõng em trên lưng, mẹ tôi gánh đôi quang gánh, một bên em út tôi ngồi trong cái thúng, bên kia là túi gạo với ít quần áo. Vừa ra khỏi làng, thì tiếng máy bay của Pháp gào thét trên đầu, và tiếng bom nổ ầm ầm xuống làng tôi, lửa khói bốc cao khỏi ngọn tre, ngay chỗ nhà tôi mà Thày Mẹ và các em vừa rời bỏ!
Thế là hai ông bà cắm đầu cắm cổ chạy về hướng Hương Canh, nơi có đồn lính Tây đóng. Thày tôi vào kêu cứu. Họ cho thuốc, thay băng, rồi bảo phải đưa ngay lên Hà Nội mới cứu được. Thế là chẳng biết Thày Mẹ tôi làm sao lần lên tới Hà Nội là nơi tôi chỉ nghe, mà chưa bao giờ biết nó hình dáng như thế nào. Không biết làm sao Thày Mẹ tôi lại gặp một số người thân cũng vừa lên tới đây. Rồi chẳng ai biết ai là người đưa họ tới một trường học ở phố Hàng Than? Rồi Thày tôi bỏ mấy mẹ con ở đó, mà đi ra phố lang thang vô vọng. Thế là bất ngờ hai cha con chúng tôi trông thấy nhau! Thế là từ hai đầu của biến loạn, hai cha con cùng lang thang trên đường phố bỗng gặp nhau. Ngày hôm sau, chúng tôi được dẫn ra phi trường Gia Lâm, di cư vào Nam. Nếu không, tôi sẽ cứ lang thang trên đường phố, cho đến khi đói lả và chết rũ bên đường thôi.
Phép lạ thứ 3:
Thày Mẹ và các em tôi được cứu sống trong khoảnh khắc.
Phép lạ thứ 4:
Gia đình tôi được đoàn tụ, và được lên máy bay lần đầu tiên đưa vào cuộc sống hạnh phúc tại miền Nam.
Phép lạ thứ 5:
Tôi được bốc sang Hoa Kỳ một cách hoàn toàn bất ngờ. Tôi không chủ trương, và cũng vẫn không biết gì ngay cả khi tôi đã bước chân đi. Tôi đã viết nhiều về chuyến đi không ngờ này.
Phép lạ thứ 6:
Sau 10 năm đầu tiên lận đận với nhiều khó khăn trên đất Hoa Kỳ, tôi có một giấc mơ rằng: Tôi đang đứng giữa quốc lộ số 1, tay cầm cái nón giơ lên chống đạn của VC tấn công đàng trước, miệng kêu lên: “Sao anh em lại bắn giết nhau?”, thì đàng sau, quân đội quốc gia đang nhằm bắn vào lưng tôi. Sau đó, tôi đi tĩnh tâm 1 tháng tại Dòng Biển Đức (Bênêdictô) ở New Mexicô, ông cha giảng tĩnh tâm giải thích giấc mơ cho tôi rằng: tôi sẽ lãnh đạo một cộng đồng dân tôi. Dân tôi sẽ bắn giết tôi, nhưng tôi không chết, và sẽ thành lập một cộng đồng vững mạnh tại Hoa Kỳ. Hai mươi năm sau, tôi mới hiểu đó là một giáo xứ người Việt đầu tiên tôi thành lập tại Michigan.
Phép lạ thứ 7:
Năm 2015 tôi hồi hưu. Cuối năm 2017, tôi trở nên khuyết thị. Sau 2 năm lần mò trong buồn chán và thất vọng, tôi đi học lại vi tính. Sau 3 năm, mỗi năm học từ 3 đến 4 tháng, tôi có thể đánh máy và viết lách được, và Ông thày dạy tôi nói tôi là một người thành công duy nhất trong số những học viên cao niên của ông. Vào tháng 6 năm 2020 (bắt đầu 3 năm Covid làm đảo lộn thế giới), tôi bắt đầu đánh máy lại được, cháu tôi ôm tôi kêu lớn: “Phép lạ! Phép lạ!”. Và quả là phép lạ lớn lao lúc tôi tròn 80 tuổi.
Từ đó, đời tôi chỉ là một đời tạ ơn.
Tôi đi tìm bình an
Lm. Nguyễn An Ninh
Người mù bên Ngũ đại Hồ Michigan
COMMENTS