Góc Nhà thờ | NT Kim Long - TGP Huế

SHARE:

Góc Nhà thờ | NT Kim Long - TGP Huế

FB Nguyên Hưng 
Nhà thờ Giáo xứ Kim Long-TGP Huế 

Giáo xứ Kim Long thuộc hàng giáo xứ ra đời sớm nhất ở Huế, và có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử giáo hội Công giáo ở Việt Nam... 

Nhà thờ giáo xứ Kim Long hiện tại, được xây dựng khá chật vật. 
Năm 1919, cha Phaolô Võ Văn Thới đã cho phá ngôi nhà thờ cũ có từ thời Đức cha Sohier đặt Tòa Giám mục ở Kim Long để xây nhà thờ mới. Ngài quyên tiền giáo dân, vẽ kiểu và trông coi việc xây dựng. 
Năm 1927, cha Tôma Trương Đình Điểm đến nhận họ đạo và xây tiếp. Hai vị Quản xứ tiếp chẳng làm gì nhiều cho ngôi thánh đường dang dở. Rồi cha GB. Nguyễn Văn Hân tới coi xứ, tiếp tục xây và khánh thành nhà thờ năm 1940, 21 năm sau khi khởi công (1919-1940). 


Nhà thờ Kim Long phảng phất nét cổ kính. Cổng vào nhà thờ là 4 trụ cao thẳng vút, với hoa văn kiểu Việt Nam. Trên các trụ cột khắc các câu đối bằng chữ quốc ngữ, hàm súc ý nghĩa, trong đó hai câu nói về đạo sâu sắc như một lời tuyên tín: “Thuyền ngược nước xuôi đời khó xử. Trời nhào đất lộn đạo không lay" 

Tôi chụp hình nhà thờ giáo xứ Kim Long nhiều lần. Lần đầu vào tháng 10 năm 2017. Lần gần đây nhất là vào tháng 3 năm 2021. Ở đây, tôi đăng một ít hình của cả hai lần đó. Mỗi lần đều có phối cảnh không khí riêng... 


Địa chỉ: Phường Kim Long, TP. Huế 

Tham khảo thêm: 

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ KIM LONG 

1. Thời của các chứng nhân

a- Bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648), hạt giống tiên khởi 

Sự ra đời của Giáo xứ Kim Long gắn liền với một tên tuổi: bà Minh Đức Vương Thái Phi (sinh năm 1568). Theo nhiều nhà nghiên cứu, bà Minh Đức gia nhập đạo vào năm 1625 do cha Francisco de Pina[1] rửa tội tại phủ chúa ở Phước Yên, huyện Hương Trà, tỉnh Thuận Hóa (tức Thừa Thiên-Huế ngày nay) với tên thánh là Maria Mađalêna. Sau bà theo hoàng tộc vào xã Kim Long (1635), cũng huyện Hương Trà. Bà là phi cuối của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, và sống qua bốn đời chúa Nguyễn: chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Bà là thân mẫu của hoàng tử Nguyễn Phúc Khê. Nhà bà từng dùng làm nơi giảng đạo, bà cũng đã can thiệp xin chúa cho đất dựng nhà thờ, giúp đỡ giáo sĩ và che chở giáo dân[2]. 

Như vậy, vào năm 1635, tại vạn Kim Long sau này là Giáo xứ Kim Long, có một nữ giáo dân hoàng tộc đến sinh sống. Thời sinh tiền, bà là chỗ dựa cho những người mới trở lại đạo. Cha Đắc Lộ cho biết: “Gương sáng và uy tín của bà là lợi khí rất mầu nhiệm làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại và làm cho những bổn đạo mới chịu phép Thánh tẩy được vững lòng giữ đạo”[3]. Nhà nguyện của bà từng là nơi những giáo dân Kim Long đầu tiên sinh hoạt tôn giáo. Nhà nguyện này tồn tại được 10 năm (1635-1645) thì bị ông hoàng Khê, con ruột bà tàn phá bình địa. Lý do: một số quan lại thấy các thừa sai ngoại quốc lui tới nhà bà trong đó có cha Đắc Lộ là người giỏi toán và thiên văn. Họ nghi ngờ bà nhờ cha dùng phong thủy tìm long mạch để con mình tiếm ngôi chúa. Nhằm đánh tan dư luận xấu đang hình thành, ông hoàng Khê đã đi đến thái độ trên. Sau vụ việc này, bà bỏ nhà đi lang thang, mất hồn mất trí trong tám ngày, kêu trời van đất. Nghe tin, cha Đắc Lộ đang ở Hội An, ra kinh đô nhưng không dám lên Kim Long mà ở tạm tại phố Thanh Hà gần Bao Vinh. Bà và một số giáo dân xuống đấy thăm ngài[4]. 

Trong thời gian đầu đầy khó khăn, bà Minh Đức cộng tác đắc lực với các Thừa sai, đặc biệt với cha Đắc Lộ để xây dựng họ Kim Long. Các quan lại phục vụ phủ chúa, các gia nhân và dân thường là những người đầu tiên trở lại đạo. Bà từng giữ di vật của hai vị tử đạo Inhaxiô và Vinh Sơn (15-07-1645) cũng như một miếng vải thấm máu hai ngài[5]. 

Năm 1648, bà Minh Đức qua đời. Có thể nói, cả giáo đoàn Thừa Thiên chịu thiệt thòi lớn. Cộng đoàn tín hữu Kim Long non trẻ mất một tông đồ giáo dân nhiệt thành. 

b. Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591–1680), vị thừa sai có duyên nợ

Một tên tuổi thứ hai gắn liền với giáo xứ Kim Long, đó là Lm Alexandre de Rhodes, thường gọi là cha Đắc Lộ. Ngày 12-10-1624, một số Thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) trong đó có vị thừa sai này. Ban đầu cha học tiếng Việt với linh mục de Pina, sau đó với một cậu bé xứ Quảng. Sau sáu tháng, cha đã có thể giảng thuyết và ngồi tòa giải tội. Vào khoảng năm 1625, cha Đắc Lộ theo cha de Pina ra Thuận Hóa, đến phủ chúa ở Phước Yên một thời gian ngắn và chứng kiến việc bà Minh Đức được rửa tội, sau đó hai vị vào lại Hội An. Lần thứ hai cha Đắc Lộ trở lại Huế cũng từ Hội An là vào tháng 02-1640, sau 10 năm ở Macao dạy học. Nhờ quen biết ông thị trưởng người Nhật, cha và ông cùng ra Huế gặp chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) mà lúc này đã dời thủ phủ vào Kim Long. Cha biếu chúa nhiều lễ vật quý và được chúa cho ở lại kinh đô 35 ngày. Tạm trú tại nhà bà Minh Đức, cha giảng dạy và rửa tội được 94 người, trong đó có một thầy sãi nổi tiếng, có ông Văn Nết quản gia của bà (vị tử đạo tương lai) và nhiều người thuộc hoàng tộc. Có thể họ là những giáo dân đầu tiên của Giáo xứ Kim Long sau này. 

Lần ba (01-1642), cha Đắc Lộ đi với một thương gia Bồ ra Huế, cũng yết kiến chúa và dâng lễ vật để lấy lòng. Chúa cho ở lại trong phủ. Ban ngày cha giải thích toán cho ông, đêm lẻn ra ngoài gặp giáo dân tại nhà tư, dạy giáo lý và ban các phép bí tích cho họ. 

Tháng 01-1644, từ Cửa Hàn, cha Đắc Lộ lại cùng 10 thầy giảng[6] ra Kim Long lần thứ tư. Chúa cho ngài được ở trên một chiếc thuyền. Khổ thay, lúc này bà Minh Đức lại bị ông hoàng Khê ngăn cản không cho gặp “Hoa Lang đạo trưởng” (tên gọi các thừa sai ngoại quốc lúc ấy). Cha Đắc Lộ đành phải lén lút đến nhà bà ban đêm, dâng thánh lễ đúng ngày Lễ lá 20-3-1644. 

Sau khi cử hành lễ Phục sinh tại Hội An, cha Đắc Lộ lại ra kinh đô, ẩn trú trong nhà bà Minh Đức suốt tuần, giải tội và cho rước lễ. Sau đó ngài cùng các thầy giảng ra Quảng Bình viếng thăm giáo hữu rồi về lại Cửa Hàn tháng 6-1944. 

Khoảng tháng 4-1645, thầy trò lại lén lút ra kinh đô, ngừng lại ở vùng phố cảng Thanh Hà. Tại đó, như nói trên, bà Minh Đức đã đến viếng thăm vị thừa sai để được an ủi sau cơn thống khổ vì bị cậu hoàng con Nguyễn Phúc Khê phá hủy toàn bộ nhà nguyện. 

Ngày 1-6-1945, thầy trò lại ra Quảng Bình bằng ghe để thăm bổn đạo như lần trước, nhưng nửa đường bị tàu tuần thám của chúa bắt gặp. Đấy là thời buổi chiến tranh Trịnh-Nguyễn mà Quảng Bình (cho tới bờ nam sông Gianh) lại là biên giới cực bắc của lãnh địa chúa Nguyễn. Cha Đắc Lộ bị nghi ngờ và bị dẫn vào Kim Long để xét xử bởi chính chúa Thượng. Cha phải xuống tàu vĩnh biệt xứ Huế ngày 17-06-1645[7]. Bến tàu nói ở đây là bến sông gần cung điện của chúa ở chợ Kim Long hiện thời. Sau đó cha bị mang gông và áp giải vào Hội An. Lần này chúa ra lệnh cho cha không được trở lại, nếu bất tuân, sẽ phải xử tử. Thế là vị thừa sai lừng tiếng lặng lẽ rời xứ Nam một cách vĩnh viễn ngày 03-07-1645. 


Và đây là cảnh vĩnh biệt giữa cha Đắc Lộ với giáo dân Kim Long: “Lính kéo tôi đi khắp các đường của thành phố này, lòng con chiên đau khổ vô hạn, họ theo tôi đến tận con tàu, và khi thấy tôi đã vào trong, có người còn theo tôi trên bờ cảng và có kẻ đã chèo đò theo tôi đến vài hải lý cách cảng”.[8] “Họ tìm cách để giữ tôi, để nghe tôi nói lần cuối cùng và tôi đã kêu biệt ly. Giọt nước mắt tôi hòa lẫn với giọt nước mắt họ”.[9] 

Được biết lúc bấy giờ Kim Long dân cư đông đúc với các làng ở sát đó là Phú Xuân, Vạn Xuân, An Ninh, Xuân Hòa. Chúa đến đâu, quan lại, binh lính đến đấy, kể cả gia đình của họ và những người buôn bán nữa. Cha Đắc Lộ nói có sáu ngàn ngự binh. Điều này cho phép hình dung cảnh nhốn nháo ở làng Kim Long lúc bấy giờ khi giáo dân được tin cha bị trục xuất. 

c. Quan Phaolô và ông Phêrô Văn Nết (1606-1656): nhận nơi này làm quê hương

Năm 1642, khi cha Đắc Lộ ra Kẻ Đay (Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) truyền giáo, có ông Augustinô, ông Phaolô và con trai theo đạo. Việc trở lại đạo của họ khiến làng thù ghét. Cuối cùng các ông buộc lòng di cư vào Kim Long. Nhờ hay chữ, hai cha con ông Phaolô mở trường dạy học và dạy đạo. Hôm nọ, chúa Thượng có việc đi ngang qua trường, nhận ra người quen bèn cất nhắc ông làm Xá Sai (Cơ quan tư pháp). Đúng là hữu duyên thiên lý ngộ, nhưng trên tất cả là sự an bài của Thiên Chúa. Năm 1647 ra kinh đô, hai cha Charles de Rocca và Metello Saccano[10] (thừa sai Dòng Tên người Ý từ Macao) có gặp quan Phaolô mà các ngài gọi là quan sư phó dạy các con của chúa. Ông đang đứng đầu nhóm tín hữu Kim Long. Có thể ông Phaolô Đại Phong và quan Phaolô sư phó làm câu họ là một! 

Còn ông Phêrô Văn Nết (1606-1656), như nói trên, là quản gia của bà Minh Đức, và theo cha Đắc Lộ cho biết thì ông được ngài rửa tội trong chuyến trở lại Kim Long lần thứ nhì (1640). Lúc bà Minh Đức qua đời (1648), ông đã dùng nhà mình để hội họp giáo dân đọc kinh và học kinh bổn. Do có kẻ tố cáo với quan trên, ông bị soát nhà và bị bắt vì chứa đồ đạo. Bị điệu ra tòa, buộc bỏ đạo, ông vẫn một lòng trung thành giữ đức tin. Sau cùng, ông bị chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lên án trảm (chém) vào năm 1656. 

Là người Trà Bát (Quảng Trị), không phải gốc Kim Long, nhưng ông Văn Nết đã vào đây cùng bà Minh Đức, chia sẻ đức tin với chủ mình và trải qua phần còn lại cuộc đời ở thủ phủ chúa Nguyễn. Trong đời sống đạo, ông đã xem Kim Long như quê hương mình và đã chết tại vùng đất cố đô đó. Ông xứng đáng được giáo dân Kim Long xem như đồng hương ruột thịt, hơn nữa là người chia sẻ cùng một di sản thiêng liêng. 

Hiện tại ở Giáo xứ Kim Long có một số giáo dân mang họ Văn. Có thể những người này là hậu duệ của vị tử đạo Văn Nết ấy. 

d- Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1861), Anrê Trần Văn Trông (1814-1835) và Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (1756–1798): 3 con dân tử đạo 

Những ai đến viếng nhà thờ Kim Long sẽ thấy ở phía tay phải có bia kỷ niệm đệ I bách chu niên (1861-1961) hai vị tử đạo người Kim Long: thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (linh mục) và thánh Anrê Trần Văn Trông (giáo dân), do cha sở Tôma Trần Văn Dụ xây dựng. Ngoài ra còn phải kể thêm thánh tử đạo Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (họ ngoại). 


Thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1861), gốc giáo họ Vân/Văn Dương (An Cựu), sinh tại Kim Long, thụ phong linh mục năm 1836. Dù giữa thời cấm cách bách hại, ngài cũng dạy dỗ được nhiều đại chủng sinh, huấn luyện mục vụ cho các linh mục trẻ và coi sóc hai tu viện Mến Thánh Giá ở Mỹ Hương và Kẻ Bàng. Về sau, ngài lo mục vụ tại các vùng hẻo lánh, như Kẻ Sen (Quảng Bình), Bái Trời (Quảng Trị), bị bắt lúc đến dâng lễ tại Sáo Bùn (Đồng Hới) và bị xử trảm ngày 25-05-1861. Được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong hiển thánh ngày 19-06-1988. 

Thánh Anrê Trần Văn Trông (1814-1835) có cha người Kim Long, mẹ người Thợ Đúc. Cha mất sớm, ngài phải bỏ dở việc học và qua Thợ Đúc làm thợ dệt năm mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi, ngài nhập ngũ. Tháng 11-1834, có lệnh binh sĩ Công giáo phải trình diện. Anrê Trông và 12 bạn đồng đội ra mắt quan. Họ bị buộc đạp Thánh giá, bị tra tấn bỏ đạo. Lần lượt các bạn đều bỏ đạo, chỉ còn Anrê Trông. Ngày 28-11-1835, ngài được phúc tử đạo. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. 

Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (1756-1798) có cha người Thợ Đúc, mẹ người Kim Long. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 15 tuổi cậu gia nhập quân đội và theo chúa Nguyễn ra Thăng Long. Sau 15 năm binh nghiệp, Emmanuen Triệu giã từ vũ khí và dấn thân phục vụ Nước Trời bằng cuộc đời tận hiến. Năm 1793, thầy trở thành linh mục của giáo phận Đông Đàng Ngoài. Sau nhiều năm sống ở đất Bắc, vì thương nhớ mẹ già ở quê nhà, cha Triệu về thăm bà ở Thợ Đúc, Phú Xuân (Huế) thì gặp lúc nhà Tây Sơn bách hại đạo. Cha đã bị bắt và bị chém đầu tại Bãi Dâu ngày 17-09-1798. Ngày 19-06-1988, ngài được nâng lên bậc hiển thánh bởi Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. 

2. Thời của Tòa Giám mục đầu tiên của Giáo phận Huế

a- Đức Cha Joseph Sohier đặt Tòa Giám mục tại Kim Long 

Năm 1862 hòa ước Nhâm Tuất ra đời,[11] nhưng đến tháng 03-1863, gần một năm sau, Đức cha Joseph Hyacinthe Sohier (Bình), Giám mục Giáo phận Huế, mới từ Giáo xứ Kẻ Sen (Quảng Bình) vào kinh đô, ra mắt giáo dân và triều đình Tự Đức. Kẻ Sen là nơi ngài đã lẩn trốn nhiều năm trong cơ cực giữa rừng núi để thoát cơn bắt đạo. Sau đó ngài tổ chức lễ tạ ơn long trọng tại nhà thờ Kim Long và cùng lúc chọn Kim Long làm nơi đặt Tòa Giám mục tiên khởi. Đây là kết quả của tiến trình dài thành lập Giáo phận Huế. “Theo sắc lệnh của Tòa thánh ký ngày 27–08–1850, dải đất từ đèo Hải Vân đến sông Gianh, gồm 3 tỉnh: Thừa Thiên, Quảng Trị và một phần lớn tỉnh Quảng Bình, được thành lập một Giáo phận mới mang tên là Giáo phận Bắc Đàng Trong (hay Giáo phận Đàng Trong bên Bắc) tức là Giáo phận Huế ngày nay. Giáo phận được đặt dưới quyền Đức cha phó nay lên chính là Đức cha Pellerin, tục gọi là Phan”[12]. Trong thực tế, lúc bấy giờ Đức cha Pellerin đang ở Di Loan và Tòa Giám mục chính thức cũng chưa có vì ngày 30-05-1851 vua Tự Đức ra sắc chỉ công khai cấm đạo. Tình hình ngày càng khó khăn, việc đi lại của Đức cha thường xuyên bị theo dõi. Sau cùng, thấy quá bế tắc, ngài đã rời khỏi giáo phận vào tháng 10-1856, ra khỏi nước và qua đời tại Pinăng[13] ngày 13-09-1862. Đức cha phó Joseph Sohier (Bình) bấy giờ chính thức kế nhiệm. Như vậy, sau 13 năm thành lập (1850-1863), Giáo phận Huế lần đầu tiên có Tòa Giám mục ổn định và công khai tại Giáo xứ Kim Long[14]. Nhà thờ Kim Long được chọn làm Nhà thờ Chính tòa. 




Khoảng năm 1890, Đức cha Caspar (Lộc) di chuyển Tòa Giám mục từ Kim Long qua Phú Xuân (bên bờ sông Hương), cũng không xa tòa cũ bao nhiêu, nhưng tiện lợi về hành chánh và giao dịch[15]. Năm 1908, Đức cha Caspar từ chức Giám mục. Tòa Thánh chọn cha Allys lên thay thế (ngày 02-05-1908). Đức Tân Giám mục đã nhờ cụ Nguyễn Hữu Bài mua đất gần cầu Phủ Cam và cho dời Tòa Giám mục về đây mà nay vẫn còn, và lấy nhà thờ Phủ Cam làm chính tòa.

Như thế, trong gần nửa thế kỷ (1863-1908), Tòa Giám mục đầu tiên của giáo phận Huế đã tồn tại trên đất Giáo xứ Kim Long, đã gắn chặt với đời sống họ đạo và giáo dân Kim Long. 

b. Những sự kiện phụng vụ đặc biệt tại Kim Long

Lúc Đức cha Joseph Sohier (Bình), ra mắt giáo dân và triều đình Tự Đức bằng một lễ tạ ơn long trọng tại nhà thờ Kim Long năm 1863, ngài chỉ dự lễ và ban cho cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh vinh dự chủ tế. Trong đoàn người dự lễ, có các quan lại và dân chúng. Nhiều người phát hiện ra cha Thanh chính là “bác gánh nước thuê” chợ Đông Ba, từng cải trang để giúp đỡ giáo dân bị giữ tại các trại giam từ Thượng Tứ đến Bạch Hổ thời Phân Sáp (1860-1861). Thật là một lễ tạ ơn đặc biệt cảm động đối với riêng họ Kim Long và chung cho Giáo phận. 

Năm sau đó (1864), Đức cha tổ chức cấm phòng chung lần đầu tiên cho toàn thể các Linh mục Giáo phận; đó cũng là dịp nắm lại con số giáo xứ, con số linh mục, củng cố đời sống thiêng liêng cho các ngài và ra các quy định cho hoạt động mục vụ. Kết thúc cấm phòng, Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Hồ Đình Tính, con thánh Hồ Đình Hy. Đến dự lễ có một số quan lại trong triều từng là bạn với vị tử đạo. Đây là lễ truyền chức linh mục lần đầu tiên tại Kim Long.

Ngày 12-05-1878, Giáo xứ Kim Long lại có một lễ truyền chức khác: Tấn phong Giám mục cho cha Martin Jean Pontvianne (Phong, 1839-1863-187

******************

[1] Francisco de Pina (1585–1625) là một linh mục Dòng Tên người Bồ Đào Nha, đến truyền giáo tại Đàng Trong vào năm 1617. Cha là người đầu tiên ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh, tức chữ quốc ngữ bây giờ. 

[2] Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các bà trong cung Nguyễn, T. 2, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994 tr. 75-87 

[3] Divers Voyages et Missions du P. Alexandre de Rhodes en Chine et autres royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse et l’Arménie, Paris 1653, trích lại theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương Thái Phi. Nxb Tinh Việt. 

[4] Stanislao Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế, bản đánh máy chữ, 1994 tr. 20 

[5] St. Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, sđd, T.1, tr. 14 

[6] Cha Đắc Lộ là người tổ chức Hội Thầy giảng là những cộng tác viên của các thừa sai lúc ấy. Họ khấn giữ mình độc thân, để tài sản chung và vâng lời thầy bề trên. Ban đầu, cha tổ chức hội ở Đàng Ngoài (trước năm 1630), sau lại tổ chức ở Đàng Trong (khoảng năm 1642). Cha nhận lời tuyên thệ của 10 thầy ngày 1-7-1643.

[7] L. Cadière, Les Européens qui ont vu le vieux-Huế: Le P.de Rhodes (Những người Âu đã thấy Huế cổ: Cha Đắc Lộ). Bulletin des Amis du Vieux Hué, tập 1915, tr. 223. 

[8] A. de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, L. Cadière dẫn nơi bđd, tr. 227

[9] L. Cadière, bđd, tr. 227 

[10] Sau khi cha Đắc Lộ rời Đàng Trong, hai cha Charles de Rocca và cha Metello Saccano đến kinh đô trong ba ngày và rửa tội được 60 người. Đúng là người gieo kẻ gặt. 

[11] Nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức đã ký hòa ước Nhâm Tuất 05-06-1962 với Pháp và Tây Ban Nha (lúc đó đã chiếm được 4 tỉnh Nam Kỳ). Trong hòa ước có điều khoản cho phép tự do truyền đạo Gia Tô (đạo Kitô) và bãi bỏ lệnh cấm đạo trước đây.. 

[12] St. Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945, 1994, tr. 217. 

[13] Một vùng thuộc nước Malaysia. 

[14] Nay di tích còn lại là mảnh vườn với hai cột trụ chơ vơ và trường học mang tên ngài : Trường Sohier Kim Long do Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lập năm 1939. 

[15] Hiện trong khuôn viên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm – Phú Xuân còn có nhà nguyện như di tích của tòa Giám mục Huế từng một thời đóng ở đây. Nhà nguyện này nay là phòng truyền thống của dòng. 

[16] Jabouille, Một trang huyết lệ, nxb Trung Hòa, Hà Nội, 1941 tr. 36-37 

[17] Trong quá khứ, giáo xứ Kim Long và giáo dân đã được nuôi dưỡng đức tin nhờ vào nhà nguyện bà Minh Đức Vương Thái Phi, rồi nhà ông Văn Nết, quản gia của bà sau khi bà qua đời, sau đó là nhà thờ dưới đời Đức cha Sohier (Bình) lúc ngài đặt tòa giám mục ở họ Kim Long. Được biết, nhà thờ này nằm nơi khuôn viên nay là nhà các nữ tu giúp xứ, phía tay phải nhà thờ hiện tại. Đây là nhà thờ chính tòa lợp ngói đầu tiên của giáo phận Huế. 

(Nguồn bài viết: Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.)

THÁNH TỬ VÌ ĐẠO" Ở GIÁO XỨ KIM LONG-TGP HUẾ 

Những ai đến viếng nhà thờ Kim Long sẽ thấy ở phía tay phải có bia kỷ niệm đệ I bách chu niên (1861-1961) hai vị tử đạo người Kim Long: thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (linh mục) và thánh Anrê Trần Văn Trông (giáo dân), do cha sở Tôma Trần Văn Dụ xây dựng. Ngoài ra còn phải kể thêm thánh tử đạo Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (họ ngoại). 

Thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1861), gốc giáo họ Vân/Văn Dương (An Cựu), sinh tại Kim Long, thụ phong linh mục năm 1836. Dù giữa thời cấm cách bách hại, ngài cũng dạy dỗ được nhiều đại chủng sinh, huấn luyện mục vụ cho các linh mục trẻ và coi sóc hai tu viện Mến Thánh Giá ở Mỹ Hương và Kẻ Bàng. Về sau, ngài lo mục vụ tại các vùng hẻo lánh, như Kẻ Sen (Quảng Bình), Bái Trời (Quảng Trị), bị bắt lúc đến dâng lễ tại Sáo Bùn (Đồng Hới) và bị xử trảm ngày 25-05-1861. Được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong hiển thánh ngày 19-06-1988. 

Thánh Anrê Trần Văn Trông (1814-1835) có cha người Kim Long, mẹ người Thợ Đúc. Cha mất sớm, ngài phải bỏ dở việc học và qua Thợ Đúc làm thợ dệt năm mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi, ngài nhập ngũ. Tháng 11-1834, có lệnh binh sĩ Công giáo phải trình diện. Anrê Trông và 12 bạn đồng đội ra mắt quan. Họ bị buộc đạp Thánh giá, bị tra tấn bỏ đạo. Lần lượt các bạn đều bỏ đạo, chỉ còn Anrê Trông. Ngày 28-11-1835, ngài được phúc tử đạo. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. 

Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (1756-1798) có cha người Thợ Đúc, mẹ người Kim Long. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 15 tuổi cậu gia nhập quân đội và theo chúa Nguyễn ra Thăng Long. Sau 15 năm binh nghiệp, Emmanuen Triệu giã từ vũ khí và dấn thân phục vụ Nước Trời bằng cuộc đời tận hiến. Năm 1793, thầy trở thành linh mục của giáo phận Đông Đàng Ngoài. Sau nhiều năm sống ở đất Bắc, vì thương nhớ mẹ già ở quê nhà, cha Triệu về thăm bà ở Thợ Đúc, Phú Xuân (Huế) thì gặp lúc nhà Tây Sơn bách hại đạo. Cha đã bị bắt và bị chém đầu tại Bãi Dâu ngày 17-09-1798. Ngày 19-06-1988, ngài được nâng lên bậc hiển thánh bởi Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô 

II. THAM KHẢO THÊM: https://antontruongthang.wordpress.com/.../dai-tu-dao.../

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1605,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,62,Chuyên đề,200,Cộng Đoàn,866,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,35,Giáo dục,130,Giáo Hội Hoàn vũ,724,Giáo Hội Việt Nam,380,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1152,Hội Thánh,328,Kiến Thức,72,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1253,Mùa Thường Niên,2570,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,75,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,188,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,84,RVA,23,suy,1,Suy Niệm,4940,Suy niệm,1095,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,754,Sứ Vụ,49,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,126,Sưu Tầm,164,Tài liệu,550,Tập San Lên Đường,586,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,1064,Thời Sự,466,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,2188,Văn-Thơ,2,vi,3,Video Clips,1663,Video Nhạc - Phim,649,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Góc Nhà thờ | NT Kim Long - TGP Huế
Góc Nhà thờ | NT Kim Long - TGP Huế
Góc Nhà thờ | NT Kim Long - TGP Huế
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgqGs5XxH13aPaYP_9q7rqpsegaIpVGmCf-VkmKMvezlmB3Wfly_bz4W6jaFYyAjZ34UaS8eCXO3tKbGvKO0T5JONvRBFqnOWkQ8AxKlMbeuIZcQ3Sgk0-CefJPxz9VZcJSx4c4HRHk6anclLekofOo9ZT08VVV_dPUrUpPUkj0v1Bca5gno_mEYe8-/w677-h1017/1.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgqGs5XxH13aPaYP_9q7rqpsegaIpVGmCf-VkmKMvezlmB3Wfly_bz4W6jaFYyAjZ34UaS8eCXO3tKbGvKO0T5JONvRBFqnOWkQ8AxKlMbeuIZcQ3Sgk0-CefJPxz9VZcJSx4c4HRHk6anclLekofOo9ZT08VVV_dPUrUpPUkj0v1Bca5gno_mEYe8-/s72-w677-c-h1017/1.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2023/06/goc-nha-tho-nt-kim-long-tgp-hue.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2023/06/goc-nha-tho-nt-kim-long-tgp-hue.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content