Mùng Ba Tết - Ân Sủng Trời Cao
Hình ảnh của Giáo phận Phú Cường |
Nguyễn Trung Tây, SVD
Mùng Ba Tết
Ân Sủng Trời Cao
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng tôi cầy.
Lấy đầy bát cơm.
Lấy rơm đun bếp.
Mùng Ba Tết là ngày chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời Tạ Ơn cho những thành quả đã được ban tặng trong một năm vừa trôi qua. Trong Thánh Lễ Mùng Ba Tết người tín hữu cũng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ tràn đầy ân sủng của thiên đàng và chúc lành cho những thành quả và công ăn việc làm trong năm mới. Bởi thế, trong thánh lễ Mùng Ba Tết, người tín hữu có dip lắng nghe câu chuyện Sáng Tạo của dòng lịch sử ơn cứu độ. Theo như Sáng Thế Ký 2: 4b-9, 15, từ những ngày đầu tiên của trời và đất, khi đó đất chưa nhuộm mầu xanh. Tất cả chỉ là hoang địa và sa mạc. Không có sự sống. Không có cỏ cây. Không có sinh vật. Và Giavê Thiên Chúa khiến một nguồn nước từ lòng đất đen vươn cao lên, tưới ướt đẫm khuôn mặt khô cằn của hoang địa và sa mạc. Bởi dòng nước mát, đất khô trở thành đất ướt. Từ đất ướt, Giavê Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng nên người Đất. Thiên Chúa thổi hơi thở vào, và anh chàng Đất trở thành sinh vật sống. Từ đất ướt, Giavê Thiên Chúa cũng dựng nên cây cối xanh tươi. Và đặc biệt, Ngài dựng nên Vườn Địa Đàng chỉ dành riêng cho con người.
Theo như Bài đọc thứ Nhất trong thánh lễ Mùng Ba Tết, Giavê Thiên Chúa chính là nguyên nhân, là nguồn mạch, và là động lực duy nhất đã biến đổi đất hoang địa, thôi không còn sa mạc, nhưng trở thành đất mầu mỡ xanh tươi. Và từ đất mầu mỡ, Thiên Chúa tạo dựng nên con người trong hình ảnh của Ngài. Cũng từ đất mầu mỡ, cây cối, nương đồng, và Vườn Địa Đàng lần lượt xuất hiện cho những nhu cầu cần thiết của con người, và cho con người. Không có Thiên Chúa, không có nước. Không có dòng nước mát lạnh tướt đẫm ướt khuôn mặt của trái đất, không có nhân loại và mầu xanh trên mặt quả địa cầu.
Trong cùng một tâm tình ngợi ca Giavê Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành trời đất, con người, và nương đồng xanh tươi, người Việt Nam có bài đồng dao,
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng tôi cầy.
Lấy đầy bát cơm.
Lấy rơm đun bếp.
Trong bài đồng dao này, người tín hữu Việt Nam nhận ra Ông Trời trong nền văn hóa Việt Nam là nguyên nhân chính và động lực duy nhất đã khiến mưa trời tuôn đổ, tưới ướt đẫm sa mạc cỏ úa và hoang địa nứt khô của trái đất. Không có Ông Trời, không có mưa. Không có những hạt mưa, người ta sẽ chết nứt môi khô lưỡi. Không có những hạt nước từ trời cao tuôn rơi, đất tiếp tục khô cằn. Đất khô cằn không phải là đất mầu mỡ để người ta cầy cấy. Không cầy không cấy, không có lúa mạ xanh tươi. Không có lúa mạ xanh tươi, nhân gian sẽ chết đói như trận đói Ất Dậu 1945. Không có lúa mạ xanh, không có lúa vàng. Không có lúa vàng thơm mùi lúa mới, người Việt Nam không có rơm thổi nấu những hạt gạo ngọc trời cao gửi tặng.
Bạn,
Cả hai, bài đọc thứ Nhất trong Thánh Lễ của Mùng Ba Tết (Gen 2:4b-9, 15) và bài đồng dao Lạy Trời Mưa Xuống đều chia sẻ chung với nhau một quan điểm thần học về Thiên Chúa và con người, đó là, Giavê Thiên Chúa hay Ông Trời là Đấng duy nhất đã ban phát ân sủng cho mọi người, cho bạn, và cho tôi trong 365 ngày vừa qua. Cho nên, vào ngày Mùng Hai Tết, chúng ta hãy hướng lòng lên Thiên Chúa để tạ ơn cho những hạt nước ân sủng mà Ông Trời ban tặng cho bạn và tôi trong một năm vừa qua. Đồng thời, chúng ta cũng cầu nguyện xin Giavê Ông Trời tiếp tục tuôn đổ những hạt nước ân sủng xuống trên bạn và tôi trong năm mới.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, vào ngày Mùng Ba Tết, con xin tạ ơn Chúa cho những thành quả mà Ngài đã trao ban gửi tặng cho con trong năm vừa qua. Xin Thiên Chúa tiếp tục thánh hóa con và đời sống mà Ngài sẽ ban tặng cho riêng con trong những ngày ân sủng sắp tới.
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
COMMENTS