Thanh Phùng - Giáng Sinh Về!
Tranh Hoạ sĩ Vivi Võ Hùng Kiệt (gốc Việt - hiện sống tại Hoa Kỳ) |
FB Thanh Phùng
Giáng Sinh Về!
Tôi không phải là một tín hữu Kitô giáo, nhưng mùa Giáng Sinh tới, tôi thấy lòng mình cũng nô nức, dạt dào muôn vàn khúc nhạc rộn vang mừng Con Chúa ra đời. Và nhất là năm nay, trong thời gian của "mùa Vọng" chờ đợi Chúa đến, lần đầu tiên trong đời - tôi được cùng người thân đi ra chợ mua sắm, đèn nháy cùng các vật phẩm khác để sửa soạn và trang trí "hang đá" giáng sinh tại sân nhà. Một kỷ niệm và trải nghiệm thật quý và nhiều cảm xúc với riêng tôi.
Khi ấy... khi giăng mắc tấm vải đen lên tường tượng trưng cho bầu trời đêm tăm tối của thành Bethlehem, tôi ước vọng mỗi một ngọn đèn sáng ấy sẽ tượng trưng cho một vì sao lung linh, tỏa sáng đẩy lùi đi sự mịt mù, đen tối của đêm đông lạnh giá. Nhìn cây thông xanh xanh, bên khuôn mặt rạng ngời của tượng Chúa Hài đồng, tôi tưởng tượng ra mình đang ở giữa thành Bethlehem của xứ Judea và chờ đợi màu nhiệm đức tin của Lễ Giáng Sinh (còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas).
Thuở ấy, thành Bethlehem trắng xóa tuyết rơi và băng kín hết tâm hồn người dân phố này. Chỉ có vợ chồng anh thợ mộc nghèo đang chầm chậm bước từng bước, từng bước... Giuse đã gõ cửa khắp các nhà trọ nhưng tất cả đều không mở. Cuối cùng, họ không còn lựa chọn nào ngoài túp lều có máng cỏ cho chiên (cừu) của những mục đồng. Và tại đây... Maria đã hạ sinh con trai đầu lòng.
Nhưng, đó là hình ảnh Giáng sinh mang màu sắc phương Tây, còn tôi, tôi lại rất muốn chiêm nghiệm ngày Con Chúa ra đời theo góc nhìn khác, nên tôi rất thích bức vẽ này. Qua góc nhìn của Hoạ sĩ Vivi Võ Hùng Kiệt (gốc Việt, hiện sống tại Hoa Kỳ), Chúa Hài Đồng cũng được sinh ra trong một đêm tối đen như mực, cũng hiển linh làm người trần mắt thịt, cũng oe oe cất tiếng khóc chào đời - nhưng không phải tại một túp lều có máng cỏ cho chiên ăn của những mục đồng, mà tại một... chuồng bò tăm tối, nhớp nhơ. Tại đó, chính nơi đó, trong không gian đó, thời điểm đó, Hoàng tử Bình An cũng ra đời trong vòng tay và sự chở che của người Cha và người Mẹ Việt.
Đêm ấy, một đêm của bóng tối nhưng cũng là đêm của hào quang tỏa ngời. Đêm của những kẻ nghèo hèn bảo nhau tới kính viếng Ngôi Hai, và giới quý tộc chẳng hề hay biết: Đấng Thiên Sai mà họ mong chờ lâu nay vừa hạ sinh tại đây, trong một cái chuồng bò hôi hám, thấp hèn của người nghèo: bốn bề không có cửa, không giường nệm ấm áp, không đèn điện lung linh, không người hầu kẻ hạ, không một cánh tay nào chìa ra cứu giúp. Đêm ấy, một đêm tầm thường nhưng lại rực rỡ rạng ngời, lung linh bốn cõi. Một đêm lạ lùng nhưng quá đỗi thân quen. Đêm của buồn phiền, tủi phận nhưng chuyển hóa hoan ca khi con Trời được Chúa Cha sai lệnh xuống thế qua hình hài trẻ thơ và hạ sinh làm kiếp người.
Hôm ấy, những coi thường, miệt thị đã lùi bước cho những thứ tha, buông bỏ. Chẳng còn những buồn phiền, lạc lõng, bế tắc hay thất vọng. Chẳng còn những chua xót, tủi phận, cô đơn, lạnh lẽo và chán chường... Bởi, Đấng tối cao sinh ra không hề phân biệt chủng tộc, giới tính, địa vị, màu da, thấp hèn, no đói... Mà vì yêu thương con người nên Hoàng tử của vương quốc Thiên Đàng đã xuống thế để gặp gỡ con người, để làm người và con người trở nên Thiên Chúa! Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp sống với con người, để Ngài cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với mọi sắc dân.
Ngày ấy, vì Tinh Tú chói sáng hiện ra nơi trần thế mà chẳng màng sang hèn, không e rách rưới, không ngại rét mướt, không lo khổ đầy. Vị con Trời đến với thế gian một cách tầm thường, giản dị, đơn sơ vậy đó. Nhưng lại cao sang, quyền quý, thượng tôn vô cùng nơi nhục nhằn đất thấp. Đấng làm người ấy mang tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã đến để gặp gỡ, để chung sống, để đồng hành, để chia sẻ cuộc đời với chúng dân. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với nhân loại, không những để cùng suy tư, hành động với con người, mà còn để hướng dẫn những suy tư và hành động của con người tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Chúa nhập thể và nhập thế chỉ vì Chúa yêu thương con người. Và, Đức Giêsu chính là quà tặng của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Ngài đem đến cho con người một thông điệp vàng từ Thiên Chúa: là Thiên Chúa mãi trung thành yêu thương con người, cho dù con người có khước từ Ngài.
Lúc ấy, (trong bức vẽ này) Chúa Hài Đồng được sinh ra trong bóng tối, lạnh lẽo, gió rít từng cơn và mưa bay lất phất. Con Chúa đã hiển linh làm một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác trên trần thế. Một trẻ thơ bình thường được sinh ra có cha có mẹ và trong lòng của quê hương. Ánh sáng của chiếc đèn dầu cũng là ánh sáng rọi chiếu hào quang đang tỏa rạng trên thân người hài nhi. Thời điểm đó, người Cha Việt đã nghiêng mình dùng tay trái vén manh áo tơi trên mình (được dùng để che mưa, nắng, gió, là sản phẩm phổ biến ở những làng quê Việt Nam vào giữa thế kỉ XX) che chở cho người vợ vừa khai hoa trổ nhuỵ, còn tay phải giữ nón Quai Thao che chắn cho người con trước gió buốt tái tê. Còn người Mẹ Việt mặc áo tứ thân, đầu quấn khăn mỏ quạ, ngồi xổm dưới nền nhà lót rơm, âu yếm con trên tay và nhẹ nhàng cất giọng hát ru con. Còn hài nhi ánh mắt thơ ngây mở ra nhìn cõi trần rồi nhanh chóng nhắm chặt. Cứ thế, con Trời đắm chìm trong lời ru rồi no say giấc ngủ ấu ờ...
Hình ảnh ấy, bức vẽ ấy thật hiền hoà, đẹp đẽ vô ngần đối với tôi. Bởi, con Chúa đang hiện thân không phải ở đất nước Do Thái, mà chính tại nước Việt của tôi, trong hình hài vóc dáng, phục trang của người Việt, nên gần gũi và thân thương biết bao chứ không xa xôi, ngút ngàn. Con Chúa cũng sinh ra làm một trẻ thơ chẳng khác gì tôi hay muôn triệu người khác nơi đời sống đương thời và khi cất tiếng khóc chào đời có cha có mẹ ở bên, tại một không gian, bối cảnh rất tầm thường, nhưng lại ngạt ngào thơm mùi rơm rạ của thiên đàng cao quý. Một hình ảnh Giáng Sinh trong bối cảnh Đông Phương, rất Việt Nam, rất hồn hậu thân thương, mà trìu mến, sâu đậm vô cùng đối với tôi. Nên tôi tin: ở đâu có TÌNH YÊU thì ở đó có NHÂN ÁI. Nơi nào có ĐỨC TIN thì nơi đó có HY VỌNG. Và tại đâu có SỐNG ĐẠO thì nơi đó có PHƯỚC LÀNH. Dù cho tôi không phải một người con của Đức Chúa nhưng Ngôi Hai vẫn chào đón tôi và tất cả chúng ta trong một tình yêu đại đồng! Dù chúng ta có khác nhau về màu da, sắc tộc, địa vị hay đang ngụ cư ở bất cứ đâu. Nếu trong lòng ta có Chúa, tôn kính Chúa thì ắt hẳn: Giáng Sinh đến với ta cũng tươi vui, cũng rộn rã đầy xúc cảm đấy thôi.
Giáng Sinh về! Nhìn ngắm bức tranh, trong Ơn lành của ngày Con Chúa ra đời, tâm thức tôi chợt trong ngần và rộn ràng ngân nga trong lòng bao ước vọng cho gia đình, bạn bè, đất nước và cả địa cầu một đời sống sống bình an, chở che trước những ảnh hưởng của chiến tranh và dịch bệnh. Sống với Đức Tin, tôi cảm nghiệm rằng Con Chúa cũng yêu tôi. Yêu một hạt cát nhỏ bé đang hiện hữu giữa trời đất và nhân gian. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm thấy hồn thức mình đang tuôn chảy một mạch nguồn khác biệt, và một sức sống xanh tươi trong thân thể nhỏ nhoi được Ơn Trên ban tặng. Tôi cũng hiểu rất rõ mình nhận được sự bảo hộ, trợ giúp đi qua rất nhiều khó khăn, thử thách, mất mát nơi đời sống và trước những thời khắc chán nản, đầy u uất tối đen của bản thân. Để rồi, sau đó, tôi lại thấy mình can trường hơn, vững tâm hơn trước những sóng gió của cuộc đời và tự suy nghiệm được những mầu nhiệm của đức tin tôn giáo. Thế nên, tôi vẫn luôn sửa soạn tâm hồn mình để chào đón và tham dự lễ Sinh Nhật của Con Trời mỗi đêm 24-12 hàng năm. Tôi vẫn gìn giữ trong mình những đức tin để rèn thân luyện tính và nỗ lực trở thành một con người có ích.
Mùa Giáng Sinh, mùa thanh bình, mùa của Tình Yêu Thương. Tôi thiết tha gửi những lời chúc lành và sự tri ơn của mình tới người thân, và bạn hữu muôn nơi - những người đã luôn yêu mến, dõi theo, giúp đỡ tôi lâu nay trên bước đường đời và trên FB nhỏ này. Nguyện cầu hồng ân Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên tất cả chúng ta.
22-12-2022
Thanh Phùng
COMMENTS