“Quán Nước Đầu Làng” - Đường về quê xưa
Anna Thu Hà
“Quán Nước Đầu Làng” - Đường về quê xưa
Hãy hội nhập văn hóa để Phúc Âm mang “Khuôn Mặt Và Thịt Da Việt Nam”
Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ phía Bắc Việt Nam, tâm hồn tôi thấm đẫm nét đẹp và sự bình yên của quê hương mình. Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với con đường nhỏ trong làng, gắn liền với cây cầu khỉ nằm dưới bóng của lũy tre, và gắn với cả lũ bạn mỗi chiều nô đùa trong sân nhà xứ. Tôi cứ thế lớn lên trong sự âu yếm của quê hương mình. Rồi một ngày, theo tiếng Chúa gọi, tôi ra đi, giã từ đám bạn, lũy tre và cả mùi thơm của đồng lúa, để tìm đến miền đất Thiên Chúa dành cho tôi. Đến mảnh đất đang không ngừng “tăng tốc” mỗi ngày, tôi nhanh nhẹn hòa mình trong sự phát triển ấy, hấp thụ vào tâm hồn và sức trẻ của mình những gì tiên tiến nhất, và rồi, tôi quên đi cái truyền thống lúc nào không hay, cái làm nên tuổi thơ của chính tôi và bao đứa trẻ khác.
Nhưng hôm nay tôi rất vui khi cảm nhận lại được cái không gian ấy, nhờ cuốn sách “Quán Nước Đầu Làng” của Linh mục Nguyễn Trung Tây. Cái tựa cuốn sách đã cho tôi cảm giác như mình dừng chân trước một quán nước, rất giống với cái quán nước ở làng quê tôi. Tôi ghé vào Quán, vị Chủ quán hiếu khách vồn vã mời tôi cốc nước vối, rồi bắt đầu kể chuyện. Những câu chuyện làm tôi gặp lại những hình ảnh thân quen của xứ đạo mình, gặp lại lòng đạo đức bình dân đã nuôi dưỡng ơn gọi dâng hiến và tình yêu của tôi với Đức Giêsu.
Sau khi nghe kể chuyện, tôi thấy câu chuyện nào cũng đều để lại dấu ấn trong lòng tôi. Khi thì tiếng cười giòn tan, lúc lại nhiều ưu tư khắc khoải! Những câu chuyện Chủ Quán đã kể, đều đem đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau chen lẫn. Tuy nhiên, tôi ấn tượng nhất với câu chuyện đầu tiên “Khuôn Mặt Và Thịt Da Việt Nam”. Tôi ấn tượng vì trong câu chuyện này, tôi cảm nhận được vẻ đẹp nhẹ nhàng của văn hóa và tôn giáo khi hòa quyện với nhau, qua ngôn từ của những cuộc đối thoại và cũng vì nó không giống với tôi...
Sinh ra trong một thiên niên kỉ mới, sống đức tin trong lòng đạo đức của bà nội. Tôi không có cảm thức về quan điểm: “Kitô giáo là một tôn giáo của phương tây”, hay có thì cũng chỉ là nghe qua ở đâu đó. Đối với tôi Đức Kitô gần gũi và thân thiện lắm, đúng là Ngài sinh ra ở Palestine, nhưng qua cây thập giá Ngài đã đến quê hương tôi, Ngài đã cùng Bà nội với tôi đội chiếc nón vác cuốc ra vườn, hay ngồi nghe tôi than cả buổi trong nhà xứ, rồi lớn lên Ngài vẫn đồng hành bên tôi, cùng tôi hòa nhập vào đời sống mới, gặp gỡ những con người mới... Vì vậy, mọi khoảnh khắc trong cuộc đời tôi đã không thiếu bóng dáng tình yêu của Ngài. Câu chuyện đầu tiên của Chủ quán cho tôi cảm thấy mình là một người vô cùng may mắn. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, bằng chứng là trong 96,2 triệu dân Việt Nam thì mới chỉ có 13 triệu người công giáo.
Điều đó như một lời nhắc nhở tôi, phải gia tăng tinh thần yêu mến việc rao giảng tin mừng. Phải học được cách gieo rắc Tin Mừng của Đức Kitô với “Khuôn Mặt Và Thịt Da Việt Nam” như vị Chủ Quán chia sẻ với hết cả tâm huyết của mình. Phải sống để người ta thấy được Thiên Chúa thực sự tồn tại, Ngài luôn đồng hành và hiện diện một cách sống động trong đời mỗi người, ngay trong lúc này.
Xin cảm ơn Linh mục Chủ “Quán Nước Đầu Làng”, đã hào phóng mời tôi dừng chân ghé vào Quán, uống cốc nước vối, và kể chuyện cho tôi nghe. Những câu chuyện vui có, buồn có, khắc khoải cũng có… Tất cả đều cho tôi tận hưởng những giây phút êm đềm, trở về làng xưa quê cũ.
COMMENTS