Sách Esther - “Đọc & Học Thánh Kinh 100 tuần”
Nguồn: Ban Biên Tập Công Giáo Việt Nam
73 - Sách Esther - “Đọc & Học Thánh Kinh 100 tuần”
Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm phụ trách.
Tóm tắt nội dung bài 73 - Sách Esther
I. Nội Dung:
I.1. Bản văn tiếng Hípri:
Câu chuyện kể về ông Morđêkai, một người Do Thái phục vụ trong triều vua Ahasuêrút. Ông đã giúp nhà vua thoát chết; Ông Morđêkai có cơ hội tiến cử Esther là cháu ông và cô đã được chọn làm hoàng hậu. Esther nghe biết về một âm mưu của quan Haman nhằm tiêu diệt dân Do Thái vì ông ghét người Do Thái, cách riêng là Morđêkai. Esther đã có cơ hội trình bày với nhà vua về âm mưu của Haman nhằm tiêu diệt dân Do Thái. Haman phải đến năn nỉ Esther nhưng chính lúc ấy nhà vua bước vào, cho rằng Haman tìm cách xâm phạm hoàng hậu nên đã quyết định treo cổ ông ta bằng chính giá treo ông đã dọn sẵn cho Morđêkai. Nhà vua ban sắc chỉ phục hồi quyền của người Do Thái và ngày này đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
I.2. Bản văn tiếng Hy Lạp:
Bản Hy Lạp có thêm vào bản Hipri nói trên một số đoạn. Những đoạn này được đánh dấu theo thứ tự từ A đến F. Những phần thêm vào ở chương đầu và chương cuối nói về giấc mơ, một loại văn chương Khải Huyền. Các phần thêm khác là những lời cầu nguyện.
II. Đọc và suy niệm một số đoạn văn
II.1. Sắc chỉ tru diệt người Do Thái (3,7-9.13b-13g):
Những điều lên án trong sắc chỉ về lối sống của người Do Thái khiến ta nhớ đến những cuộc bách hại trong lịch sử Giáo Hội: Thời Đế quốc Rôma, dân Rôma có những thú vui chơi như nhà tắm công cộng, hí trường Colisê. Người Kitô hữu xa lánh những nơi và những kiểu vui chơi đó, thì lại bị lên án. Tại Việt Nam, cuốn Gia Tô Bí Lục lên án Đạo Chúa về đủ thứ tội xấu xa như móc mắt, gian dâm... và các thứ tội khác. Lý do sâu xa không phải là sự chân chính như người ta nêu ra, nhưng là sự ghen ghét và thù nghịch với Tin Mừng Chúa Kitô.
II.2. Lời Cầu nguyện của ông Morđêkai (4,17a-17h):
Lý do ông Morđêkai không chịu cúi đầu trước vua ngoại bang: “Không phải vì xấc xược, kiêu kỳ hoặc háo danh mà con làm thế... nhưng con đã làm thế để khỏi đặt cái vinh của người phàm trên vinh quang Thiên Chúa.” Các Kitô hữu trong đế quốc Rôma cũng thế, họ không chịu thờ hoàng đế vì hoàng đế cũng chỉ là con người nhưng lại xưng mình là “Đấng cứu thế” và bắt mọi người phải phụng thờ như thần thánh. Các Kitô hữu tại VN cũng vậy, họ không bỏ Đạo dù là lệnh vua ban xuống, và dù phải chấp nhận tù tội, gông cùm, kể cả cái chết.
Lịch sử để lại cho ta bài học này: khi con người phủ nhận Thiên Chúa, họ lại có khuynh hướng tôn sùng một cá nhân hay cái gì đó thay cho Thiên Chúa. Vào thời quân chủ hoặc trong những chế độ độc tài, người ta tôn thờ vua chúa hoặc suy tôn lãnh tụ. Trong thời đại ngày nay, người ta lại tôn thờ tiền bạc, hưởng thụ... Tất cả những loại ngẫu tượng đó chỉ làm cho con người vong thân và tha hóa
II.3. Giấc chiêm bao của ông Morđêkai (1,1d-1k; 10,3a-3k):
Trình thuật về giấc chiêm bao vận dụng văn chương Khải Huyền là thể loại sử dụng ngôn ngữ hình tượng để diễn tả đức tin. Chúng ta có thể gặp thứ ngôn ngữ này trong lời rao giảng của các tiên tri, trong những diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu, nhất là trong sách Khải Huyền.
Cách giải thích của Morđêkai nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Chủ của lịch sử: “Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao chưa từng xảy ra nơi các dân tộc... Thiên Chúa đã nhớ đến dân Ngài, trả lại quyền lợi chính đáng cho Dân Ngài chọn làm cơ nghiệp”.
COMMENTS