LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình mới vẫn chưa yên

SHARE:

LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình mới vẫn chưa yên

Tân LM Nguyễn Hùng Cường và LM Nguyễn Trung Tây
Nhóm CÂY MẮM 
□ LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình Mới Vẫn Chưa Yên 

... *Mỗi năm, khi Phục Sinh vừa chấm dứt, thì bắt đầu mùa xuân. Mùa Xuân hoa nở, cũng là dịp nở hoa của các trường thần học Mundelein và Catholic Theological Union ở Chicago. Mùa chịu chức Linh Mục, tôi viết chia xẻ này, nhân dịp một người đàn em [Nguyễn Hùng Cường, MM] bước lên bàn thánh, và nhân dịp nhìn lại mình đã ba năm ra trường, nên nó có vẻ nghiêm trang, có tâm sự chia xẻ, có suy niệm và tâm tình. 

Ngày 2 tháng 4 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã chính thức nhậm chức Tổng Giám Mục Sài Gòn. Trước đó ít ngày, ngài đã chia xẻ cảm nghiệm riêng tư trên internet, mạng lưới thông tin, với tựa đề: “Chia xẻ suy nghĩ về Huyền Nhiệm Ơn gọi” như sau: 

+ Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình. Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên… 
+ Thiên Chúa cần một người phát ngôn. Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisê đứng lên…
+ Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình. Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên… 
+ Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội. Người chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên. 
+ Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại. Đó là Maria Mađalêna. 
+ Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người. Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tác-xô. 
+ Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác. Người đã chọn bạn. 

Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên? (Mỹ Tho, 23-3-98, Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn) 

Lượt qua các nhân vật Thánh Kinh vừa kể trong bài suy niệm, tôi thấy có một điểm chung đồng nhất. Đó là: Sứ mệnh được trao ban thì cao cả và huyền nhiệm, còn trách nhiện thì nặng nề, mà con người các ngài lại rất yếu đuối, rất con người! Đó là ba điểm mà tôi muốn chia sẻ. 

I. Sự huyền nhiệm và cao cả của ơn gọi 

Thời đại của chúng ta đang sống, được gọi là thời đại Khoa Học Kỹ Thuật với những tiến bộ vượt bực. Những tiến bộ này đã mang lại cho cuộc sống con người những tiện nghi, thoải mái và sung túc. Nhưng đồng thời nó cũng đưa con người đến chủ nghĩa duy vật, thực dụng và khoái lạc. 

Con người đã tự giới hạn mình vào khía cạnh vật chất và khoa học, mà đánh mất dần cảm nghiệm về siêu việt, tâm linh của tôn giáo. Người ta có khuynh hướng muốn tục hóa chức Linh Mục vào một nghề. Chức Linh Mục đã được nhìn như một nghề nghiệp dưới những nấc thang giá trị của tiền bạc, những tiêu chuẩn chọn lựa trần thế. 

Tháng 5, 1988, báo Chicago Sun Times đã đưa ra một bảng liêt kê các công việc ở Mỹ (Rating Amercia’s Jobs). Bảng liệt kê đã đưa ra 250 công việc của người Hoa Kỳ theo thứ tự từ việc làm ngon, “thơm” nhất, đến việc làm cực khổ mà ít tiền nhất. Dựa trên những tiêu chuẩn về tiền lương (salary), sự căng thẳng (stress), môi trường làm việc (work environment), an ninh (security) và những đòi hỏi về thể lý (physical demands). 

Họ đã xếp “nghề Linh Mục”, Catholic priest, đứng hàng 116 trong 250 công việc. Hai nghề đứng đầu là Chuyên viên Tính toán, Actuary, của các hãng bảo hiểm và Chuyên viên Điện toán, (Computer Programmer. Hai nghề đứng chót là nghề đánh cá (fishermen) và nghề nông (farm worker).

Vì người trẻ ngày nay đã có cái nhìn thực tế-vì thực tế nên trần tục-vào chức Linh Mục. “Nghề Linh Mục” là một nghề lương ít, pressure, nhiều, vợ không có, girl friend, cũng không. Học hành thì đòi hỏi bằng cấp cũng khá cao, tối thiểu phải có Master Divinity, thời gian học tương đương bác sĩ. Nên số người muốn đi tu làm Linh Mục càng ngày càng giảm sút. Tại địa phận Chicago vào thập niên 60, mỗi năm có khoảng từ 40 tới 50 tân Linh Mục. Hiện nay mỗi năm chỉ có khoảng 6 hay 7 tân Linh Mục mà thôi! 

Vì cái nhìn trần tục và duy vật vào thiên chức Linh Mục, coi Linh Mục như một nghề như thế, cho nên hồi tháng 3/1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra một tông huấn về ơn kêu gọi, Patores Dabo Vobis, trong đó Ngài đã định nghĩa Linh Mục ngài là ai? Linh Mục là người tham gia vào sứ mệnh (mission) của Chúa Kitô và Giáo Hội, qua công việc tông đồ (ministry). 

Hai ý niệm quan trọng được Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới là sứ mệnh, mission, và công việc tông đồ, ministry. Linh Mục tham gia và sứ mệnh của Chúa Kitô và Giáo Hội bằng việc dâng hiến cả cuộc đời của mình, dâng hiến cả con người với lời giao ước, commitment: Độc thân, Vâng lời, và Khó nghèo cho lý tưởng trở nê giống Chúa Kitô. 

Còn công việc tông đồ, ministry, là phương tiện để Linh Mục thể hiện cái sứ mệnh của mình. Trong việc tông đồ, các giáo dân cũng được mời gọi để chia xẻ như các thừa tác viên Thánh Thể, giúp lễ, đọc sách, v.v… 

Khi người ta muốn đồng hóa chức Linh Mục vào một nghề, người ta chỉ muốn nhìn chức Linh Mục dưới khía cạnh công việc tong đồ, ministry: Giống như một mục sư (minister), có thì giờ làm cố định, sau giờ làm việc, đóng cửa văn phòng về nhà sống với vợ con, mà quên đi cái khía cạnh sứ mệnh, mission, của Linh Mục. Quên đi sự dâng hiến cả cuộc đời (for life), cả con người với lời giao ước, commitment. Quên đi sự dâng hiến là dấu chỉ của Tình Yêu. “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, sự mời gọi yêu thương tự đời đời của Thiên Chúa và sự đáp trả bằng đời sống dâng hiến của Linh Mục. Tình yêu mời gọi Tình yêu. Yêu thương réo gọi yêu thương. Xin nhận Thượng Đế là người yêu. 

Đẹp đẽ quá! Cao cả quá! Không có gì đẹp đẽ hơn là Tình Yêu dâng hiến! Nếu biến chức Linh Mục là một nghề thôi, được đo lường bằng tiền bạc thì tầm thường quá và đánh mất đi tính cách huyền nhiệm và cao cả của Tình Yêu Thiên Chúa. 

Vì chức Linh Mục là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa ban cho con người, cho nên con người Linh Mục đứng vững được giữa cuộc đời trần thế này là do Ân Sủng của Chúa ban, do Tình Yêu Ngài bao bọc và chở che. Khi không còn Tình Yêu Thiên Chúa nữa, chức Linh Mục sẽ trở thành một nghề. Khi mất ơn Chúa rồi, con người Linh Mục chỉ là một con người tội lỗi, thấp hèn. Và khi không còn “Tình Yêu Thiên Chúa nữa, người Linh Mục mất đi chính mình, identity, mất đi bản chất của mình, bị tha hóa, tục hóa, chỉ còn là một công nhân của một nghề mà thôi! 

Nhiều người ngày nay nghi ngờ về sự độc thân của Linh Mục 

Giữa một xã hội đề cao khoái lạc, xác thịt, và hưởng thụ thì sự hiện diện của Linh Mục là một chứng tích của sự Huyền Nhiệm và cao cả của việc Thiên Chúa làm. Đó là một phép lạ của Ân Sủng và Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. 

II. Trách nhiệm = Nặng nề 

Năm vừa qua, Linh Mục Nguyễn Khảm ở Việt Nam, có viết một quyển sách suy niệm nhỏ với tựa đề Người Phu Quét Lá. 
Linh Mục đã mượn hai câu thơ của Trịnh Công Sơn để diễn tả cuộc đời như sau: 

Người Phu quét lá bên đường, 
Quét cả nắng chiều, quét cả Mùa Thu. 

Một hình ảnh thật là thơ mộng, văn chương và tượng hình. 
— Như người phu Quét lá vàng rơi: Linh Mục cũng quét đi những rác rưởi tội lỗi của con người để làm sạch tâm hồn, dọn đường cho Thiên Chúa đến.
— Như người phu quét lá có lẫn cả nắng chiều trong lá rụng: Linh Mục cũng quét đi cả cái hiu hắt, úa tàn đang tạo nên buồn thương cho lòng người và cuộc đời! 
— Như người phu quét cả mùa Thu: Linh Mục cũng quét cả cái tàn phai, cái chết chóc để mang lại mùa xuân và Hy vọng cho cuộc sống. 

Xét về văn chương thì hình ảnh “Người phu quét lá” thật là thơ mộng! 

Nhưng trong thực tế thì chẳng có thơ mộng tí nào. Người phu quét đường: Công nhân hạng bét trong các nghề. Một công nhân cực khổ và vất vả! Mồ hôi nhễ nhãi, suốt ngày phơi nắng dầm mưa. Áo quần rách nát tả tơi: Vá đùm vá đắp! Thân hình thì gầy guộc ốm o! Đội cái nón lá rách bươm.

Hình ảnh của Linh Mục xem ra cũng có phần thơ mộng, nhẹ nhàng, chẳng mấy lo toan. Thơ mộng trong trí tưởng tượng của nhiều người. Nhưng ẩn trong cái thơ mộng ấy lại chứa chất những gánh nặng của trách nhiệm. 

Đối với các bạn trẻ, sinh ra và lớn lên ở bên Mỹ, thì hình ảnh “Người phu quét lá” xem ra rất xa lạ, chưa thấy bao giờ. Vì ở Mỹ thì chỉ có xe quét đường mà thôi. Tôi xin phép được dùng hình ảnh khác thay thế. Một hình ảnh cụ thể và thực tế hơn: Một người xúc tuyết trong mùa đông. Tôi xin vịnh lại hai câu thơ của Trịnh Công Sơn thành hai câu khác như sau: 

Nhân công xúc tuyết bên đường, 
Xúc cả gió lạnh, xúc cả mùa Đông. 

Hình ảnh này gần gũi với tôi, suốt ba mùa đông, hễ trời đổ tuyết mà vào giờ sắp cử hành thánh lễ, thì cả ông Cha sở và tôi hì hục cào tuyết, xúc tuyết, rắc muối, chuẩn bị lối đi êm ả cho giáo dân đến thánh đường. 

Tôi đứng cầm xẻng xúc tuyết, nhìn ông Cha sở mà thấy rằng không những ngài đã xúc tuyết, dọn lối cho giáo dân đi lễ, đến với Chúa vừa bằng việc xúc tuyết, lại vừa bằng tòa giải tội. Xúc tuyết xong là vào ngồi tòa giải tội, cho dù không có ai xưng tội, vẫn cứ ngồi! Không những xúc tuyết mà thôi, nhưng chính mình lại còn mang lấy cơn gió lạnh, nỗi cô đơn của mình và của cuộc đời! Ở Chicago mà xúc cả gió lạnh thì xúc đến bao giờ mới xong! Vì Chicago là thành phố gió-Windy City. 

Xúc gió lạnh, nỗi cô đơn! Xúc cả mùa đông băng giá, nỗi tuyệt vọng của con người! Đã bao năm rồi, tôi nghiệm thấy hễ trời trở lạnh, vào đông, người chết nhiều hơn. Đám ma liên miên! Ngặt một nỗi lại vài dịp Giáng Sinh-Christmas. Merry Christmas! Merry thế nào được, gia đình người ta đang buồn rầu ảo não! Thế là lại phải làm một màn suy tư thần học Giáng Sinh và Sự Chết. Một bài giảng hùng hồn cho ra đám ma! Người ta có hai lần sinh ra: Một lần sinh ra từ lòng mẹ, birthday, và một lần sinh ra từ lòng đất, death. Chúa Giêsu sinh ra, để đưa ta sinh lại vào nước trời! 

Đó là chẳng phải là cố mà xúc đi mùa đông của con người, xúc đi cái tuyệt vọng của thân phận con người hay sao? Tôi chỉ đề cập sơ sơ thôi! “Xúc tuyết” thì dễ hiểu, nhưng “xúc cả gió lạnh” và “xúc cả mùa đông” thì còn phải bàn rất nhiều. Sợ bàn quá, thiên hạ kêu là “bán than”. 

III. Linh Mục Con Người Yếu Đuối 

1. Trong tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua, trên tivi chiếu phim Mười Điều Răn. Chúng ta thấy rằng Môsê, một nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc Do Thái. Thế mà khi thấy dân chúng thờ bò vàng, ông đã không kiềm hãm được cơn nóng giận, mà ném vỡ tan bia đá khắc 10 Điều Răn. Môsê = Con người nóng giận/gắt gỏng. Một con người yếu đuối. 

2. Vua Thánh Đavít, từ trên lầu cao nhìn xuống…thấy người đàn bà đang tắm. Không kềm hãm được lòng ham muốn, ông đã chiếm đoạt được người đàn bà. Đã có con! Rồi còn ác tâm giết chết chồng bà nữa. 

Được chọn là vị Vua Thánh, dòng dõi cho Đấng Cứu Thế chào đón, thế mà cũng vẫn là con người tội lỗi yếu đuối như vậy! 

— Mang một sứ mệnh cao cả. 
— Gánh vác một trách nhiệm nặng nề! 
— Nhưng lại bằng một bản tính yếu đuối của con người! 

Linh Mục cũng thế, xét về tội lỗi và khuyết điểm có lẽ không bằng, chưa bằng Vua Đavít. Nhưng xét về Lòng Ăn Năn/Xám Hối thì chắn chắn là thua kém xa các Ngài! Vì thế Linh Mục chưa phải là Thánh! Mà vẫn là con người! Con người yếu đuối còn có thể phạm tội bất cứ lúc nào! 

Trong một bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận có nói: 

Vị Thánh nào cũng có một Quá Khứ. Và người tội lỗi nào cũng có một Tương Lai”. 
Ý nói rằng:
— Vị thánh nào thì cũng đã ăn năn, trở về từ một Quá Khứ tội lỗi. 
— Và người tội lỗi nào cũng có một Tương Lai 
+ để ăn năn thống hối, 
+ để trở về với Chúa, 
+ để nên thánh. 

Nhưng tôi thấy điều khác biệt giữa Vị Thánh-và chúng ta, người tội lỗi là: 
— Đối với vị thánh, thì Quá Khứ tội lỗi đã là một dứt khoát, một đoạn tuyệt.
— Còn chúng ta: người tội lỗi, thì Tương Lai lại là 
+ một Tương Lai bấp bênh, 
+ một Tương Lai lúc nào cũng có thể phạm tội được. 

Vì thế chúng ta vẫn chỉ là con người. Chưa phải là Thánh.

3. Dịp Tuần Thánh vừa qua, 1988, tôi chọn hình ảnh thánh Phêrô để suy niệm. Trong Phúc Âm, Phêrô là nhân vật được các Thánh ký cho nói nhiều nhất trong các thánh tông đồ. Khi đối chiếu các biến cố và câu nói, tôi thấy Phêrô là con người đầy mâu thuẫn với những giằng co nội tâm và tâm lý. Một hình ảnh rất là con người, rất giống với mình, vì thế Chúa Giêsu đã chọn ông để làm mẫu cho mình noi theo. 

A. Khi thì ông tỏ ra là con người khí khái và lập trường mạnh mẽ: 
— (Mt 16:20): Phêrô trách Chúa khi Ngài báo cuộc thương khó: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. 
— (Jn 13:8): “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”.
— (Jn 18:10): Phêrô chém đứt tai phải của người đầy tớ vị thượng tế.

Khi thì ông tỏ ra nhát gan và hèn hạ:
— (Mt 14:30): Phêrô đi trên mặt nước đến với Chúa, nhưng thấy gió thổi thì đâm sợ và la lên: “Thưa Ngài! Xin cứu con với”. 
— (Mt 26:69-72): Phêrô chối Chúa: “Tôi không biết cô nói gì”. 

Và tôi, cũng nhát lắm, cũng chối Chúa, cũng bị cám dỗ xuống sòng bài, casino, mà không muốn cho ai biết mình là Linh Mục. Không phải lúc nào và bất cứ ở chỗ nào cũng dám xưng mình là Linh Mục đâu! 

B. Khi thì quyết tâm bỏ mọi sự theo Chúa: 
— (Mk 1:18): “Lập tức hai ông Phêrô và Anrê bỏ chài lưới mà đi theo Người”. 
Khi thì hẹp hòi, tính toán, so đo: 
— (Mt 19:27): “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”. 

Và tôi, dù đã một lần hiến dâng, nhưng lại nhiều lần nuối tiếc, giống như bài ca Trên đỉnh mùa đông: 

Cho anh một lần, anh được gì không? 
Và em, em còn gì không? 

Trong những lần tâm sự với Cha Gioan Lê Tất Thắng (đã qua đời), anh em thường nói: “Thôi, cho họ được mọi sự ở đời này đi! Còn mình, may ra được ở đời sau thôi!”. Mới may ra thôi, chứ cũng chưa chắc lắm đâu!!! Nghĩ một hơi thế nào, rồi lại hỏi: “Không biết có đời sau không?”. 

C. Khi thì Tuyên xưng Đức Tin: 
— (Mt 16:16): “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Khi thì Chối Chúa, giả điếc làm ngơ: 
— (Mk 14:67-71): “Tôi chẳng biết, tôi chẳng hiểu cô muốn nói gì”. 

D. Khi thì tỏ ra là con người nội tâm sâu xa:
— (Jn 6:88): “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi với ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. 

Khi thì rất nông cạn:
— (Mt 15:15-16): Chúa nói dụ ngôn về cái gì làm con người ra ô uế, Phêrô không hiểu, Chúa trách: “Bây giờ mà anh em vẫn còn u tối sao?” 

— Ngày chịu chức sao mà đê mê, lâng lâng, huyền nhiệm làm sao, như là Phêrô lên núi với Chúa trong cảnh biến hình vậy! 
— Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời!
— Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi!
— Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng! 

Sau ba năm chịu chức, có những ngày cảm thấy rất nặng nề! Những ngày đói ăn không có cơm vì xứ nghèo, deficit, ông Cha sở không quan tâm. Gia đình thì không có ai. Thư từ và tin tức từ Việt Nam gửi sang không dám đọc! 

Trời mùa Chay Tuần Thánh, mưa nhiều, gió lạnh. Mây xám u ám. Bật cái cát-sét lên thì nghe tiếng con bé Như Quỳnh ỏn ẻn, chúm chím cái miệng: 

Trăng đêm nay, trăng sáng vẫn chưa đầy, 
Tình đôi ta, tình mới vẫn chưa yên! 

Còn sớm ngày, nên trăng chưa tròn đầy. Tình đôi trẻ mới cưới, chưa hiểu nhau nhiều, còn cãi nhau hăng, nên “vẫn chưa yên!”. Và mình, mới được 3 năm, lại cũng ‘tình mới vẫn chưa yên”. 

Một ai đó, nó sẽ bảo: “Yên thế ch… nào được mà yên!”. Phải không thưa ngài tân Linh Mục? Các cố đã dạy rằng, sau khi chết 5 phút rồi, “nó” mới chết. Vậy thì làm sao mà yên được! Buồn quá thì vẫn phải mê tiếng hát của cái con bé có cái miệng chúm chím và giọng hát ỏn ẻn, để gọi là giải trí, nhưng thực ra là trốn tránh thực tại thương đau như Phêrô thôi! Đã già rồi, trọc bố nó đầu, ấy thế mà vẫn thích cái con bé ấy. Thơ Luân Hoán có câu: 

Cám ơn đất đá trổ thơ, 
Lòng ta hạt bụi vu vơ bám hoài. 

Linh Mục Trần Cao Tường đổi thành:

Cám ơn đất đá trổ hoa, 
U mê hạt bụi lòng ta bám hoài. 

Tân Linh Mục [Nguyễn Hùng Cường] ơi! Ngày dâng hiến thì bỏ tất cả mọi sự được. Nhưng vào ngày mưa rơi, thì chỉ có hạt bụi thôi, vậy mà lòng ta cứ u mê bám hoài! Thế cho nên, nó “vẫn chưa yên” được!

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1196,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4605,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình mới vẫn chưa yên
LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình mới vẫn chưa yên
LM. Giuse Nguyễn Thái - Tình mới vẫn chưa yên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgMrbPL6181Jca9WEurBUhIZnfiySVqzPJ-u2VT8wJSUvLk86ZPBOK8PJ-IAFIUBw8iHuEK_60SDUKAEaZD2GGnWq2Pik9k1fkNt-HRfaBpCxeNfx_W63QhfH0EyLCkiQueB9IuBZAWgXRpAW93zUIe1drCoJTtkCEx7Yx6gGceJvKsbqqI7-XerWHM/w680-h1031/Hai%20Cha.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgMrbPL6181Jca9WEurBUhIZnfiySVqzPJ-u2VT8wJSUvLk86ZPBOK8PJ-IAFIUBw8iHuEK_60SDUKAEaZD2GGnWq2Pik9k1fkNt-HRfaBpCxeNfx_W63QhfH0EyLCkiQueB9IuBZAWgXRpAW93zUIe1drCoJTtkCEx7Yx6gGceJvKsbqqI7-XerWHM/s72-w680-c-h1031/Hai%20Cha.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2022/06/lm-giuse-nguyen-thai-tinh-moi-van-chua.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2022/06/lm-giuse-nguyen-thai-tinh-moi-van-chua.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content