Đào Nguyên Hà: Những Mối Tình Vụn Vặt

SHARE:

Đào Nguyên Hà: Những Mối Tình Vụn Vặt


FB Michael Quang Nguyen 

LM nhạc sĩ Nguyễn  Hùng Cường  □ June 13, 1998 -  June 13, 2022

LM nhà văn Michael Quang Nguyễn □ June 1, 2002 - June 1, 2022 

* Tháng Sáu 
- Cầu cho quý Tân Linh Mục, quý LM kỷ niệm ngày chịu chức Linh Mục 
- Cầu cho quý Tu sĩ tuyên khấn lần đầu, khấn trọn, kỷ niệm Ngọc, Kim, Ngân khánh *

Nhóm CÂY MẮM 
Tuyển Tập MỘT KHOẢNG THỜI GIAN ĐÃ ĐI QUA 

Đào Nguyên Hà 
Những Mối Tình Vụn Vặt 

Tôi lớn lên trong một thôn nhỏ nghèo nàn thuộc miền Tây nước Việt. Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn với cây đồng cỏ nội, làm bạn với chim muông, trâu bò. Khác với thành đô, làng tôi không có những nhà hàng sang trọng, chẳng có các quán cà-phê đèn mờ hấp dẫn, thiếu hẳn những chuyện tình lãng mạn nóng bỏng. Thế mà tôi lại bị tình đá nhiều hơn bò đá. 

Mối tình đầu tiên của tôi khởi sự từ một buổi đi hôi cá ngoài ruộng. Sau khi chủ đìa tuyên bố xả đìa, chúng tôi trai gái lớn bé khoảng hai chục đứa lội bì bõm xuống sình lầy mong được vài con cá còn sót lại. Tiếng cười, tiếng la hét, tiếng chửi thề hòa lẫn với tiếng bì bọp trong bùn tạo thành một hoạt cành náo nhiệt ít thấy nơi miền quê thanh tịnh. Người tôi bê bết bùn. Bùn trét kín từ đầu đến chân. Bùn dính vào tóc, bùn chui vào miệng, bùn lách vào lỗ mũi lỗ tai. Chiếc quần xà lỏn của tôi mua ngoài chợ bị bùn bám dày cộm, nặng chình chịch chỉ chực tuột xuống chân. Một, hai, rồi ba con cá rô đã không thoát khỏi đôi tay thiện nghệ của tôi. Bỗng nhiên một con cá lóc to bằng cổ chân ngóc đầu lên để thở. Cả chục đứa không hẹn mà cùng lao bổ vào chỗ con cá đang ngớp bùn. Bùn bắn tung tóe vào mặt vào mắt. Tôi nhắm nghiền mắt lại mò mẫm ở phía trước. Một sinh vật nhúc nhích trong bùn gần tay tôi; tôi vội vàng chụp lấy, nghiến răng nhấn sâu xuống bùn, đồng thời tay tôi cũng bị ai chụp phải. Tôi nghe giọng con gái thoang thoảng bên tai:
 
— Làm gì nắm chân người ta vậy?

Mắt bị bùn dính nên tôi phải nhắm lại. Tôi không còn phân biệt nổi giọng con gái đó nói với ai. Lòng nôn nao chỉ sợ con cá to nhất đìa sổng mất nên tôi càng xiết chặt tay hơn. Con cá lóc quẫy mạnh trong tay tôi. Mất đà tôi ngã giúi vào người bên cạnh. Lờ mờ nhận ra đó là một vạt áo sạch, tôi dụi mặt vào để lau bùn. Bốp! Má tôi lãnh đủ một cái tát nên thân. Giọng con gái lúc nãy gắt gỏng hơn: 

— Ðàn ông con trai gì mà dê dẩm.

Tôi mờ bừng mắt, mặt thộn ra vì thẹn. Hai tay tôi đang nắm chặt cổ chân của cái Hiền, còn cái chỗ mà tôi vừa mới dụi mắt là ngay ngực nó. Cả đám con nít xung quanh ré lên cười rúc rích làm cả hai đứa tôi ngượng chín cả người. Tôi vờ cúi xuống mò bùn cho đỡ thẹn. Tụi nhóc cắc cớ vẫn không buông tha: 

— Ê, muốn mò chân nữa hả? 

Tôi bực mình đứng lên trút ba con cá rô vừa bắt được vào rọ của Hiền rồi leo lên bờ về thẳng nhà. Tiếng cười chế diễu vẫn vang đều phía sau. Từ đó trở đi, Hiền và tôi trở thành đề tài trêu chọc của trẻ con. Ngày nào tôi cũng nghe những câu đại loại như, “Thằng Hà ôm con Hiền”. “Ê, hôm nay hai vợ chồng mày có đi hôi cá nữa không?” 
Hai đứa trở nên cô độc không dám chơi với ai. Những lời chọc ghẹo vô tình đã đẩy hai chúng tôi vào cùng một chiến tuyến. Xích lại gần nhau hơn, thương nhau hơn và cùng nhau chống chọi với đám con nít hàng xóm. Tình cảm dần dà nẩy nở giữa tôi và Hiền. Ðống rơm, gốc chuối, bụi tre, bờ ruộng…đều là những kỷ-niệm nên thơ của tình yêu trẻ nít. Không biết Hiền đã xé nát biết bao nhiêu tàu lá chuối, còn tôi nhổ bằng sạch cỏ xung quanh bụi tre gai mà hai đứa vẫn chưa nói lên được điều muốn nói. Quanh đi quẩn lại chỉ toàn là những câu ấm ớ hội tề lạt hơn cả nước ốc. 

Tôi được tuyển vào chủng viện. Ðó là một tin vui cho bác tôi. Tôi quên chưa kể cho các bạn nghe; tôi sống với bác tôi, một linh-mục thuộc họ đạo miền quê Cái-Sắn. Nghiễm nhiên tôi trở thành một chú chủng-sinh. Làng xóm không còn gọi tôi là thằng Hà nữa. Ðời tôi thay đổi từ đây. Một biến chuyển lớn lao từ tên gọi đến cách sống. Không còn những ngày giang nắng ngoài đồng bắt chuột, câu cá. Không còn chửi tục, đánh lộn hay gọi nhau mày, tao, chi, tớ. Thay vào đó là những giờ cầu nguyện, lần hạt, nguyện gẫm xen kẽ trong ngày; là những giờ Pháp-văn, La-tinh, Giáo-lý và những môn học phổ thông; là giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi và huấn đức. Cuộc sống của tôi khép vào giờ giấc và kỷ-luật “Giờ nào việc nấy, việc nào chỗ nấy.” “Qui regulae vivit, Deo vivit.” (Ai sống theo kỷ-luật là sống theo Chúa). Những câu châm ngôn này tôi nghe nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Nhiều đến độ đang ngủ giật mình thức giấc tâm thần hốt hoảng ngỡ mình trễ giờ học. Cuộc sống trẻ thơ sớm nếm mùi lo sợ. Sợ vì kỷ-luật quá khắt khe, lo vì các cha, các thầy quá nghiêm khắc. Sợ không thuộc bài, sợ bị phạt kỷ-luật, sợ bị trừ điểm hạnh kiểm, sợ bị đuổi, sợ không được lên lớp…ôi đủ thứ sợ. Ban ngày chúng tôi dồn nén những lo âu sợ hãi trong tim, để rồi đêm xuống mỗi đứa một giường đó đây vang tiếng khóc rấm rứt vì nhớ nhà, vì bị phạt, vì không thuộc bài. 

Tinh thần vốn dĩ sa sút vì sợ, lại thêm ăn uống kham khổ. Ðến bữa ăn nhìn mâm cơm quanh đi quẩn lại: muối mè hoặc tép rang, trưa tối dừa khô kho với thịt. Bới lộn dừa lên họa may mới vớ được miếng thịt mỡ. Liếc nhìn mâm cơm các cha nào rượu Tây, thịt bò, thịt heo, tôm càng, cá lóc bự…ôi đủ thứ sơn hào hải vị, ngó phát thèm; vừa liếc nhìn vừa nhắm mắt mà ăn hàm thụ. Mỗi tuần vào thứ Năm hay Chúa-Nhật chúng tôi phải mặc đồng phục, xếp hàng đôi đi dạo ngoài đường phố dưới sự giám sát của các thầy Giám-thị. Dân chúng nhìn thấy xì xào chỉ chỏ bàn tán. Họ ngỡ chúng tôi là các trẻ cô-nhi con của các bà phước. Ðó là chủng-viện của tôi, nơi mơ ước của nhiều gia-đình Việt-Nam muốn gởi gấm con cái vào học. Ðứa nào vô phước chẳng may bị đuổi ra khỏi chủng viện liền bị thiên hạ bĩu môi rủa sả, “Ðồ tu xuất, thứ ăn hại cơm nhà Ðức Chúa Trời”. 

Tuy vậy tuổi thơ dễ buồn, dễ giận và cũng dễ quên. Ngày qua ngày, tháng năm nối tiếp nhau, chúng tôi vui sống, chia sẻ cho nhau những kỷ-niệm vui buồn cùng những thăng trầm trong cuộc đời. Tình bạn giữa chúng tôi, những chủng sinh sống xa nhà, ngày càng khăng khít. Thứ tình bạn thuần khiết đó lâu ngày biến dạng thành một thứ tình yêu đồng phái tính mà chúng tôi đặt tên là “trồng cảnh”. Trong bọn chúng tôi đứa nào có vóc dáng dễ thương là được các cha các thầy cưng chiều dành cho nhiều ưu đãi. Ðược các đấng nhận làm con và gọi với cái tên rất ư là dễ ghét “ấm”. Những cậu ấm mau chóng trở thành mục tiêu ve vãn làm quen của các bạn cùng trường và biến thành một thứ cây kiểng mà ai cũng muốn săn sóc vun trồng. Tên nào để lộ ra cái tình cảm ưa thích riêng một đứa khác là ngay lập tức được khoác cho danh hiệu “trồng cảnh”. Rõ là vớ vẩn, chúng tôi còn quá ngây thơ chưa hiểu được sự dồn nén tâm sinh lý nơi một tập thể toàn con trai với nhau, gọi nôm na “không có chó bắt mèo ăn cứt”. Thế mà tôi cũng mất một năm vướng vào mê lộ. Cũng buồn, cũng đau khổ, cũng nhớ thương. Tỉnh lại thì ra đã muộn rồi. Năm đó học lực tôi sa sút một cách trầm trọng. 

Mùa Xuân năm 1975 đánh dấu một biến cố lớn lao nhất trong lịch sử Việt-Nam. Biến cố này ảnh hưởng mạnh và gây xáo trộn không ít nếp sống của chủng-viện vốn dĩ bình lặng và đơn điệu. Miền Bắc xâm nhập lãnh thổ miền Nam, lấn chiếm các tỉnh miền Trung. Tấm bản đồ Việt-Nam to tướng được treo ngay trong nhà cơm chủng viện. Những mũi tên đỏ biểu thị hướng tiến công của miền Bắc ngày càng dài thêm. Mỗi ngày tôi bước chân vào nhà cơm là thấy ngay trên bản đồ khoanh đỏ một tỉnh đã bị miền Bắc chiếm đóng. Giờ cơm thay vì nghe đọc sách chúng tôi nghe đài phát thanh Sài Gòn. Ðài vừa mới tuyên bố tử thủ An Lộc, hôm sau đã nghe bỏ ngỏ Kontum. Ôi thật chán nản. Tổng thống ban hành lệnh tổng động viên. Tất cả các nam thanh-niên sinh từ năm 1958 đều phải sẵn sàng tòng quân. Tinh thần học sinh toàn quốc thật hoang mang. Lớp học thưa dần và bài học trở nên vô nghĩa. Giáo sư thay vì giảng bài lại nói về tình hình đất nước. Từng lớp, từng nhóm tổ chức những bữa tiệc chia tay. Thầy trò nhìn nhau ứa lệ. Ðợt I tuyển quân lớp tôi dính năm. Buổi chia tay thật đau buồn thảm đạm, chan chứa tình bạn tình người. Chúng tôi uống bia, hút thuốc tâm sự cả đêm. Sáng sớm hôm sau Chúa-Nhật lễ Lá đứng ngủ gà ngủ gật. 

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt sôi động. Chủng-viện giải tán cho chủng-sinh nghỉ hè sớm. Tôi đâu có ngờ lần chia tay này cũng là lần chia tay vĩnh-viễn với nhiều người. *Không phải nằm mơ mà là sự thật, 10 giờ 30 trưa ngày 30-04-1975 tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bộ đội Bắc Việt tiến vào Sàigòn. Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa rã ngũ lột bỏ quân trang quân dụng tứ tán về quê. Nước mắt tôi bỗng dưng chảy dài. Tôi không hiểu tôi khóc vì lý do gì? Khóc vì mất nước hay khóc cho tương lai. Mở đài phát-thanh tôi nghe giọng hát khàn khàn của Trịnh-Công-Sơn không đàn không trống cất lên bài ca “Nối Vòng Tay Lớn”. Lẽ ra bài hát phải hùng hồn phấn khởi vậy mà nghe sao tẻ ngắt rời rạc. Tiếng hát bị ngắt quãng bởi tiếng xích xe tăng T-54 và tiếng đài phát thanh: 

Rừng núi giang tay nối lại biển xưa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. 

Quả thật núi rừng sông biển đã nối chặt lại. Vòng tay lớn Xã Hội Chủ Nghĩa lớn mãi, lớn mãi để nối kết hai miền Nam Bắc thống nhất với nhau.

Khu xóm nhỏ của gia-đình tôi đang cư ngụ diễn ra một cảnh tượng lạ lùng tôi chưa bao giờ được chứng kiến. Từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối mọi người xếp hàng dài chờ xưng tội. Làm như sắp tận thế. Có người bỏ xưng tội rước lễ hai, ba chục năm cũng lặng lẽ xếp hàng đợi chờ. Có người mổ heo đem chia cho hàng xóm ăn vì nghĩ rằng mai này sẽ chẳng có dịp ăn nữa. Vải xanh dương, đỏ và vàng bán chạy như tôm tươi. Thiên hạ mua về may cờ Mặt Trận Giải Phóng. Tất cả đổi thay. Từ mầu cờ sắc áo cho đến lời ăn tiếng nói, giọng ca điệu hát và thay đổi cả lối sống.

Ðược giấy triệu tập gấp về chủng viện, tôi tức tốc rời bỏ gia-đình xuôi về miền Tây để nhận bài sai đi giúp giáo-xứ Ðài Ðức Mẹ. Khu vực Ðài Ðức Mẹ rộng mênh mông với trường trung học, viện Giáo lý, đài Ðức Mẹ, nhà thờ và nhà xứ. Tôi loay hoay mất ba ngày tròn để thử hàng trăm chìa khóa khác nhau của cha xứ cũ bỏ lại không một tờ ghi chú. Mở được cửa văn-phòng trường học thì…hỡi ôi, mối xông gần hết tủ sách. Học bạ, sổ điểm vứt bừa bãi trên bàn lẫn lộn với con dấu và thức ăn thừa. Tôi loay hoay lau chùi, quét dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp. Ngồi một mình trong văn-phòng tôi mơ màng nghĩ đến ngày khai giảng niên học mới, mình sẽ là thầy Tổng Giám thị trường trung học tư-thục, oai biết mấy. 

Oai đâu chẳng thấy, khổ đã tới nơi. Lệnh mới ban hành: các nơi phải chuyển giao cơ sở giáo-dục cho nhà nước quản lý. Trường công nhà nước tịch thu, trường tư thì ký giấy mượn tạm. Học sinh các lớp ùn ùn kéo ra xin rút hồ sơ học bạ để chuyển trường. Tôi đầu tắt mặt tối, thở không ra hơi, lớp lo bàn giao trường sở, lớp giải quyết hồ sơ. 

Một buổi trưa tháng Năm ve sầu ngân nga điệu ca quen thuộc mùa Hè. Khí hậu oi bức. Bầu trời trong xanh ngợp mây trắng. Con đường dẫn tới trường đỏ hồng mầu hoa phượng. Tôi đang ngồi kiểm tra hồ sơ học bạ còn lại, chợt có tiếng gõ cửa. Mắt chăm chú nhìn vào sổ danh bạ, tôi nói vọng ra:

— Mời vào. 

Tiếng của một cô gái trong trẻo thánh thót: 
— Thầy cho em rút học bạ.

Mắt tôi vẫn không nhìn người mới tới, miệng hỏi theo thói quen. 
— Tên gì? Lớp mấy? 
— Dạ lớp Chín…tên em xấu lắm. 
— Xấu cũng phải có tên mới mò ra học bạ chứ. 

Tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một nữ sinh thật duyên dáng dễ thương, có lẽ tôi chưa từng gặp ai đẹp như vậy. Tôi nhìn đăm đăm khuôn mặt khả ái đó không chớp mắt, quên cả hỏi tên. Thái độ của tôi làm cô gái bẽn lẽn, mặt đỏ bừng cúi xuống hai tay vân vê vạt áo trắng. Tôi lẩm bẩm một mình…đẹp, đẹp thật. Cô gái chợt lên tiếng: 
— Thầy mỉa mai em. Tên em xấu lắm. Tụi bạn nó ghẹo em hoài mà thầy còn khen đẹp. 

Tôi chợt tỉnh ngộ trở về thực tại. 
— Thầy đâu có mỉa mai em. Em đẹp thật đó. Tên em là gì? 
— Dạ Hợi, Phạm thị Hợi. 
— Chắc em sinh năm con heo nên mẹ mới đặt tên Hợi. 
— Phải em sinh năm 1959. Cái tên thật là chán ngấy, nghe tên đã thấy mỡ, ớn thấy mồ. Em muốn đổi tên lắm mà không biết làm sao mờ đổi được. 
— Em muốn đổi thành tên gì? 
— Em không biết. Thầy đặt tên cho em đi. 

Sau nửa tiếng đồng hồ loay hoay với các tên Hồng, Hoa, Liễu, Trang, Thơ, Nguyệt…tôi và cô nữ sinh thống nhất với nhau một cái tên mới: Phạm thị Thanh Thủy. Cô gái rụt rè hỏi tôi: 

— Chọn cho vui vậy thôi chứ làm sao mà đổi được?
— Em đừng lo. Bây giờ thầy lấy học bạ mới sao lại tất cả điểm các năm cho em với tên mới. Từ nay trở đi hễ nơi nào hỏi hồ sơ lý-lịch em cứ khai chạy loạn mất hết rồi. 

Có lẽ cô bé quá đau khổ vì cái tên của mình nên đã liều lĩnh chấp nhận một cuộc mạo hiểm đổi tên lôi cuốn cả tôi nhập cuộc. Chọn tên đã khó, sửa đổi học bạ lại còn khó hơn. Phải nhái chữ ký của hầu hết giáo sư dạy các năm. Thật là khổ ải. Mất thêm hai tiếng đồng hồ chăm chú tỉ mỉ từng li từng nét, tôi hoàn thành cho cô bạn gái vừa quen một cuốn học bạ hoàn chỉnh với đầy đủ điểm, hình ảnh, chữ ký và con dấu. 
— Phạm thị Thanh Thủy. 

Cô gái lẩm bẩm đọc lại cái tên mới trước khi cám ơn từ giã tôi ra về; để lại tôi một mình bâng khuâng, lẻ loi trơ trọi. Tôi lơ đãng nhìn đống học bạ còn lại. Không biết trong đó còn bao nhiêu cô gái muốn đổi tên? 

Ðổi tên không mấy gì quan trọng. Từ nay chúng ta ai cũng phải đổi mới cuộc đời. Phải quên đi dĩ vãng vàng son của một thời xa trước, phải cố chôn vùi những kỷ-niệm cũ, những yêu thương lãng mạng tuổi học trò để chập chững bước vào xã hội mới: Xã Hội Chủ Nghĩa. Xã Hội Chủ Nghĩa với lao động là vinh quang, với chủ-nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng, có Ðảng lãnh đạo, có bác Hồ là đèn soi sáng đường đi. Chúng ta không có sự chọn lựa. Chỉ có một con đường duy nhất đúng, đó là tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa.

Con đường xây dựng XHCN tiến rất chậm. Trái lại, con đường tình của Thủy và tôi phát triển rất nhanh. 

Một tháng sau ngày đặt tên Thanh Thủy hớn hở vào phòng tôi khoe tấm thẻ cử tri với cái tên mới: Phạm thị Thanh Thủy. Ðây là tờ giấy duy nhất hợp pháp mà Thủy có được. Nó chứng nhận cô nàng là Thủy chứ không còn là Hợi ngày xưa nữa. Tôi vui lây với niềm vui của Thủy. Ðến lúc này Thủy mới tò mò hỏi tôi. 
— Tại sao thầy đặt tên em là Thanh Thủy? 
— Thầy cũng không hiểu tại sao. Có lẽ lúc đó thầy nghĩ đến cái tên của mình. Thanh là tên lót của thầy. Thanh Hà có nghĩa là giòng sông xanh. Thanh Thủy là giòng nước xanh cũng giống nhau thôi. 

Thủy cười rồi kết luận.
— Như vậy mình có tên giống nhau: Thanh Hà–Thanh Thủy. Giòng nước xanh này phát nguồn từ giòng sông xanh. 

Món quà đầu tiên Thủy tặng tôi trong mùa Giáng Sinh là cái ví da, trong đó để sẵn hai tấm hình 6x9. Một tấm chụp khuôn mặt Thủy nhìn nghiêng trông như một nữ nghệ sĩ; tấm còn lại là nữ-sinh Phạm thị Thanh Thủy mặc áo dài trắng, ôm cặp da đen trước ngực, trông ngây thơ, thùy mị, dễ thương. Và rồi khăn tay thêu và lần lượt những bức thư thố lộ tình yêu một cách kín đáo, ẩn núp dưới danh hiệu thầy trò.

Tôi đón nhận với tất cả niềm vui của một kẻ mới biết yêu lần đầu. Chiếc ví da lúc nào cũng nằm ở túi quần sau, khăn tay thêu ở túi ngực, thư tình nằm rải rác trong các sách thần-học cơ bản và triết-học. Hương vị tình yêu bủa vây tôi tứ phía. Tôi hít thở nó như một nguồn sinh khí mới có sức mở tung các năng lực tiềm tàng trong thân xác tôi. Có lần Thủy viết cho tôi: “Em bây giờ thật buồn. Em không thể tiếp tục việc học vì có ông anh là thiếu-tá đang cải tạo ngoài Bắc. Lý-lịch em quá xấu nhà trường không nhận. Nhìn thấy bạn bè đi học mà thèm. Ngày xưa em thích đọc thơ tình của Xuân-Diệu và Huy-Cận, bây giờ sách vở cũ bị tịch thu hết nên chẳng còn gì mà đọc. Ở nhà buồn quá thầy ơi!”. 

Thanh Thủy em thích đọc thơ tình ư? Thế là tôi suốt ngày ngồi mơ mộng sáng tác những vần thơ hay. Thơ cứ tuôn ra ào ạt cho dù trước đây tôi chưa từng bao giờ làm thơ. Ngồi trong lớp học nhìn ra ngoài thấy bóng Thủy đi lễ là có bài thơ. 

Chiều về trên bãi cỏ non, 
Theo em đi lễ có con bướm vàng. 
Tươi vui nhịp guốc khua vang. 
Nhịp nhàng bướm lượn, rộn ràng tim anh. 
Em đi giữa đám cỏ tranh, 
Gió lay áo đỏ cỏ xanh rì rào. 
Trông em xinh đẹp làm sao. 
Hồn anh những muốn len vào mắt nai. 
Nghiêng nghiêng bóng đổ hình hài, 
Tâm tư trĩu nặng đôi vai thon gầy. 
Gió chiều hôn nhẹ tóc mây, 
Xua tan nỗi nhớ chất đầy hồn thơ. 
Vũng sầu ngâm mắt nai tơ, 
Lỏng buông suối tóc xuống bờ vai xanh. 
Chiều về bươm bướm lượn quanh. 
Anh ganh với bướm đã giành mất em. 

Kinh sáng, kinh chiều, kinh tối dần dà trở nên nhàm chán với tôi. Thánh-vịnh của người Do Thái quanh đi quẩn lại cũng một cung điệu, “Xin Trời đổ mưa xuống dương gian. Chúng tôi mong đợi, khát khao suối ngàn”. Tôi đang tắm trong biển cả tình-yêu. Ðời tôi đang bơi trong dòng sông Thanh-Thủy, cần chi đền mưa nguồn, khát chi đến suối trong. Tình yêu Thanh Thủy dành cho tôi ngọt ngào tươi mát biết bao. Tôi nắn nót chép lại bài thơ tình đầu tay thật đẹp, bỏ vào bì thư trao tặng Thủy. Ðáp lại Thủy tỏ ra rất thích bài thơ này. Thủy khen tôi làm thơ tình hay hơn cả Huy-Cận. 

Ôi hạnh phúc! Ðược Thủy khen trái tim tôi rạo rực. Tôi bỏ mặc tất cả lao đầu vào sáng tác thơ. Tình yêu quả là nàng thơ nhiệm mầu. Chỉ trong vòng có vài tháng tôi đã hoàn tất một tập thơ tình với 20 bài thơ mà tôi cho là bất hủ. Tôi chép tay và đóng thành tập trân trọng trao tặng người yêu thơ. Cầm tập thơ trong tay Thanh-Thủy hết sức cảm động. Ðôi mắt long lanh Thủy tựa đầu vào lòng tôi thủ thỉ: — Em không ngờ thầy yêu em như vậy. 

Tôi ôm xiết Thủy trong vòng tay. Mùi tóc, mùi nước hoa, mùi da thịt ngợp mũi tôi. Tôi cúi xuống. Thủy ngước lên. Trong im lặng hai đứa trao nhau nụ hôn đầu đời đắm đuối. Chúng tôi quên tất cả. Không biết gì hết. Không ý thức mình đang ở đâu. Trái tim tôi đập thình thịch. Tôi nghe rõ cả nhịp đập trong lồng ngực Thủy. Chúng tôi mê đi trong giây lát. Chúng tôi chỉ buông nhau ra khi mẹ Thủy xuống bếp bắt gặp. Tôi đứng chết trân. Mặt Thủy đỏ bừng bẽn lẽn. Tôi đứng im như tội nhân chờ xét án. Mẹ Thủy không nói gì bà bỏ đi lên nhà trên. Thủy trấn an tôi: 
— Ðừng sợ. Mẹ biết em yêu anh lâu rồi. 
— Không sợ sao được em. Dẫu sao anh cũng có lỗi. Thủy nhún vai: 
— Yêu nhau có tội hay sao? 

Tôi trở lên nhà trên với tâm trạng hết sức lo âu hồi hộp. Mẹ Thủy không nói gì. Sự im lặng của bà càng khiến tôi thêm sợ hãi. Gia-đình Thủy rất danh giá. Thủy có ông anh cả làm linh-mục nên mọi người vẫn gọi cha mẹ Thủy là ông bà cố. Lẽ nào bà cố lại dễ dàng bỏ qua cho tôi được. Thu hết can đảm tôi ấp úng mở lời nhận lỗi. 
— Thưa cố…con… 

Bà cố đưa tay ra hiệu cho tôi đừng nói.
— Tôi biết cả rồi. Nếu thầy thực sự yêu cái Thủy nhà tôi thì thầy phải gọi gia-đình ra nói chuyện đàng hoàng. Thủy nó là con út. Tôi không muốn nó sống xa tôi. Lấy nó thầy phải ở rể. Vả lại từ trước tới giờ thầy chỉ lo học chữ. Thời buổi bây giờ phải có nghề nghiệp. Thầy phải học lấy một cái nghề. 

Tôi không ngờ bà cố nói huỵch toẹt ra như vậy. Cúi mặt xuống, trong phút chốc tôi chẳng biết trả lời ra sao. Thủy đã nghe hết những gì bà cố vừa nói, nàng gỡ rối cho tôi. 
— Mẹ, làm gì gấp gáp vậy. Con mới có 16 tuổi mà. 
Bà cố hứ rõ to.
— Mẹ nói vậy không đúng hay sao. Phải nói trước như thế thầy ấy mới có thời gian suy nghĩ và quyết định. 

Tôi xin phép bà cố ra về lòng băn khoăn suy nghĩ. Bà cố nói rất đúng. Khi yêu nhau người trẻ thường không mấy quan tâm đến hoàn cảnh xã-hội, kinh tế gia đình, hay tương lai cuộc sống. Người trẻ chỉ thấy tình yêu tuyệt diệu và yêu là tất cả. Bà cố nhắc nhở tôi phải đối diện với thực tế. Người ta không thể nhịn đói mà yêu nhau. Thực tế của tình yêu không phải là thơ mà là tiền. Nhớ lại những tháng trước đây tôi đã làm tất cả cho ý muốn của Thủy. Tôi có bài thơ diễn tả tâm trạng đó trong tập thơ mà Thủy thường gọi đùa là “những vần thơ nịnh đầm”. 

Em yêu tranh Vi Vi 
Anh ngồi chuốt viết chì 
Tập tô từng nét vẽ 
Bé tí tị tì ti. 

Em thích đọc thơ tình 
Anh bỏ hình bỏ học 
Ngồi làm thơ con cóc 
Ca tụng em đẹp xinh. 

Em thích đờn thích ca 
Anh bỏ cả việc nhà 
Nắn nót từng cung nhạc 
Trên phím đàn ghi-ta. 

Giờ đây thêm một lần nữa vì Thủy tôi phải chiều theo ý muốn của mẹ nàng, phải thực tế, phải có nghề nghiệp. Ôi chao ơi, yêu nhau sao mà khó quá. Tự dưng tôi thấy cảm phục các thanh niên khác. Họ cũng không có nghề nghiệp như tôi, cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, vậy mà họ cưới vợ đẻ con ào ào, cưới một cách vô tư dễ dàng. Còn tôi sao quá nhiêu khê. 

Ðể học nghề tôi phải cầu thân với một thầy bạn rất giỏi sửa đồng hồ và bái y làm sư phụ. Bài học đầu tiên là phải tập tháo ráp đồng hồ. Sư phụ của tôi chỉ cho tôi cặn kẽ thứ tự trước sau từng động tác một, và còn dạy tôi nhớ tên từng bộ phận. Nào là dây thiều, con ngựa, bánh xe tự động, và các loại bánh xe chuyền… Tôi phải nhịn chi tiêu dành tiền mua bộ đồ nghề. Chiếc đồng hồ hiệu TELDA phần thưởng thi đậu tú tài toàn phần của tôi biến thành vật thí nghiệm. Dưới sự giám sát kỹ lưỡng của sư phụ, tôi bắt đầu mở nắp đồng hồ. Vì quá hấp tấp, tôi đã quên một điều hết sức hệ trọng, là phải xả hết dây cót trước khi mở nắp. Tôi vừa cạy nắp sau đồng hồ ra thì…rẹc…soẹt…dây cót xổ ra một búi, hất con ngựa và các bánh xe chuyền văng vãi tứ tung, làm cong cả cốt đồng hồ. Mặt tôi tái mét, vừa xấu hổ với sư phụ vừa tiếc cái đồng hồ. Tôi nhìn thấy sư phụ lắc đầu miệng nói liên hồi:
— Hỏng, hỏng…hỏng bét. 

Thế rồi cả sư phụ lẫn đệ tử bò lồm cồm dưới đất mò tìm các bánh xe đồng hồ. Bạn bè đang ngồi học xung quanh vừa mắc cười vừa thương hại cũng cúi xuống chổng mông kiếm tìm. Một thầy lên giọng dạy đời: 
— Tao đã bảo mà. Tu thì lo tu, đừng có tò mò công việc đồng áng.

Khi tôi học xong khóa sửa đồng hồ với sư phụ thì phong trào bộ đội miền Bắc vào Nam mua các loại đồng hồ cũ không còn nữa. Thật là éo le. Tôi hí hửng ra khoe Thanh Thủy và nói với mẹ nàng: 
— Cố yên tâm, vâng lời cố con đã biết sửa đồng hồ. 

Bà cố lắc đầu nói một cách nghiêm nghị.
— Thời buổi bây giờ làm gì có đồng hồ mà sửa với chữa. Ðồng hồ thì cũ, đồ phụ tùng chẳng có. Thiên hạ tối ngày lam lũ ngoài ruộng ai mà đeo đồng hồ. Thầy có học sao mà kém tính toán. Thợ may biết chửa? Bao lâu thế gian còn ăn còn mặc thì thợ may không bao giờ chết đói. 

Tôi chỉ biết cúi đầu lí nhí:
— Thưa cố vâng, cố nói rất chí lý. 

Và như để chứng minh lời nói của mình là đúng bà cố quyết định gửi Thanh Thủy lên Sài Gòn học may vá thêu. Trước khi đi Thủy cho tôi địa chỉ của chị nàng và dặn tôi phải đều đặn viết thư. Còn tôi trở về với tâm trạng ngao ngán không vui. Thanh Thủy đi được mấy hôm tôi đã thấy nhớ thương da diết. Lá thư đầu tiên tôi gửi cho Thủy là bài thơ thương nhớ. 

Tôi không dám gọi tên em 
Giữa đêm vắng không đèn. 
Sợ âm thanh tôi phá tan khung trời êm ả. 
Sợ em giật mình thức giấc giữa đơn côi. 
Khép chặt bờ môi, 
Tôi bồi hồi đưa em vào tiềm thức. 
Tôi không dám viết tên em 
Lên mặt giấy trơn mềm. 
Sợ tên em mãi bị giam cầm trong trang giấy trắng. 
Nên tôi khắc tên em 
Vào trái tim tôi.
Rồi nghẹn ngào nghe tim mình đau buốt. 
Hôm kia, hôm qua, và hôm nay. 
Xa em mới có dăm ngày. 
Giữa đêm tối, 
Trong lúc ngủ say, 
Tôi mơ màng thấy mình viết và gọi tên em. 

Thời gian Thanh Thủy học may ở thành phố tôi được lệnh đổi xứ. Bận rộn với công việc của giáo-xứ mới, tôi tạm quên đi nỗi buồn tương tư, nhưng hai chữ học may luôn ám ảnh tâm trí tôi. Làm sao tôi có thể vừa giúp xứ vừa học may được. Muốn học may phải có bảy chỉ vàng đóng học phí cho đến khi ra nghề. Tối thiểu phải có một bàn máy may. Tôi đâu có những thứ đó. Tôi chỉ có con tim, khối óc, có hai bàn tay, nhưng lại không có tiền. 

Chiều chiều sau một ngày lao động mệt mỏi tôi thường hay ngồi dưới tháp chuông mơ mộng viễn vông. Khu vực nhà thờ rộng thênh thang. Chuối, trúc bao phủ um tùm tứ phía. Chiều tối không một ai lai vãng. Tất cả chìm trong hoang vắng. Chỉ có tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp càng tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng tôi. Những lúc này tôi thấy sợ hãi kiếp sống tu trì. Không tiền, không nghề nghiệp, không vợ con, tương lai thì mù mịt xa vời. Ngoài giờ kinh, lễ tối, ngày ngày quanh quẩn làm bạn với cái cuốc và đôi thùng tưới. Trên thì cha xứ hạch sách, chê trách đủ điều. Dưới thì cô bếp sai bảo lung tung. Ra đường chơi, thiên hạ bĩu môi mỉa mai: “Ngồi mát ăn bát vàng”. Ði giúp xứ thật khổ hơn làm dâu. Trong tôi dấy lên sự giằng co nội tâm khủng khiếp; một sự chọn lựa đau đớn giữa tu và hồi tục.

Thói quen đạo đức thúc đẩy tôi cầu nguyện với Chúa. Tôi làm hết tuần tam nhật đến cửu nhật, những mong đón nhận được Thiên ý. Tôi cầu khẩn Chúa, tôi nài xin Ðức Mẹ chỉ cho tôi một lối đi, vạch cho tôi một con đường mà Chúa và Mẹ thấy rằng phù hợp cho tôi. Cho dù cầu nguyện tôi vẫn thấy khó quyết định. Mười mấy năm trời sống trong chủng-viện biết bao bạn thân, kỷ-niệm vui buồn chất ngất, khó mà dứt bỏ. Mười mấy năm trời miệt mài trong lớp chỉ lo học giáo lý, triết học, thần học. Không ai dạy cho tôi những môn học để chuẩn bị vào đời. Ý tưởng về tình-yêu, lòng đạo đức, hạnh phúc đời tu, nỗi cô đơn, sự đòi hỏi của xác thịt, sự chán nản, giằng co tiếc nuối trộn lẫn dấy lên trong tôi như một cơn nước lũ. Nó đảo lộn cuộc sống bình lặng, nó dày vò tâm trí tôi nhưng chẳng giúp tôi quyết định được gì. 

Tất cả đã hết! Cuộc đời đã quyết định thay tôi. Công an bắt tôi giam giữ vì cho rằng tôi chống chính sách, chống xã-hội chủ nghĩa. Thật oan cho tôi. Tôi chỉ là một chủng sinh nghèo nàn cô độc. Ðâu có ai là hậu thuẫn để làm lực lượng chống đối. Tôi đâu có vũ-khí gì để phản kháng lại nhà nước. Tôi có tội vì tôi là tu sĩ. Ba ngày liên tục các cán bộ tỉnh, huyện, xã họp tại ấp để hô hào nông dân góp ruộng, góp nông cụ sản xuất vào làm ăn tập thể. Không một ai chấp nhận. Tôi bị bắt, mọi người ký răm rắp, xung phong làm ăn hợp tác hoá. Thôi thế cũng xong, biết đâu đó chính là ý Chúa.

Thời gian tôi được phóng thích cũng là khoảng thời gian tuyệt vọng nhất trong đời tôi. Ở tù ra tôi thật thất vọng, chán nản lo âu và sợ hãi. Nhìn về tương lai tôi càng thêm tuyệt vọng. Lý-lịch tôi đen ngòm. Gia-đình công-giáo di cư năm 1954, bố nguỵ quân, bản thân tu sĩ, đi tù, làm sao tôi có thể xin nhà nước thụ phong linh-mục. Tương lai của tôi thật đen tối, nó đen hơn cả cái tiền đồ của chị Dậu của Ngô Tất Tố. 

Thủy đã trở về nhà sau khi hoàn tất hai khóa may và thêu. Nghe tin Thủy về, tôi lặn lội ra thăm. Thanh Thủy sống ở thành phố trông đài các và xinh đẹp hẳn lên. Tôi nhìn Thủy không chớp mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Trời ban cho nàng. Chúng tôi vồn vã hỏi thăm nhau, kể cho nhau nghe những gì đã xảy ra trong thời gian xa cách. Thủy không còn nhí nhảnh tự-nhiên như trước đây. Thanh-Thủy của tôi e dè hơn, kín đáo hơn và thâm trầm hơn. Với tất cả sự bồi hồi của con tim, sự xúc động của tâm hồn sau hơn năm trời xa cách tôi đưa tay ân cần nắm bàn tay Thủy nói thật âu yếm: 
— Anh nhớ em quá đi thôi. 
— Em cũng vậy. Thủy đáp lại. 
— Em về thăm nhà rồi lại lên Sài Gòn hay ở lại đây luôn với gia-đình? 
— Thành phố tuy nhộn nhịp đẹp đẽ nhưng em không thích ở trên đó. Em có một mình buồn lắm. Tại sao anh không viết thư cho em?
— Làm sao anh có thể viết thư cho em được khi anh ở trong trại cải tạo. 
— Anh viện cớ, người ta vẫn viết được mà. 
— Ðừng trách anh tội nghiệp. Thực sự anh không thể làm được điều đó. Tất cả mọi thứ đều bị kiểm soát ngặt nghèo. 
— Ðược rồi. Anh nói anh nhớ em, vậy tại sao được phóng thích anh không ra thăm em ngay. Như vậy chứng tỏ anh đâu có yêu em. 
— Cho anh một lời giải thích. Thủy em đừng vội hờn trách anh. Giấy tờ tùy thân của anh công-an giữ hết. Họ buộc anh khi về phải trình diện công an địa phương, ở đó họ quản chế anh không cho rời khỏi ấp. Ði đâu phải xin phép và có lý do chính đáng.

Thủy vẫn chưa buông tha. 
— Em nghe nói thời gian em ở thành phố anh lăng nhăng với người đàn bà khác. 
— Ai nói với em như vậy? Ðó là họ ghen họ bịa chuyện để gièm pha anh thôi. 
— Em nói gì anh cũng chống chế được. Anh hay lắm, giỏi lắm. 

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì thấy câu chuyện đỡ căng thẳng. Tôi vừa nói vừa đưa tay nắm lấy tay Thủy. 
— Là người yêu của em mà, phải giỏi phải hay chứ. 

Thủy giật tay khỏi tay tôi và nói vội vàng: 
— Thôi anh đi về đi kẻo mẹ la. 

Tôi hết sức ngạc nhiên. 
— Sao vậy? Trước khi nói chuyện với em anh đã xin phép cố rồi mà. 
— Mẹ không nói gì với anh à? Thủy tò mò hỏi tôi.
— Không. Có chuyện gì vậy? 

Thanh Thủy đỏ bừng mặt lên. Bất ngờ Thủy ôm lấy tôi và hôn tôi tha thiết. Tôi ước mong nụ hôn tuyệt diệu này kéo dài bất tận. Thủy ngừng hôn dựa đầu vào vai tôi nói trong hơi thở dồn dập. 
— Anh Hà! Em không yêu anh nữa. 

Như sét đánh ngang tai, tôi bàng hoàng bỡ ngỡ, miệng lắp bắp: 
— Sao…em nói cái gì…vậy?
— Anh về đi, em không còn yêu anh nữa. 

Tôi không ngờ Thanh Thủy đã nói một cách thẳng thừng như thế. Tôi như người đang mơ ngủ. 
— Láo, em nói láo. Em gạt anh. 

Thủy buông tôi ra và chạy tuốt lên gác. Trước khi gài cửa lại Thủy còn nói thêm:
— Từ nay anh đừng ra đây kiếm em nữa, cũng đừng viết thư, em không đọc đâu. 

Mặt tôi tái mét, tim như nghẹt thở. Tôi chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi lẩm bẩm một mình: Thủy không yêu tôi nữa. Lòng tan nát tôi đạp xe về. Nước mắt tự nhiên chảy tràn khuôn mặt. Xe cộ phía trườc nhập nhoè, tôi mặc kệ cứ đạp xe như người mất trí. 

Lần đầu tiên trong đời tôi mới nếm mùi vị thất tình. Nó đau đớn, nó buồn bã không bút nào tả nổi. Tôi chán hết mọi sự thế gian. Ðầu óc lúc nào cũng nghĩ tới cái chết. Tôi sống như cái xác không hồn. Thật đúng như câu ca tôi vẫn thường nghe trong tuồng cải lương, “Sống mà không tình-yêu là chết mà biết thở.” Tôi bắt đầu bỏ mặc mọi bổn phận, gác ngoài tai dư luận, lắc đầu trước mọi lời khuyên răn. Tôi buông thả đời tôi vào men rượu. Cuộc sống với tôi lúc đó thật vô nghĩa. Thất vọng với tương lai, tuyệt vọng trong tình-yêu, tôi uống rượu để mong quên đi tất cả. Rượu là bạn, mồi là người yêu, thuốc điếu đốt tiêu niềm tâm sự. 

Cho đến một hôm tôi đang say, có người đến nhà trao cho tôi một gói quà. Ðó là một hộp bánh dẻo hiệu “Thiên-Hương Rồng Vàng” bên trong có phong thư đề tên tôi. Mở thư ra tôi nhận được nét chữ quen thuộc của Thanh-Thủy. 

Thầy Hà quý mến, 
Chúa Nhật thầy mẹ em mời thầy ra dự đám nói của em. Em yêu thầy nhưng em không dám tranh giành với Chúa. Xin thầy hãy quên đi dĩ vãng, vui sống với hiện tại và phấn đấu cho tương lai. Ðến khi nào thụ phong linh-mục em sẽ tự tay may và thêu cho thầy một chiếc áo lễ tuyệt đẹp. 
Em viết thư mời nhưng mong thầy đừng ra dự, vì nhìn thấy thầy, em sẽ khóc.
Thanh Thủy

Thanh-Thủy đã có chồng. Cảm giác của tôi lúc đó thật lạ. Tôi không buồn mà cũng chẳng hờn ghen. Lật mặt sau lá thư tôi sáng tác bài thơ cuối cùng. 

Ðã bấy lâu nay quên nụ cười, 
Quên người tình cũ nhớ khôn nguôi, 
Quên ăn, quên ngủ, quên lợi thú, 
Quên cả tình-yêu lẫn hận thù. 
Quên đếm thời gian nơi cõi thế, 
Quên tìm an ủi chốn Thiên cung, 
Quên con tim lạnh luôn sầu héo, 
Quên cả người xưa đã lạnh lùng. 

Hôm nay tôi ghi lại những giòng hồi tưởng này không phải để kể lại những mối tình vớ vẩn trong đời tu, hay để tự khoe khoang mình; nhưng tôi muốn chia sẻ tâm tư với bạn tôi, thầy Phê-rô Nguyễn Hùng Cường sắp thụ phong linh-mục vào tháng Sáu tới đây. Ðây chỉ là những cảm nghĩ xuôi dòng của một kẻ đã thất bại trong quá khứ, đang lần bước về tương lai. 

Bạn và tôi, chúng ta là những kẻ mến đạo mà không quên đời. Không quên đời ở đây không có nghĩa chúng ta còn luyến tiếc trần tục, nhưng chúng ta đang tham gia vào hội sống, là thành phần của xã-hội con người. Ði tu không phải là xa lánh cõi trần, trốn lên rừng vắng, ăn chay đánh tội. Nhưng là tự rèn luyện mình để trở nên men trong bột, muối ướp gian trần. Như đóa sen nở trong vũng sình lầy, bạn không thể tránh khỏi cám dỗ, bạn cũng không thể trốn chạy thực tại, nhưng bạn can đảm đối diện với thực tế để tôi luyện chính mình và bạn có thể tự hào “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” 

Từ những Mối Tình Vụn Vặt tôi nghiệm ra rằng có những mối tình cao thượng hơn. Nó không ích kỷ nhỏ nhen, không tính toán thiệt hơn. Nó đòi phải hy-sinh. Có hy-sinh tình-yêu mới chân thành. Tôi nhớ mãi Giám-Mục Bùi Tuần của chúng ta có lần viết cho tuổi trẻ về tình-yêu, ngài nhấn mạnh: “Tình yêu thiếu hy-sinh là tình-yêu giả, Hy-sinh thiếu tình-yêu là hy-sinh thừa.” Ý tưởng này không đi ngược với giáo huấn của Chúa Kitô: “Không có tình yêu nào cao quý hơn là hiến mạng sống vì người mình yêu” (Jn 15:13). 

Con đường bạn đang đi, tình yêu bạn đã chọn thật là cao quý. Ðó là cuộc đời tận-hiến. Tận là hết, hiến là cho. Cho hết quý biết bao! Tôi không hồ đồ như nhiều người vẫn thường ví, “Tu là cõi phúc, tình là giây oan.” Con đường tận hiến quả là con đường hẹp, có nhiều chông gai, ít ai tìm đến. Quyết định chọn nó, đó chính là sự lựa chọn rỉ máu. Bạn được cái này, bạn sẽ mất cái kia. Tình yêu bạn đã chọn là tình-yêu hiến dâng. Bạn phải cho đi trước hết, bản thân bạn. Cho đi thời giờ của bạn, cho đi những ước muốn riêng tư, tài năng, tuổi thanh xuân, thể xác và trái tim để làm tròn giới luật yêu thương. Thiên Chúa và đồng loại chính là đối tượng tình yêu của bạn. Bạn hãy sống thế nào để mỗi buổi sớm mai bạn có thể bình tâm hát lên câu ca chân tình: “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…” 

Hãy hiến dâng cuộc đời bạn để mỗi lúc đêm về bạn có thể thân thưa với Chúa như thánh Phao-lô xưa: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi.” 

Từ Những Mối Tình Vụn Vặt tôi có thể nói với bạn rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, chức vụ linh mục không phải là một thứ áo giáp có thể giúp bạn chống lại các cơn cám dỗ. Trái lại đôi khi nó trở thành một thứ hư danh khiến bạn sống giả hình, giả đạo đức trước mặt người khác và dối gạt lương tâm bạn. 

Qua tình yêu bạn thấy rõ lòng người hay thay đổi. Hôm nay thề thốt yêu thương, ngày mai ly dị. Khi yêu thì hứa suốt đời bên nhau, thế mà chỉ một chút giận hờn đã đủ âm thầm phản bội. Lời bạn tuyên hứa trong ngày khấn trọn đời hay trong thánh-lễ truyền chức đó không chỉ là một nghi thức, nhưng là giao ước giữa Chúa và bạn. Thiên Chúa là đấng tuyệt đối trung thành bởi vì người không thể chối chính mình. Lời giao ước giữa bạn và Thiên Chúa đã được nâng lên hàng bí tích và mang ấn tín đời đời. *Bạn thề trung thành với Chúa, bạn hứa sống cuộc đời nghèo khó, và bạn khấn giữ mình trong sạch. Ðiều gì đã khiến bạn can đảm mạnh dạn thề thốt như vậy? Nó xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn bạn lòng Tin, Cậy, Mến. Vì tin tưởng Chúa là Thiên Chúa duy nhất và quyền năng nên bạn thề trung thành với Chúa và Giáo-Hội Người. Vì trông cậy vào lòng nhân hậu bao la của Thiên Chúa là vua cả trời đất. Ngài ban phát không ngừng. Ngài cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người dữ, vì thế bạn hứa sống khó nghèo. Vì yêu mến Chúa Kitô, đấng đã hiến thân mình để cứu chuộc bạn, nên bạn khấn giữ mình trong sạch để trái tim, tình yêu và thân xác bạn trọn vẹn thuộc về Ngài. 

Mỗi khi tham dự thánh lễ truyền chức hay mở tay. Tâm hồn tôi rất xúc động khi nghe bài hát “Con là Linh-mục” của nhạc-sư Tiến-Dũng: “Lạy Chúa Giêsu, con đây xin hứa, con hứa dâng cả cuộc đời. Dâng cả hồn xác con, dâng cả hết trí khôn. Con linh-mục, con sẽ là ánh sáng của trần gian. Con linh mục, con sẽ là như muối của gian trần. Hoa huệ giữa bụi gai đau khổ chẳng nài. Như một người con muốn yên giấc trong tay người mẹ; như người chiến sĩ muốn gửi xác ở chốn sa trường. Con linh mục, con muốn chết ở chân bàn thờ. Ðể hồn xác con dâng làm của lễ toàn thiêu. Ðể hồn xác con dâng làm của lễ tình-yêu.” 

Rồi đây sẽ có những lúc bạn cảm thấy cô đơn, chán nản và thất vọng. Khi đó bạn tự nghĩ có lẽ mình đã chọn lầm lý tưởng. Sự giàu sang, nếp sống đế vương của nhiều người choáng ngợp bạn. Hình ảnh mái ấm gia-đình hạnh-phúc, vợ chồng âu yếm nhau hấp dẫn bạn. Bạn dễ tủi thân vì mình có chức mà không có quyền. Xung quanh bạn có biết bao người quyền cao chức trọng, danh tiếng lẫy lừng; còn bạn mãi trầm lặng trong chiếc áo chùng thâm. 

Phù hoa đấy bạn. Tất cả là phù vân. Bạn có biết không? TIỀN thì BẠC bẽo. TÌNH là bẫy YÊU ma. Ham DANH thì dễ thất VỌNG. Những lúc đó bạn hãy học lấy kinh nghiệm của thánh Augustino: “Lòng con vẫn còn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa.” 

Từ Những Mối Tình Vụn Vặt tôi hiểu rằng con người rất yếu đuối và hay sa ngã. Thánh Phêrô chỉ trong một đêm chối Chúa ba lần. Ðứng trước các cơn cám dỗ con người sa ngã, phạm tội, hối hận, ăn năn và rồi tái phạm. Cám dỗ thì muôn hình vạn trạng. Không sa ngã nào giống nhau. Ăn năn nào cũng có nước mắt. Tái phạm nào cũng có đủ lý do biện minh cho sự yếu đuối của con người. Người đi tu cũng không tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn này. 

Vào đầu thập niên 70 người miền Nam Việt-Nam bàn tán xôn xao về cuốn tiểu thuyết Tóc Mây của Lệ-Hằng. Nhân vật chính trong tác phẩm Tóc Mây là một linh-mục: Cha Duy. Vị linh-mục đã bị tấn công tình cảm bởi một nữ sinh viên trẻ đẹp. Ðứng trước cơn cám dỗ mạnh bạo, vị linh-mục đã cầu nguyện, chiền đấu, sống giằng co giữa con tim và lý trí. Sau cùng, vị linh mục sa ngã và hối hận, quyết tâm cắt đứt tình-yêu. Qua tác phầm Tóc Mây nhiều người không còn thần thánh hóa các linh mục, trái lại nhìn các linh mục với cái nhìn đầy nghi ngờ. 

Bạn đừng buồn. Chúa Giêsu an ủi bạn. Ðồ đệ không hơn được sư phụ. Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu người ta đã gọi Ta là tướng quỷ thì huống hồ chi các ngươi. (Mt.10:24). Biết mình yếu đuối bạn hãy cảm thông với người có tội. Hãy tha thứ và đừng kết án. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang trong Kinh Thánh là một nhắc nhở cho bạn. “Ai trong các ngươi vô tội, thì hãy ném đá người đàn bà này đi.” Tha thứ cho người có lỗi, yêu thương kẻ có tội là điều rất khó. “Quá tam ba bận” cha ông Việt-Nam chúng ta chỉ chấp nhận tha thứ có ba lần. Thánh Phêrô dự tính khoảng bảy lần, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh, “phải tha 70 lần 7.”

Tha thứ cho anh em là kết quả của tình-yêu cao thượng. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Ðó chính là giới luật mới, là kết quả của yêu thương. “Thầy truyền cho chúng con điều răn mới của Thầy là hãy yêu thương nhau như chính Thầy yêu các con” (Jn.15:12).

Ði tu là cuộc hành trình dài tìm gặp Chúa. Trên cuộc hành trình này, bạn có những lúc phấn khởi và cũng có những lúc chán nản. Có những chặng đường vui tươi, nhưng không thiếu những khúc quanh đau thương buồn chán. Có những ngày mưa tạnh gió hòa và cũng có lúc bão tố phong ba. Bạn mạnh dạn bước những bước vững vàng và có đôi khi vấp té. Hướng về đỉnh đồi Calvario bạn mở rộng con tim, ghé vai vác đỡ thập giá Chúa Kitô và đi tiếp quãng đường còn lại. Vinh quang, hạnh-phúc đón chờ bạn ở cuối đường. 

Thầy Phêrô Nguyễn-Hùng-Cường thân mến. Chiếc áo lễ Thanh-Thủy hứa tự tay may và thêu tặng tôi trong ngày thụ phong linh-mục chẳng biết đến bao giờ mới có. Tháng Sáu tới đây Thầy sắp lãnh nhận chiếc áo trắng tinh tuyền mà Đức Kitô đã tự tay thêu cho thầy giòng chữ vàng tuyệt đẹp: 

“Con là linh mục đời đời theo dòng MELCHICEDECK”. 

Cầu chúc thầy can đảm đáp lại tiếng gọi Tình-Yêu. 

Đào Nguyên Hà 
Chicago, May 15, 1998

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1539,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,351,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1199,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4608,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: Đào Nguyên Hà: Những Mối Tình Vụn Vặt
Đào Nguyên Hà: Những Mối Tình Vụn Vặt
Đào Nguyên Hà: Những Mối Tình Vụn Vặt
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhyUlxb0tEMb94vBuac81tRncYkIF-u1GuerG_l-QiF1jhoxCWay_LGKspR-3Ma13-t6sVvGuVBew-UV9JQcGacPlJ814LroTIpppj8Ih8mJ1Sm4dXhyRwAKOf6I8HYBMCwkbSHkPHSDaTQVjV5KGksEAv13hJNurBuJr3iz4MVenxnZmvnfvvrzJQj/w685-h812/H%C3%ACnh%20hai%20Cha.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhyUlxb0tEMb94vBuac81tRncYkIF-u1GuerG_l-QiF1jhoxCWay_LGKspR-3Ma13-t6sVvGuVBew-UV9JQcGacPlJ814LroTIpppj8Ih8mJ1Sm4dXhyRwAKOf6I8HYBMCwkbSHkPHSDaTQVjV5KGksEAv13hJNurBuJr3iz4MVenxnZmvnfvvrzJQj/s72-w685-c-h812/H%C3%ACnh%20hai%20Cha.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2022/06/ao-nguyen-ha-nhung-moi-tinh-vun-vat.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2022/06/ao-nguyen-ha-nhung-moi-tinh-vun-vat.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content