3. Lm Nguyễn Trung Tây: Một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại

SHARE:

3 . Lm Nguyễn Trung Tây: Một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại (Phần Kết)

Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn 
Lm Nguyễn Trung Tây: một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
Phần III - Những đặc sắc nghệ thuật 

1. Nguyễn Trung Tây có những “truyện tư tưởng” 

Truyện không chỉ phản ánh hiện thực đời sống người người Việt tị nạn ở Mỹ sau 1975. Ở những truyện tư tưởng, chủ đề khá sâu kín. Ngôn ngữ văn chương mang tính ẩn dụ, những vấn đề nhà văn gửi gắm được gói rất chặt trong nhiều lớp kết cấu của tác phẩm. Có những hình tượng mới mẻ. Xin đọc: Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn Lang (tạp ghi), Cơn mơ và giấc mộng. Sâu, Nhộng, Bướm, Thanh hỏa trà, Quán rượu nửa đêm, Tôi hét lên, 911 và sự thật. 

Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể: gần ngày Lễ Giáng Sinh, cây thánh giá gỗ trên cung thánh trong nhà thờ bỗng dưng rơi xuống. Tượng Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. “Cha Nghi (cha xứ) lấy hết sức lực của tuổi 30 tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân!”. Gần 3 ngày, người ta tấp nập đến xem sự lạ, nhưng không ai có thể lay chuyển được cây Thánh giá. Bà Tân, một giáo dân thầm lặng, nhiệt thành. Bị người đời đàm tiếu “me Mỹ”, bà chỉ im lặng; Một người “tội lỗi” như bà lại có thể nâng Thánh giá lên được. ”Sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình dưới đôi tay của bà ta”. Phải chăng tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp của Kinh thánh. Chúa nói với người Pha-ri-sêu về người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít".” (Lc 7, 36-50). 

Truyện Cơn mơ và giấc mộng có chủ đề tương đồng với Giấc Nam Kha khá quen trong văn chương cổ điển. Truyện lấy bối cảnh chùa chiền để thể hiện tư tưởng Thiền: đời hư huyễn. 

Truyện 911 và sự thật đặt vấn đề về Ơn Cứu Rỗi đối với những người chưa biết Chúa: “Càng học càng đọc, tôi mới lại càng hiểu thêm là niềm tin Công giáo, theo tài liệu lịch sử, chỉ mới đặt chân tới lãnh thổ Việt Nam vào năm 1533. Hóa ra trước đó, người Việt Nam, có ai tin theo Chúa và được đổ nước trên đầu rửa tội đâu. Nếu vậy Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn, Quang Trung Đại Đế, không tin vào Chúa, không được rửa tội, vậy họ không nhận được ơn cứu rỗi hay sao?" 

Truyện Giấy bạc con công được mã hóa bằng nhiều ẩn dụ, mà nếu giải mã, rất dễ gây ra những tranh cãi về lịch sử, về tôn giáo, về Việt Minh…

Truyện Thanh Hỏa Trà thuật lại việc vua Quang Trung đến thăm và hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp. Những điều như thế sử sách đều nói đến, duy cái chết của Quang Trung còn là một nghi vấn: “Có người suy đoán nói hoàng đế Quang Trung do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề có thể hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ. Nếu đúng là như vậy, ai là người có khả năng đến gần long thể để đầu độc được hoàng đế nước Nam? Đọc truyện, người đọc hiểu chính Nguyễn Thiếp là người đầu độc Quang Trung bằng Thanh hỏa trà và khói trầm lúc tiếp kiến Quang Trung. Cách lý giải này của Nguyễn Trung Tây có thể gây ra những nghi ngại!.. 

Như vậy có thể nhận thấy nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây đặt ra khá nhiều vấn đề tư tưởng, cả về lịch sử, văn hóa và đức tin. Nhà văn tỏ ra có cái nhìn “thoáng” và gợi mở. “Biến cố 9/11 đã dạy tôi bài học bớt quá khích về tôn giáo, bởi có ai trên cõi nhân sinh biết sự thật nằm ở đâu; Hãy tôn trọng cái cá nhân và sự khác nhau” (truyện: 911 và sự thật) 

2. Một “văn phong” vừa dân tộc vừa hiện đại

Đó là cách kể truyện có duyên. Truyện thường có những đoạn tả thiên nhiên rất đẹp. Thiên nhiên vừa là bối cảnh, vừa tạo nên chất văn chương, từ đó câu chuyện diễn ra. Nhà văn liên tưởng một cách tự nhiên từ chuyện này sang chuyện khác, từ hiện tại tới quá khứ, từ giấc mơ tới hiện thực, từ thực tiễn tới nhận thức, từ chuyện dưới đất đến chuyện trên trời. Truyện trôi chảy cuốn người đọc vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Trung Tây. Mỗi truyện thường khởi đầu bằng một “tứ” truyện . “Tứ” truyện này được nhắc lại ở cuối truyện tạo nên một cấu trúc truyện chặt chẽ, bám sát chủ đề (Thí dụ: Phố ABồ, Giấy bạc con công, Đường tử tức). Nét “duyên tía lia” của ngòi bút Nguyễn Trung Tây còn thể hiện ở chất “hài” trong sử dụng ngôn ngữ và diễn đạt hàm ý, cách nói “tưng tửng” nửa thật nửa đùa. Đây là cái “khôi hài”, cười vui tế nhị, không phải cái cười phê phán (Chuyện bố chuyện con, Ngũ đổ tường, Bố Việt Nam và đức tính bố, Đường tử tức…). 

Câu văn Nguyễn Trung Tây là câu ngắn, mạch văn nhanh
Giọng văn là giọng của ngôn ngữ nói, với nhiều khẩu ngữ, thành ngữ dân gian (thí dụ, trong Chuyện Bố chuyện con có những câu: đụng nhau xẹt lửa, ngỡ ngàng như gái ngồi phải cọc, Thằng bố gãi gãi như bị nguyên quân đoàn chí rận đóng lô cốt trên đầu; mừng seeing momma! (Seeing: thấy, momma: mẹ), đến là vãi tội! Vãi; dấm dẳng tựa chó cắn ma,…). Nhiều truyện mang đặc điểm ngôn ngữ Nam bộ (truyện: Đừng đánh con đau, Chuyện ông Tư dì Tư, Chữ tài chữ tâm) hoặc Bắc bộ (truyện: Bố Việt Nam và đức tính bố, Cơn mơ và giấc mộng) rất sống động. Do đặc điểm này, truyện Thần cây đa viết chung với Trần Nguyên Đán có giọng văn khác hẳn. Có lẽ phần viết của Trần Nguyên Đán là chính. 

Phải là người sống rất sâu đời sống các vùng miền Việt Nam mới viết được những truyện ghi tạc sống động tính cách con ngưới, ngôn ngữ, văn hóa từng vùng miền Việt Nam như vậy. Những truyện này góp phần gìn giữ văn hóa Việt, vừa có thể đem văn chương Việt Nam quảng bá với thế giới. Và nếu đem dạy trong môn tiếng Việt cho học sinh người Việt ở nước ngoài thì thật thú vị. 

Nhà văn có một vốn sống, vốn tri thức văn hóa và trải nghiệm rất dày thể hiện trong truyện ngắn 

Có những truyện đòi hỏi người đọc phải có tri thức về văn hóa, tư tưởng triết học mới có thể đọc được (Thần cây đa, Giấy bạc con công, Thanh hỏa trà, Hành trình Văn Lang…). Trái lại, trong nhiều truyện tác giả thâm nhập rất sâu vào cộng đồng, nói tiếng nói của công chúng (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ, Chợ trời Dandenong, Ngũ đổ tường…). Truyện nào cũng có nhân vật cộng đồng, cả nhân vật phiếm chỉ tham gia vào truyện. Đây là một đặc điểm phong cách. 

Tính dân chủ là một đặc điểm của văn chương hiện đại thể hiện ở sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cái khác (The Others). 

Cho nên, là một nhà văn Công giáo, Lm Nguyễn Trung Tây viết nhiều truyện có tư tưởng Phật giáo (Thức tỉnh, Cơn mơ và giấc mộng) và cùng với tác giả Trần Nguyên Đán, một Mục sư viết chung truyện Thần Cây Đa (đăng trên Hợp Lưu). Tính dân chủ của truyện ngắn Nguyễn Trung Tây cũng thể hiện ở sự chấp nhận bình đằng tư tưởng thực dụng Mỹ với những truyền thống Nhân-Nghĩa Việt. Tác giả vừa hết sức giữ gìn truyền thống Việt, vừa cổ vũ cho sự hội nhập văn hóa Mỹ, và triệt để chống sự kỳ thị. Ngòi bút dân chủ của Nguyễn Trung Tây mạnh dạn khai phá nhiều đề tài ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà không can dự chủ quan để gán ghép tư tưởng của cá nhân áp đặt lên người đọc. Cho nên, trong truyện rất ít có những lời bình ngoại đề. 

Nguyễn Trung Tây kết hợp nhiều bút pháp trên nền của chủ nghĩa hiện thực. 

Hầu hết truyện của Nguyễn Trung Tây là truyện chắt lọc từ đời sống hiện thực nơi tác giả đã sống, đã trải qua, đã suy nghiệm, đã gặp gỡ ngững con người, những cảnh sắc. Nhưng có truyện hiện thực kết hợp với huyền thoại, với giấc mơ, với những sự kỳ lạ (Thần cây đa, Cơn mơ và giấc mộng, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh). Có truyện viết bằng ngôn ngữ mộc của đời sống cộng đồng nhưng có truyện lại viết bằng ngôn ngữ ẩn dụ rất uyên thâm, khiến cho thông điệp chuyển tải trở nên sâu kín. Những truyện này tạo thành một mảng văn chương đặc sắc của Nguyễn Trung Tây (Quán rượu nửa đêm, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn lang, Người máu lạnh, Thanh hỏa trà, Tôi hét lên). Cũng có truyện pha trộn hiện tại với lịch sử, với tư tưởng triết học, với suy tư để chủ đề thăng hoa khỏi những bế tắc bi kịch của thực tại (Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Giấy bạc con công…) 

Diễn ngôn về Tin Mừng được trình bày như không trình bày 

Người đọc có cái thú vị khi thưởng thức những truyện hay của Nguyễn Trung Tây mà không bị ám ảnh rằng đang bị ông Linh mục truyền đạo hay áp đặt tư tưởng tôn giáo. Hình tượng các Linh mục trong truyện được khắc họa là một người bình thường như mọi người, thậm chí giao tiếp với cả bọn cờ bạc và gái điếm (truyện Phố ABồ). Nhưng các ngài khai sáng về tư tưởng, khai sáng bằng đời sống, bằng sự chia sẻ, bằng sự nhận lấy những khốn khó của tha nhân và bằng một lòng tin vững vàng, kiên định (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ). Nằm sâu bên dưới câu chuyện là tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, cùng với chủ nghĩa Nhân văn đặt trên nền tảng Kinh thánh. Đó là cái nhìn về Con người: Con người là một tuyệt tác của Thiên Chúa (Sáng thế ký), đó là lòng thương yêu vô hạn mọi cảnh đời của Lòng Chúa Thương Xót, là sự nâng đỡ con người vượt qua bể dâu (Đám tang hồn ma, Quán rượu nửa đêm, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh, Gốc Phi châu, Phố ABồ, Trên một khoang thuyền, Vợ bỏ, Thứ Ba Béo, Thằng Linh thằng Lượm, Đừng đánh con đau…). 

Tính dân chủ cùa văn chương cùng với cách kể rất “thoáng” của Lm Nguyễn Trung Tây có thể gây “dị ứng” với bạn đọc trong nước (vì tác giả là Linh mục). Dù vậy, với tư cách nhà văn Công giáo, tác giả có thể kể mọi chuyện về mọi cảnh ngộ, như Đức Giêsu ngày xưa, đi khắp nơi, gặp gỡ, nói chuyện với mọi phận người và ban ơn Cứu độ cho họ. Nhà văn Công giáo cần tiếp bước Đức Giêsu, kể tiếp những câu chuyện Chúa đã kể để đem đến ánh sáng cho cuộc sống hôm nay. 

Thay lời kết

Gọi là “thay lời kết” bởi vì tác giả còn đang sáng tác. Hành trình sáng tạo còn dài phía trước, những khám phá tư tưởng và nghệ thuật còn đang mở ra rất rộng. Cho nên bài viết này chưa thể nói đến một đời văn, một văn nghiệp, một cốt cách văn chương Nguyễn Trung Tây.

Nhưng điều có thể khẳng định nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây là một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại, có nhiều đóng góp cho văn học Công giáo hôm nay. 

Truyện Nguyễn Trung Tây phản ánh một mảng hiện thực rộng của người Việt hải ngoại, đặt được những vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa, tư tưởng liên quan mật thiết với đời sống người Việt, và đóng góp những đặc sắc về bút pháp, về sự thể hiện tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo trong văn chương. Điều dễ nhận thấy ở trang văn Nguyễn Trung Tây là tính truyền thống và chất hiện đại, tính phóng khoáng về tư tưởng (tính dân chủ) song vẫn hết sức giữ gìn những giá trị dân tộc. Những cây bút văn xuôi Công giáo còn hiếm. Truyện ngắn của Nguyễn Trung Tây có thể gợi mở nhiều điều cả về tư tưởng và thi pháp cho các cây bút văn xuôi Công giáo hôm nay. Đó là điều rất quý. 

Nói như nhà văn: tất cả là ơn Trời: “Bao nhiêu lận đận, bao nhiêu đoạn trường, tôi đã nếm đủ, trải qua. Nhưng mưa Trời vẫn cứ đổ xuống tưới mát tâm hồn có lúc đã cạn khô. Với đức tin và hai bàn tay nhỏ bé giơ ra, xin hứng lấy mưa Trời (nói theo thi hào Tagore), khuôn mặt riêng tôi vẫn nguyên vẹn không hề đổi thay một nụ cười, và hồn tôi vẫn xanh mướt lộc non” (Ơn trời ơn người).

Tháng 11/2021

COMMENTS

Tên

Bác Ái,60,Bài Giảng Audio,69,Bản tin,1541,BảnTin,1,bâcsi,1,Cáo Phó,60,Chuyên đề,189,Cộng Đoàn,755,Đời tu,8,Gia đình Đa Minh,34,Giáo dục,129,Giáo Hội Hoàn vũ,699,Giáo Hội Việt Nam,353,Giới Thiệu,2,Góc Bếp,1,Hạnh Các Thánh,1,Hội Dòng,1033,Hội Thánh,307,Kiến Thức,69,Kiến Thức Phổ Thông,2,Lời Chúa,3,Mùa Chay và Phục Sinh,1202,Mùa Thường Niên,2344,Mùa Vọng,1,Mùa Vọng và Giáng Sinh,508,Mục Vụ Giáo Xứ,74,Nhà An Dưỡng,4,Nhà Huấn Luyện,182,Núi Thánh Phục Sinh,1,Phụng vụ,3,Radio,126,Radio Tâm Ca,83,RVA,23,Suy Niệm,4611,Suy niệm,1092,Suy Tư,2,Suy Tư - Cảm Nghiệm,687,Sứ Vụ,47,Sư Vụ,4,Sứ vụ,218,Sứ Vụ Giáo Dục,4,Sức khỏe,119,Sưu Tầm,141,Tài liệu,519,Tập San Lên Đường,564,Thần Học,1,Thế giới nhìn từ Vatican,1,Thông Tin,947,Thời Sự,455,Trong nước,2,Truyền Giáo,6,Vatican News,11,Văn Bản,23,Văn Hóa Nghệ Thuật,1985,Văn-Thơ,1,vi,2,Video Clips,1601,Video Nhạc - Phim,568,Videos,7,Youth Radio,52,
ltr
item
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP: 3. Lm Nguyễn Trung Tây: Một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
3. Lm Nguyễn Trung Tây: Một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại
3 . Lm Nguyễn Trung Tây: Một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại (Phần Kết)
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiW3X4zKkhlmSKvPkxuDDm68s3EDR-Gl6nUlZ7cmozVKKCTANHbOBQVOxM5KymhEyD8nSUA2lUKnQI37RR4QNU3zWkzO4R4knhuN6T5sZXc0_xKhivgn0i9xHZUC7ujogKEk9B6jt5XbjnFl8SvlRrn8fDzTQp0IsPhoorAMcN40OdQov4UZ_gTAnzn/w706-h777/H%C3%ACnh%2010-2021.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiW3X4zKkhlmSKvPkxuDDm68s3EDR-Gl6nUlZ7cmozVKKCTANHbOBQVOxM5KymhEyD8nSUA2lUKnQI37RR4QNU3zWkzO4R4knhuN6T5sZXc0_xKhivgn0i9xHZUC7ujogKEk9B6jt5XbjnFl8SvlRrn8fDzTQp0IsPhoorAMcN40OdQov4UZ_gTAnzn/s72-w706-c-h777/H%C3%ACnh%2010-2021.jpg
HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH GÒ VẤP
https://www.daminhgovap.org/2022/05/lm-nguyen-trung-tay-mot-nha-van-cong_4.html
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/
https://www.daminhgovap.org/2022/05/lm-nguyen-trung-tay-mot-nha-van-cong_4.html
true
3295611318363260226
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Xem bài Reply Cancel reply Delete Bởi Home TRANG POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU NHÃN ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không tìm thấy bài viết phù hợp với yêu cầu Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content